Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm các nội dung đăng trên websites, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "Baoangiang.com". (Ví dụ: "tin tức hôm nay" Baoangiang.com). Tìm kiếm ngay
51 lượt xem

Khi chồng mải lo chuyện bao đồng: Sao anh làm việc tốt mà em bực bội!

Minh họa: ĐẶNG HỒNG QUÂN

Minh họa: ĐẶNG HỒNG QUÂN

Bên nhau đã lâu, chị hiểu rõ tính anh. Ai nhờ gì anh khó mà từ chối. Nhìn vẻ mặt anh bứt rứt, chị vừa thương vừa muốn nổi quạu. Anh nói một “người anh xã hội” gọi nhờ hướng dẫn các thủ tục liên quan kiện tụng.

“Sao anh làm việc tốt mà em bực bội”

“Anh phải đi gặp anh bạn kia, người ta lâu lâu mới nhờ mà mình không nhiệt tình thì kỳ lắm”. “Trước đây thì có nhưng giờ tôi không ngăn cản vì ảnh đang muốn giúp liền. Mình bàn ra, ảnh sẽ không vui, có khi nghĩ mình không hiểu cho ảnh. Thôi cứ để ảnh… lạc trôi”, chị chia sẻ.

Nhiều lần anh Long thường ưu tiên chuyện của người quen, bạn bè thay vì dành thời gian cho bản thân hoặc cho hai vợ chồng. 

“Ngoài quê, bạn bè anh vào đây khám bệnh, đi công chuyện, gọi là anh ra bến xe đón, đưa đi khám, đưa về nhà ở mấy bữa. Dù than với tôi là cũng mệt lắm nhưng ráng giúp người ta”, chị kể.

Chỉ khi nào kẹt quá, không có mặt ở thành phố, anh mới từ chối. Nhưng “lắc đầu thì ít, gật đầu thì nhiều” vì lòng anh luôn thôi thúc phải giúp người.

Chị nhớ lại có những thời điểm công chuyện đăng đăng đê đê, nhưng anh luôn dành thời gian cho những việc người khác nhờ vả. Điều đó cũng tốt nhưng nhiều lần anh vì chuyện người ngoài mà lơ đễnh luôn chuyện nhà hoặc ưu tiên chuyện bên ngoài.

Chính anh cũng thừa nhận: “Kế hoạch là tôi định giải quyết chuyện của mình vào buổi sáng. Nhưng có người bạn nhờ đi cùng xem pháp lý miếng đất định mua, tôi gác lại chuyện riêng, lo trọn vẹn cho người ta”.

Có lần, thay vì vợ chồng đi ăn sáng, cà phê ngắm phố, anh chở chị thẳng lên Củ Chi (TP.HCM) xem giùm căn nhà người bạn đang tranh chấp. Vì vậy chuyện xảy ra mâu thuẫn với chị là không tránh khỏi.

Như câu chuyện kiện tụng của anh bạn kia, chị thắc mắc tại sao anh này luôn nói mình làm ăn lớn, quen biết nhiều nhưng đụng chuyện lại nhờ anh. Và sau khi anh bỏ thời gian, công sức tới lui tìm hiểu, nhờ vả tứ phía, cuối cùng không giúp được thì phía kia thất vọng ra mặt.

Về quê chơi, chị gái dặn vợ chồng anh “trưa ở nhà ăn cơm, chị đi chợ mua đồ đó” rồi chuẩn bị bữa cơm ngon lành. Đùng cái, bạn bè hú nhờ giúp cái là anh vù đi như bốc hơi.

Còn khi trên công ty, anh thường xuyên là cái tên thân thương được đồng nghiệp nhờ trực giùm, dù đôi lúc muốn từ chối. Mấy lần, cũng vì trực giùm, anh lỡ hẹn với chị và bị giận.

Góp ý, đừng mặc kệ nửa kia với chuyện bao đồng

Bao đồng cũng xuất phát từ tính tốt bụng, cả nể. 

Nhận ra điều này và tham khảo lời khuyên của chuyên gia tâm lý trong một hội thảo ứng xử, chị chọn cách góp ý nhẹ nhàng thay vì “hét ra lửa” hoặc im lặng dù lòng muốn bùng cháy.

“Chồng mình mà mình không được… xài (nhờ vả, tận hưởng thời gian bên nhau) mà toàn là lo cho thiên hạ. Mình phải lên tiếng chứ không đâu còn là chồng”, chị hóm hỉnh.

Vậy là chị khuyến khích anh kể về những chuyện người khác nhờ vả. Chị không phán xét gì. Tính anh muốn làm gì là làm liền, nhưng chị nói anh ăn xong cơm, “trưa nắng lắm, không gấp nên chiều mát rồi tính”. Và thật sự, có những lần anh nhận ra từ chối giúp người khác cũng không ảnh hưởng gì.

Những việc khẩn cấp của bạn bè, khi anh giúp đỡ hợp lý, chị ghi nhận anh tốt bụng. Còn những lần giúp quá xá, chị thủ thỉ nên trong chừng mực. 

“Hồi đó tôi hay cứng nhắc, thường nổi giận. Giờ tôi mềm mỏng hơn, pha chút hài hước. Anh cũng đỡ lo chuyện người ta”, chị nói.

Trò chuyện về những điều này, khi nào anh tỏ ra mình đúng thì chị hỏi đùa “Vẫn giữ lập trường đúng không?”.

Nghe vậy, anh phì cười, nói “sẽ bớt bớt lại mà”. Thôi thì, chị tự nhủ, giữa bao nhiêu tính tốt của chồng, chị chọn dung hòa tính quá xá tốt là “bao đồng” để giữ đôi trái tim cùng nhịp đập.

Nếu đã lỡ có tính “quàng việc vào thân”, cần tiết chế

Không diễn tiến êm đẹp như câu chuyện kể trên, anh Duy Hùng (31 tuổi) và chị Ngọc Hải đường ai nấy đi, một phần vì ai cũng mải mê lo chuyện bên ngoài, không có thời gian cho người yêu. Tính chất công việc buộc tham gia những hoạt động cơ quan cuối tuần, rồi chuyện gia đình hai bên, chuyện bạn bè nhờ vả…

Anh Hùng nhận thấy sự bao đồng của cả hai chỉ là một trong những nguyên nhân dẫn đến rạn nứt, cùng với sự thiếu chia sẻ, thông cảm.

Vì vậy theo anh, nếu đã lỡ có tính “quàng việc vào thân”, cần tiết chế để hài hòa các mối quan hệ, có thời gian dành cho những việc thiết thực hơn.

Thông báo: Baoangiang.com rất mong nhận được sự đóng góp ý kiến cũng như bài vở của bạn đọc gần xa. Quý bạn đọc có tin bài muốn cộng tác xin gửi về địa chỉ email: [email protected] hoặc zalo: 0909090909.

Chúng tôi sẽ có nhuận bút tương xứng với chất lượng của bài viết nếu bài viết của Quý đọc giả được chọn để đăng trên trang của chúng tôi. Xin cám ơn!

Bài viết mới cập nhật: