Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm các nội dung đăng trên websites, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "Baoangiang.com". (Ví dụ: "tin tức hôm nay" Baoangiang.com). Tìm kiếm ngay
12 lượt xem

Loài ếch xâm lấn khổng lồ chuyên ăn thịt rùa con

Ếch bò Mỹ, loài ếch lớn nhất Bắc Mỹ, ăn thịt con non của rùa ao tây bắc bản địa ở California, gây suy giảm quần thể nghiêm trọng.

Tại Vườn quốc gia Yosemite, bang California, tiếng kêu lớn và liên tục của ếch bò Mỹ vang lên trong đêm. Tiếng kêu của chúng không chỉ gây ồn mà còn là dấu hiệu của sự mất cân bằng, khi một loài xâm lấn áp đảo sinh vật bản địa.





Ếch bò Mỹ có nguồn gốc từ miền đông nước Mỹ và được coi là động vật xâm lấn ở miền tây. Ảnh: National Park Service

Ếch bò Mỹ có nguồn gốc từ miền đông nước Mỹ và được coi là động vật xâm lấn ở miền tây. Ảnh: National Park Service

Ếch bò Mỹ (Lithobates catesbeianus) là loài ếch lớn có thể nặng tới 0,7 kg và dài 20 cm, thậm chí nòng nọc cũng dài đến 17 cm, theo National Geographic. Chúng có nguồn gốc từ miền đông nước Mỹ, do đó, ở bang miền tây California, chúng là loài xâm lấn. Ếch bò Mỹ được đưa đến Yosemite những năm 1950, thường để làm thực phẩm hoặc mồi câu. Trong vòng hai thập kỷ, chúng nhanh chóng thích nghi và sinh sôi, gây hại cho hệ sinh thái bản địa.

Những kẻ săn mồi háu ăn này tiêu thụ côn trùng, động vật lưỡng cư, chim nhỏ, động vật gặm nhấm, và đặc biệt là rùa non. “Một lý do ếch bò Mỹ nằm trong số những loài xâm lấn tệ nhất thế giới là chúng ăn mọi thứ – bất cứ thứ gì bỏ vừa miệng”, Brian Todd, giáo sư Khoa Động vật hoang dã, Cá và Sinh học Bảo tồn tại Đại học California Davis, cho biết.

Todd cùng đồng nghiệp nghiên cứu tác động của ếch bò Mỹ đến rùa ao tây bắc (Actinemys marmorata), loài bản địa từng phát triển mạnh trong những vùng nước của California nhưng sau đó dần suy giảm. Nghiên cứu mới công bố trên tạp chí Biological Conservation tháng này.

Để điều tra sự biến mất của rùa, nhóm nhà khoa học tập trung vào 4 hồ nước ở Yosemite trong giai đoạn 2016-2022, trong đó hai địa điểm có ếch bò Mỹ. Kết quả, nơi ếch bò Mỹ phát triển mạnh, quần thể rùa già hơn và lớn hơn đáng kể, rùa non gần như vắng bóng.

Nhóm nghiên cứu bắt đầu loại bỏ loài ếch bò Mỹ để xem điều này ảnh hưởng ra sao đến quần thể rùa bản địa. Họ đã bắt 12.317 con ếch từ một địa điểm và 4.067 con từ địa điểm còn lại. Trong dạ dày chúng, họ phát hiện rùa ao non, kỳ nhông, rắn garter, chim, động vật gặm nhấm và ếch.

Rùa ao non, với mai nhỏ chỉ 25 mm, sẽ gặp nguy hiểm trong nhiều năm. Sự phát triển chậm và tỷ lệ tử vong cao càng khiến chúng dễ tổn thương.

Earth.com cho biết, nỗ lực kéo dài nhiều năm của các nhà khoa học nhằm loại bỏ ếch bò Mỹ đạt đỉnh điểm vào năm 2019, khi tiêu diệt gần như hoàn toàn loài vật này tại hai địa điểm nghiên cứu. Sau đó, họ bắt đầu thấy rùa non xuất hiện trở lại. Sự vắng mặt của ếch bò Mỹ không chỉ có lợi cho rùa. Các sinh vật bản địa khác cũng tái phát triển như kỳ nhông, ếch và côn trùng thủy sinh.





Nòng nọc ếch bò Mỹ (trái) lớn hơn rùa ao bản địa tây bắc non (phải). Ảnh: Sidney Woodruff/UC Davis

Nòng nọc ếch bò Mỹ (trái) lớn hơn rùa ao tây bắc non (phải). Ảnh: Sidney Woodruff/UC Davis

Không chỉ Yosemite, ếch bò Mỹ cũng được du nhập ở nhiều nơi trên thế giới. Tác động của chúng đến các hệ thống nước ngọt, đặc biệt là những sinh vật như rùa, ếch và kỳ nhông bản địa, rất rộng và nghiêm trọng. “Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy lợi ích tiềm năng của việc đảo ngược sự suy giảm loài và khôi phục các hệ sinh thái nước ngọt”, nhóm nghiên cứu kết luận.

“Động vật xâm lấn có thể lấn át và tiêu diệt các loài bản địa, gây ra sự suy giảm ở nhiều loài vốn đã bị đe dọa. Động vật xâm lấn thậm chí có thể gây hại cho sinh kế của con người do ảnh hưởng đến cây trồng hoặc động vật thuần hóa và làm lây lan bệnh”, Todd nói với Popular Science.

Nhóm nghiên cứu cho biết, trận chiến vẫn chưa kết thúc. Với sự cảnh giác và cẩn thận, những gợn sóng của sự phục hồi này có thể lan rộng ra ngoài Yosemite và đưa những gì đã mất quay trở lại.

Thu Thảo (Tổng hợp)





Thông báo: Baoangiang.com rất mong nhận được sự đóng góp ý kiến cũng như bài vở của bạn đọc gần xa. Quý bạn đọc có tin bài muốn cộng tác xin gửi về địa chỉ email: [email protected] hoặc zalo: 0909090909.

Chúng tôi sẽ có nhuận bút tương xứng với chất lượng của bài viết nếu bài viết của Quý đọc giả được chọn để đăng trên trang của chúng tôi. Xin cám ơn!

Bài viết mới cập nhật: