Ngày 2-8, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Thành ủy Hải Phòng tổ chức hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện nghị quyết 45 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Hội nghị có sự tham dự của Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Hồng Sơn, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cùng lãnh đạo các ban, bộ, ngành trung ương; lãnh đạo các tỉnh, thành phố trong khu vực đồng bằng sông Hồng và nhiều chuyên gia kinh tế.
Hải Phòng giữ vai trò là một trung tâm kinh tế lớn
Tại hội nghị, ông Lê Tiến Châu – bí thư Thành ủy Hải Phòng – nhắc lại việc cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã gợi ý cho thành phố thay vì sơ kết 5 năm thực hiện kết luận 72 của Bộ Chính trị, thành phố Hải Phòng có thể nghĩ tới việc đề nghị Bộ Chính trị ban hành nghị quyết mới nhằm phù hợp với xu thế và định hướng, mong muốn sau này.
Từ gợi ý trên, nghị quyết số 45 của Bộ Chính trị đã ra đời và đây chính là “kim chỉ nam” cho sự phát triển của Hải Phòng với những định hướng rõ ràng, cụ thể, với những cơ chế, chính sách đủ mạnh để thành phố có thể phát huy mọi tiềm năng, lợi thế, bứt phá mạnh mẽ thời gian qua.
Sau 5 năm thực hiện nghị quyết, Hải Phòng gặt hái được nhiều kết quả quan trọng và từng bước khẳng định vị thế, vai trò trung tâm kinh tế – xã hội lớn của vùng Đồng bằng sông Hồng cũng như cả nước.
Tuy nhiên, ông Châu cũng thẳng thắn nhận định Hải Phòng còn nhiều khó khăn, thách thức khi có cả những khó khăn nội tại lẫn vấn đề về cơ chế chung.
Cụ thể, nghị quyết 45 đề ra mục tiêu Hải Phòng đi đầu cả nước trong sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa, nhưng thực tế hiện nay khu kinh tế Đình Vũ – Cát Hải lấp đầy hơn 80% đất công nghiệp, việc phát triển các khu, cụm công nghiệp mới tiến độ còn chậm so với kế hoạch đề ra.
Hải Phòng được đánh giá là một trong những địa phương phát triển nhanh nhất cả nước song hệ thống cơ chế chính sách đặc thù, thúc đẩy phát triển còn khiêm tốn, chưa đủ sức tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển của thành phố và xứng tầm với tiềm năng và vị thế của vùng đất này.
Đặc biệt, nghị quyết 45 còn đề ra mục tiêu Hải Phòng là trung tâm quốc tế về giáo dục, đào tạo, nhưng việc đầu tư cho lĩnh vực giáo dục còn chưa tương xứng với nhu cầu. Thành phố rất thiếu những trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để có thể phục vụ phát triển các ngành công nghiệp tiên tiến, hiện đại.
“Hải Phòng mong muốn nhận thêm nhiều ý kiến, giải pháp cụ thể nhằm tập trung thực hiện, đẩy nhanh tiến độ triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm mang tính đột phá trong thời gian tới” – ông Châu bày tỏ.
Theo đó, Hải Phòng mong sớm thành lập và triển khai đầu tư khu kinh tế ven biển phía nam nhằm tạo động lực tăng trưởng mới trong giai đoạn tới. Đồng thời hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách đặc thù, thí điểm mô hình khu thương mại tự do thành phố Hải Phòng.
Tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đẩy mạnh thu hút nhân lực chất lượng cao; đặc biệt ưu tiên hệ thống hạ tầng giao thông kết nối với các cảng biển trên địa bàn thành phố nhằm phát huy hết hiệu quả, công suất của hệ thống cảng biển trên địa bàn.
Nghiên cứu triển khai thí điểm khu thương mại tự do tại Hải Phòng
Đề xuất giải pháp để Hải Phòng tiếp tục bứt tốc trong thời gian tới, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho rằng thành phố cần tập trung vào 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp, như: thực hiện thí điểm một số cơ chế, chính sách mới, có tính đột phá, đặc thù cho thành phố đặt trong mối tương quan hợp lý với các tỉnh, thành khác trong cả nước.
Thực hiện phân cấp, phân quyền gắn với trách nhiệm của chính quyền địa phương; tập trung nghiên cứu, đánh giá các cơ chế, chính sách và cách làm hay ở trong nước lẫn quốc tế. Đặc biệt là các cơ chế, chính sách đang được áp dụng tại các khu thương mại tự do thành công trên thế giới để vận dụng phù hợp với điều kiện phát triển của thành phố.
Một số cơ chế, chính sách mới có tính đột phá, đặc thù cho Hải Phòng đã được Bộ Chính trị đồng ý chủ trương như việc thành lập khu thương mại tự do, thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị một cấp và hai cấp hành chính.
Kết luận hội nghị, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Hồng Sơn nhấn mạnh ngay sau hội nghị sơ kết này, Ban chỉ đạo sơ kết nghị quyết 45 sẽ đề xuất với cấp có thẩm quyền ban hành kết luận về việc tiếp tục thực hiện nghị quyết 45 ngày 24-1-2019 của Bộ Chính trị khóa XII về xây dựng và phát triển Hải Phòng đến năm 2023, tầm nhìn đến năm 2045.
Đồng thời, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách đặc thù cho phát triển thành phố Hải Phòng, nhất là về quản lý tài chính, ngân sách; quản lý đất đai; quản lý quy hoạch; về nâng cao thu nhập cán bộ, công chức; về đào tạo, nghiên cứu ứng dụng và phát triển khoa học công nghệ, nhất là cho các ngành như hàng hải, đại dương học, kinh tế biển…
Lãnh đạo TP Hải Phòng cũng đề nghị các cấp có thẩm quyền sớm phê duyệt và triển khai ngay tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại Hải Phòng tương tự như TP.HCM và Đà Nẵng.
Đồng thời nghiên cứu sớm ban hành đề án thí điểm thành lập khu thương mại tự do tại Hải Phòng; phê duyệt đề án khu kinh tế ven biển phía nam Hải Phòng để hiện thực hóa nhiệm vụ đã đề ra tại nghị quyết 45 của Bộ Chính trị.
Thông báo: Baoangiang.com rất mong nhận được sự đóng góp ý kiến cũng như bài vở của bạn đọc gần xa. Quý bạn đọc có tin bài muốn cộng tác xin gửi về địa chỉ email: [email protected] hoặc zalo: 0909090909.
Chúng tôi sẽ có nhuận bút tương xứng với chất lượng của bài viết nếu bài viết của Quý đọc giả được chọn để đăng trên trang của chúng tôi. Xin cám ơn!