Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm các nội dung đăng trên websites, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "Baoangiang.com". (Ví dụ: "tin tức hôm nay" Baoangiang.com). Tìm kiếm ngay
55 lượt xem

Hình thái khu kinh tế ven biển rộng 20.000 ha của Hải Phòng

Hải PhòngKhu kinh tế ven biển Nam Đồ Sơn rộng khoảng 20.000 ha và cần khoảng 400.000 đến 600.000 tỷ đồng để triển khai.

Ngày 15/6, UBND TP Hải Phòng cho biết, Đề án thành lập Khu kinh tế ven biển phía Nam Đồ Sơn đã hoàn thành để gửi trung ương và các bộ, ngành xem xét, phê duyệt.

Theo đề án, khu vực quy hoạch xây dựng Khu kinh tế ven biển phía Nam Đồ Sơn bao gồm huyện Kiến Thụy (toàn bộ xã Đoàn Xá, Tân Trào, một phần xã Đại Hợp, Tú Sơn, Kiến Quốc, Ngũ Phúc), huyện An Lão (một phần xã An Thọ, Chiến Thắng), huyện Tiên Lãng (toàn bộ xã Vinh Quang, Hùng Thắng, Đông Hưng, Tây Hưng, Nam Hưng, Bắc Hưng, một phần xã Tiên Thắng, Tiên Minh, huyện Vĩnh Bảo (toàn bộ xã Trấn Dương, Hòa Bình, Vĩnh Tiến, Cổ Am), một phần phường Bàng La, quận Đồ Sơn. Tổng diện tích khu vực này khoảng 20.000 ha.

Toàn cảnh diện tích quy hoạch Khu kinh tế ven biển phía Nam Đồ Sơn. Ảnh Heza

Toàn cảnh diện tích quy hoạch Khu kinh tế ven biển phía Nam Đồ Sơn. Ảnh Heza

Hiện, khu vực này liên kết với các vùng lân cận qua quốc lộ 10, quốc lộ 37 và các tuyến đường tỉnh. Trong tương lai, sẽ có thêm đường ven biển, cao tốc Ninh Bình Hải Phòng, các tuyến đường sắt quốc gia, cảng Nam Đồ Sơn và sân bay quốc tế tại Tiên Lãng.

Theo phân tích của Ban Quản lý khu kinh tế Hải Phòng, khu vực công nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang là động lực tăng trưởng chính của kinh tế Hải Phòng 10 năm qua. Tuy nhiên, Khu kinh tế Đình Vũ – Cát Hải (thành lập năm 2008) đã phát triển tương đối hoàn thiện, hạn chế quỹ đất cho hoạt động phát triển mới.

Nếu không có đột phá hình thành những dự án mới để khôi phục tốc độ tăng trưởng công nghiệp – xây dựng, tăng trưởng GRDP của thành phố khó đạt mức bình quân 13,5% một năm cho giai đoạn 2021-2030. Kéo theo chỉ tiêu thu nhập bình quân đầu người sẽ thấp hơn quy hoạch và mục tiêu đã đề ra trong các nghị quyết phát triển. “Do vậy, việc thành lập khu kinh tế Nam Đồ Sơn là vô cùng cần thiết”, Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Tiến Châu đánh giá.

Về mặt định hướng, Khu kinh tế ven biển phía Nam Đồ Sơn nhằm thu hút các tổ chức tài chính xanh, công ty đa quốc gia giảm phát thải theo xu thế quốc tế mới hiện nay.

Điểm nhấn này là cảng Nam Đồ Sơn, sân bay Tiên Lãng và một phần không gian được sử dụng phát triển khu thương mại tự do. Nếu triển khai, đây là nơi duy nhất tại Việt Nam tới nay có chính sách hội nhập cao tạo lợi thế vượt trội thu hút đầu tư nước ngoài, theo đề án.

Cảng Nam Đồ Sơn, cửa ngõ ra biển của khu kinh tế mới. Ảnh: Heza

Cảng Nam Đồ Sơn, cửa ngõ ra biển của khu kinh tế mới. Ảnh: Heza

Khu kinh tế ven biển này sẽ gồm 7 phân khu.

