Bộ Tư pháp cho rằng giải pháp thu thuế theo thời gian nắm giữ không khả thi do quản lý nhà nước về thuế và đất đai ở Việt Nam chưa đồng bộ.
Lấy ý kiến về đề nghị xây dựng dự án Luật thuế thu nhập cá nhân (thay thế), Bộ Tài chính đang đề xuất thu thuế thu nhập cá nhân từ chuyển nhượng nhà đất theo thời gian nắm giữ. Việc này nhằm thể chế hóa các chủ trương, định hướng của Đảng, Nhà nước về sử dụng nhà đất có hiệu quả, quy định mức thuế cao với người sở hữu nhiều bất động sản. Đồng thời, đánh thuế mua bán theo thời gian sở hữu cũng làm giảm tình trạng đầu cơ, bong bóng bất động sản.
Góp ý, Bộ Tư pháp cho rằng mức thuế cụ thể cần được nghiên cứu, xác định phù hợp, phản ánh được thực trạng hoạt động của thị trường bất động sản.
Tuy nhiên, theo cơ quan tư pháp, việc áp dụng chính sách thuế thu nhập cá nhân với chuyển nhượng theo thời gian nắm giữ cần đồng bộ với quá trình hoàn thiện các chính sách có liên quan đến đất đai, nhà ở, mức sẵn sàng của hạ tầng công nghệ thông tin về đăng ký đất đai, bất động sản.
Do đó, Bộ này cho rằng giải pháp thu thuế theo thời gian nắm giữ không khả thi. Nguyên nhân là Việt Nam chưa có sự đồng bộ trong quản lý nhà nước giữa thuế và đất đai. Họ đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện nội dung chính sách.
![Đánh thuế mua nhà đất theo thời gian sở hữu không khả thi](https://baoangiang.com/wp-content/uploads/2025/02/dji-20241120094656-0150-d-enha-9753-1533-1739354076.jpg)
Hiện, chính sách thuế thu nhập cá nhân tại Việt Nam không phân biệt theo thời gian nắm giữ bất động sản của người chuyển nhượng. Thu nhập chịu thuế từ mua bán nhà, đất được xác định là giá chuyển nhượng từng lần, với thuế suất 2%.
Đề xuất đánh thuế theo thời gian nắm giữ được Bộ này đưa ra trong bối cảnh giá nhà ở tăng không ngừng. Theo Bộ Tài chính, chính sách này có thể thực hiện giống một số quốc gia trên thế giới để tăng chi phí và giảm sức hấp dẫn của việc đầu cơ, trong đó có thuế thu nhập cá nhân.
Kinh nghiệm cho thấy một số nơi còn áp dụng thuế với lợi nhuận thu được từ giao dịch bất động sản căn cứ theo tần suất giao dịch, thời gian mua, bán lại nhà, đất. Nếu thời gian này diễn ra càng nhanh thì thuế suất càng cao và ngược lại, theo Bộ Tài chính.
Cụ thể, tại Singapore, đất mua đi, bán lại trong năm đầu tiên bị đánh thuế 100% trên giá trị chênh lệch mua, bán. Sau 2 năm, mức thuế suất giảm còn 50% và sau 3 năm là 25%. Tại Đài Loan, giao dịch bất động sản thực hiện trong 2 năm đầu sau khi mua áp dụng thuế suất là 45%. Trong 2-5 năm, thuế suất là 35%, trong 5-10 năm thuế suất 20% và sau 10 năm là 15%.
Giải pháp này được kỳ vọng sẽ giảm tình trạng đầu cơ, bong bóng bất động sản – vốn là nguyên nhân khiến giá nhà, đất tăng cao vừa qua. Song theo giới phân tích, việc thu thuế này khó giúp hạ giá nhà. Chuyên gia bất động sản Trần Khánh Quang cho biết việc áp thuế theo năm sở hữu sẽ tác động “rất lớn đến thị trường”.
Ông lý giải đầu tư bất động sản cũng mất nhiều chi phí gồm 2% thuế thu nhập cá nhân, 0,5% lệ phí trước bạ, khoảng 2% môi giới và các chi phí về vốn 8-10%. Trong khi đó, giá nhà, đất tăng bình quân 8-12% mỗi năm. Bởi vậy, theo ông Quang, lợi suất đầu tư địa ốc hiện nay có thể không bằng các kênh khác.
“Nếu áp dụng quy định đánh thuế này, nhà đầu tư buộc giữ bất động sản lâu hơn, có thể từ 1 năm trở lên, khiến chi phí vốn, lãi vay, chi phí cơ hội… tăng”, ông nói, cho rằng điều này có thể tạo ra hai tác động.
Đầu tiên là thị trường bất động sản giảm hấp dẫn với nhà đầu tư vì tỷ lệ sinh lời kém hoặc không còn lợi nhuận. Mặt khác, nhà đầu tư vẫn tham gia thị trường, nhưng giá địa ốc bị đẩy lên cao hơn để họ bù lại chi phí về vốn, thuế tăng thêm.
Theo khảo sát của VnExpress (25-30/11) về có nên áp dụng cách thu thuế này không, với hơn 12.500 người tham gia, tỷ lệ phản đối “nhỉnh” hơn số ủng hộ,
![Đánh thuế mua nhà đất theo thời gian sở hữu không khả thi - 1](https://baoangiang.com/wp-content/uploads/2025/02/A-nh-ma-n-hi-nh-2024-12-01-lu-3425-1905-1739354076.png)
Ngoài đề xuất về đánh thuế theo thời gian nắm giữ, trước đó Bộ Xây dựng cũng đề xuất thu thuế với trường hợp sở hữu, sử dụng nhiều nhà, đất nhằm hạn chế đầu cơ, mua đi bán lại trong thời gian ngắn để kiếm lời. Bộ Tài chính được yêu cầu cùng nghiên cứu, tham mưu chính sách thuế với nhà đất thứ hai hoặc bỏ hoang, không sử dụng.
Tương tự, Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) đề xuất chính sách thuế bất động sản áp cho hai đối tượng, gồm người mua căn nhà thứ hai trở lên và chủ sở hữu bỏ hoang dự án. Mức thuế sẽ tăng dần với giao dịch mà người bán có thời gian sở hữu ngắn.
Năm ngoái, đoàn giám sát của Quốc hội kiến nghị sớm ban hành chính sách thuế áp dụng với người sở hữu nhiều nhà đất, bỏ hoang bất động sản. Nhiều địa phương hiện nay dư thừa các sản phẩm như shophouse, biệt thự không người ở. Trong khi đó, nhà ở bình dân, vừa túi tiền ngày càng khan hiếm, nhất là tại Hà Nội và TP HCM ghi nhận tình trạng lệch pha trên thị trường bất động sản trầm trọng.
Phương Dung
Thông báo: Baoangiang.com rất mong nhận được sự đóng góp ý kiến cũng như bài vở của bạn đọc gần xa. Quý bạn đọc có tin bài muốn cộng tác xin gửi về địa chỉ email: [email protected] hoặc zalo: 0909090909.
Chúng tôi sẽ có nhuận bút tương xứng với chất lượng của bài viết nếu bài viết của Quý đọc giả được chọn để đăng trên trang của chúng tôi. Xin cám ơn!