Đa phần công ty không giải thể hay phải cắt giảm cũng chỉ duy trì quy mô nhân sự và hầu như rất ít tuyển mới. Có những công ty “suốt ba năm vừa qua không tuyển thêm bất kỳ nhân sự mới nào”.
Tỉ lệ chọi chót vót
Vừa ra trường, có tham gia làm vài dự án nhưng khi tìm việc làm, Trịnh Đồng Khánh (24 tuổi) – một lập trình viên Java vừa mới tốt nghiệp và đang tìm việc làm – cho biết khá vất vả.
Chọn học IT vì yêu thích, thời điểm Khánh tốt nghiệp THPT cũng là lúc ngành này đang bùng nổ tuyển dụng do nhu cầu về các dịch vụ trực tuyến tăng cao.
Nhưng tốt nghiệp tại thời điểm này và muốn đi làm, Khánh gặp ngay lúc đang trải qua cơn bão cắt giảm nhân sự. Tham gia một chương trình kết nối việc làm có không ít công ty công nghệ, Khánh hy vọng có thể tìm được vị trí thực tập sinh để vừa học vừa làm và tích lũy kinh nghiệm.
Là người trực tiếp tuyển dụng, chị Nguyễn Ngọc Tú đồng tình tỉ lệ chọi trong ngành này với các ứng viên mới ít kinh nghiệm đang khốc liệt. Là một công ty quy mô nhỏ nhưng công ty chị nhận tới 100 – 200 người mới tốt nghiệp ứng tuyển.
“Kinh tế khó khăn, nhiều công ty sa thải, giải thể hoặc cắt giảm nhân sự nên số lượng người tìm việc trong ngành này nhiều hơn. Chính tôi cũng phải rời công ty trước đó và vừa vào làm công ty mới sau mấy tháng tìm việc” – chị Tú nói.
Xu hướng làm tự do (freelance) những năm gần đây khá phổ biến với những người làm công nghệ thông tin. Tuy nhiên khi cơ hội làm việc cố định trong các công ty thu hẹp lại, việc lựa chọn làm tự do cũng không dễ dàng với những bạn trẻ chưa nhiều kinh nghiệm.
Đình Tuyên (24 tuổi, ngụ TP Thủ Đức, TP.HCM, chuyên về xử lý hệ thống dữ liệu của web, app, phát triển sản phẩm) cho biết dù muốn nhận thêm dự án ngoài để có thêm thu nhập nhưng do chỉ mới hai năm kinh nghiệm nên trong thời gian này vừa đi làm vừa tự học mới dám tính chuyện tự lập nhóm nhận thêm dự án bên ngoài.
Lương giữa người mới vào nghề (1 – 3 năm), người chưa có nhiều kinh nghiệm (3 – 5 năm) và làm lâu năm (trên 5 năm) có sự khác biệt rất lớn.
Chưa kể chênh lệch mức lương giữa các doanh nghiệp là công ty khởi nghiệp, của Nhật Bản hay châu Âu càng khác. Muốn tìm thêm dự án ngoài thì người mới ra trường hoặc ít kinh nghiệm lại chưa đủ năng lực.
“Phải ít nhất ba năm làm ở công ty trở lên mới dám nhận dự án về làm thêm, có thể đảm nhận từ web tới app, server… mới làm được” – Tuyên giải thích.
Mình lướt các trang tuyển dụng có những vị trí tuyển người mới chưa có kinh nghiệm chỉ cần vài ba vị trí nhưng có đến hơn 600 người ứng tuyển. So với tỉ lệ chọi khi vào đại học, tỉ lệ chọi xin việc còn khủng khiếp hơn nhiều.
TRỊNH ĐỒNG KHÁNH (24 tuổi, một lập trình viên vừa tốt nghiệp)
Chừng 30% ứng viên ngành IT đáp ứng nhu cầu tuyển dụng
Bà Nguyễn Thị Thu Giang – phó giám đốc Navigos Search miền Bắc – cho biết so với nửa cuối năm 2023 là thời điểm sụt giảm nhân sự ồ ạt của ngành IT, hiện nhu cầu tuyển dụng các vị trí chuyên viên, chuyên gia có kinh nghiệm trong ngành này tiếp tục giảm nhẹ.
Theo dữ liệu từ Navigos Search, thị trường lao động ngành IT, viễn thông, nhu cầu tuyển dụng cao nhất vẫn là nhân sự có kinh nghiệm để đáp ứng yêu cầu chuyên biệt của từng dự án.
Theo bà Giang, thị trường được xem là khó khăn chung cho tất cả người lao động, đặc biệt với các bạn trẻ mới ra trường ở thời điểm hiện tại.
Nhất là khi doanh nghiệp mong muốn tuyển dụng các ứng viên có kinh nghiệm có thể đảm nhiệm luôn công việc mà không mất nhiều thời gian đào tạo.
Cũng vậy, việc làm tự do nói chung và việc làm tự do của ngành IT nói riêng đòi hỏi tính chủ động và kỷ luật cao.
Trong khi các bạn mới ra trường chưa có nhiều mối quan hệ để tìm được các cơ hội làm việc, cũng không nhiều kinh nghiệm chuyên môn, chưa quen với cách vận hành dự án nên sẽ gặp nhiều bất lợi hơn.
“Nhà tuyển dụng còn lo ngại về tính cam kết của ứng viên trẻ trong việc đáp ứng tiến độ công việc” – bà Giang nhận định.
Dự đoán về dài hạn, bà Giang nói nhu cầu tuyển dụng trong ngành IT vẫn cao trong những năm tới. Dự báo cho thấy Việt Nam sẽ cần đến 700.000 nhân lực trong ngành IT đến năm 2025, trong khi số lượng lập trình viên hiện tại chỉ đạt khoảng 500.000 người.
Vấn đề nằm ở chỗ hiện tỉ lệ ứng viên ngành IT đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng mới chỉ dừng lại ở 30%, con số khá khiêm tốn so với nhu cầu.
Hướng đi nào cho bạn trẻ ngành IT?
Từ góc độ đơn vị cung cấp dịch vụ tuyển dụng nhân sự cấp trung và cấp cao, bà Nguyễn Thị Thu Giang cho rằng các bạn trẻ ngành IT mới ra trường có thể cân nhắc tìm kiếm cơ hội thực tập và dự án nhỏ, công việc freelance hoặc thực tập không lương một thời gian để tích lũy kinh nghiệm thực tế và học hỏi từ những người có kinh nghiệm hơn.
Lời khuyên là khi tìm kiếm công việc toàn thời gian vẫn còn nhiều khó khăn, các bạn trẻ nên xem xét chuyển hướng sang các công việc liên quan hoặc mở rộng phạm vi ứng tuyển qua các lĩnh vực khác có nhu cầu cao về kỹ năng IT như phân tích dữ liệu, quản lý dự án công nghệ hoặc hỗ trợ kỹ thuật.
“Cần tiếp tục học tập và rèn luyện các kỹ năng mới, đặc biệt những kỹ năng đang được nhiều doanh nghiệp tìm kiếm như AI, học máy và bảo mật thông tin. Đồng thời tham gia các khóa học ngắn hạn hoặc chương trình đào tạo chuyên sâu cũng giúp cải thiện khả năng tìm việc” – bà Giang phân tích.
Thông báo: Baoangiang.com rất mong nhận được sự đóng góp ý kiến cũng như bài vở của bạn đọc gần xa. Quý bạn đọc có tin bài muốn cộng tác xin gửi về địa chỉ email: [email protected] hoặc zalo: 0909090909.
Chúng tôi sẽ có nhuận bút tương xứng với chất lượng của bài viết nếu bài viết của Quý đọc giả được chọn để đăng trên trang của chúng tôi. Xin cám ơn!