Phân khu Diện tích (ha) Vốn đầu tư (tỷ đồng)
Khu đô thị hỗn hợp dịch vụ – Thị trấn Hùng Thắng 663 40.000-50.000
Khu đô thị, logistics gắn với sân bay quốc tế Tiên Lãng 1.168 100.000
Khu công nghiệp, phi thuế quan gắn với cảng biển, sân bay 1.185 10.000
Khu logistics gắn với cảng biển quốc tế 1.803 1.000
Dự án cảng Nam Đồ Sơn 3.285 140.000
Sân bay Quốc tế Tiên Lãng 1.158 10.000
Khu rừng sinh thái ngập mặn 2.043 Chưa có thông tin

Ngoài ra còn có mạng lưới đường chính của khu kinh tế với tổng chiều dài 98 km, đường nhánh của khu kinh tế với tổng chiều dài 34 km.

Kinh phí để lập Khu kinh tế biển phía Nam Đồ Sơn là khoảng 400.000 tỷ đồng đến 600.000 tỷ đồng, từ ngân sách và các nguồn vốn khác. Trong đó, phần vốn Bộ Giao thông vận tải đầu tư để đầu tư hệ thống công trình dùng chung của cảng Nam Đồ Sơn (luồng tàu, vũng quay tàu, đê chắn sóng, đê chắn cát, đường ngoài cảng, tôn tạo xử lý nền đất…) khoảng 30.000 tỷ đồng.

Các bến trong cảng Nam Đồ Sơn, TP Hải Phòng đã ký biên bản ghi nhớ với nhóm nhà đầu tư đứng đầu là Tập đoàn Kinh Bắc để nghiên cứu và thực hiện dự án. Cảng hàng không quốc tế Hải Phòng tại Tiên Lãng được xúc tiến thu hút đầu tư theo hình thức BOT với các tập đoàn lớn trong nước và nhà đầu tư Mỹ đã được triển khai.

Sân bay Tiên Lãng với thiết kế hình cánh hoa phượng đỏ. Ảnh: Heza

Sân bay Tiên Lãng với thiết kế hình cánh hoa phượng đỏ. Ảnh: Heza

Dự kiến năm 2028, Khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng bắt đầu xây dựng. Vào năm 2030, một số khu chức năng trong khu kinh tế bắt đầu được khai thác, với nhu cầu lao động sản xuất, kinh doanh năm đầu khoảng 20.000 người và tăng đều 20.000 mỗi năm đảm bảo đến năm 2044 quy mô lao động theo thiết kế là 300.000 người.

Mục tiêu TP Hải Phòng đặt ra là vào năm 2030, Khu kinh tế ven biển phía Nam Đồ Sơn hoạt động ở mức 80% của khu kinh tế Đình Vũ – Cát Hải hiện nay, với quy mô của các dự án khoảng 11.308 ha, trở thành một động lực chủ đạo của nền kinh tế.

Năm 2036, thu nhập từ xây dựng và khai thác Khu kinh tế ven biển phía Nam Đồ Sơn mục tiêu vượt thu nhập từ canh tác nông nghiệp do chuyển đổi đất xây dựng khu kinh tế.

Theo lộ trình, đến năm 2027, TP Hải Phòng bắt đầu thu được ngân sách từ đất ở Khu kinh tế ven biển phía Nam Đồ Sơn, khoảng 254 tỷ đồng một năm. Sau 7 năm, mức thu này sẽ vượt mức chi mà thành phố đã bỏ ra để đầu tư xây dựng khu kinh tế này (khoảng 34.000 tỷ đồng).

Lê Tân


Thông báo: Baoangiang.com rất mong nhận được sự đóng góp ý kiến cũng như bài vở của bạn đọc gần xa. Quý bạn đọc có tin bài muốn cộng tác xin gửi về địa chỉ email: [email protected] hoặc zalo: 0909090909.

Chúng tôi sẽ có nhuận bút tương xứng với chất lượng của bài viết nếu bài viết của Quý đọc giả được chọn để đăng trên trang của chúng tôi. Xin cám ơn!

Bài viết mới cập nhật: