Hội thảo do Hội đồng Lý luận trung ương phối hợp với Thành ủy Hà Nội tổ chức ngày 23-7 tại Hà Nội.
Hội thảo nhận được nhiều góp ý đa dạng chủ đề về văn hóa trong 50 năm qua của các chuyên gia, nhà quản lý.
Hà Nội cần đầu tư cho văn học nghệ thuật nhiều hơn
Cho ý kiến về chủ đề Văn học, nghệ thuật Việt Nam 50 năm đổi mới, phát triển cùng đất nước (1975 – 2025), ông Kỷ nêu một số giải pháp.
Trong đó ông nhấn mạnh giải pháp phải phát triển nguồn nhân lực ngành văn hóa, nhất là phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, ưu tiên phát triển nguồn nhân lực cho công tác lãnh đạo, quản lý ở các lĩnh vực then chốt, chăm lo cho quy hoạch đào tạo, bố trí, đãi ngộ các tài năng về văn hóa văn nghệ.
Và phải có chính sách đãi ngộ đặc thù với văn nghệ sĩ, trí thức.
Đây là đề xuất giải pháp chung cho toàn ngành kinh tế, và với Hà Nội thì đây là đề xuất rất thiết thực.
Ông Kỷ nói Hà Nội là nơi “lắng hồn núi sông”, tập trung tinh hoa của đất nước.
Đây là một lợi thế không đâu bằng, không nơi nào có hy vọng sẽ đuổi kịp Hà Nội. Vì vậy Hà Nội phải làm sao cho văn học nghệ thuật phát triển.
“Nền kinh tế của Hà Nội có thể không phải số 1 nhưng văn hóa dứt khoát phải là số 1. Nếu Hà Nội không thể trở thành số 1 về phát triển văn hóa thì đây là lỗi của Hà Nội.
Nhưng những năm qua việc Hà Nội tạo điều kiện cho văn học nghệ thuật phát triển cũng chưa phải là tốt. Nếu Hà Nội trích một phần kinh phí lát đá vỉa hè cho văn học nghệ thuật thì cũng là việc nên làm”, ông Kỷ góp ý thẳng thắn Hà Nội cần đầu tư cho văn học nghệ thuật nhiều hơn.
6 đêm nhạc của Taylor Swift ở Singapore bằng 8 lần nộp ngân sách 1 năm của Điện Biên
PGS.TS Bùi Hoài Sơn – ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội – góp ý với hội thảo về chủ đề phát triển công nghiệp văn hóa.
Ông khẳng định quan điểm phải coi văn hóa là một trong những trụ cột phát triển đất nước bền vững.
Ông Sơn ví dụ về tầm quan trọng của công nghiệp văn hóa nếu chúng ta biết đầu tư.
Đó là sáu đêm biểu diễn của Taylor Swift tại Singapore mấy tháng trước thu hơn 8.000 tỉ đồng.
Con số này cao gấp khoảng 4 lần nộp ngân sách một năm của Sơn La và với Điện Biên là 8 lần.
Ngoài giá trị kinh tế, công nghiệp văn hóa còn giúp ta tự tin hơn, tự hào hơn về di sản của cha ông, giúp hội nhập quốc tế tốt hơn, có vị trí tốt hơn trên bản đồ thế giới.
Ông Sơn đưa ra một số giải pháp cơ bản để phát triển công nghiệp văn hóa.
Đầu tiên là cần nhận thức tốt hơn về vị trí của văn hóa, công nghiệp văn hóa trong phát triển đất nước.
Thứ hai là phải hình thành một cơ quan chuyên trách về công nghiệp văn hóa.
Hiện nay công nghiệp văn hóa gồm 12 ngành, trong đó chỉ có 5 ngành thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, 7 ngành thuộc bộ, cơ quan khác quản lý. Cần có nhạc trưởng chung.
Phải hoàn thiện hệ thống thể chế, chính sách pháp luật cho phát triển các ngành công nghiệp văn hóa.
Theo đó, chúng ta không chỉ sửa các luật liên quan đến văn hóa vì những vướng mắc chính sách của ngành văn hóa còn nằm ở các luật khác.
Ví dụ khi sửa đổi Luật Điện ảnh, những người xây dựng luật rất mong đưa vào những chính sách ưu đãi về thuế cho các đoàn làm phim nước ngoài đến Việt Nam làm phim nhưng quy định liên quan đến thuế lại nằm trong luật về thuế.
Tình trạng tương tự ở các lĩnh vực văn hóa nghệ thuật khác, nên rất cần hệ thống pháp lý hoàn chỉnh, đồng bộ.
Ngoài ra, phải tạo được thị trường tiêu thụ văn hóa nghệ thuật; làm tốt công tác bảo vệ bản quyền tác giả; phải xây dựng hệ sinh thái sáng tạo trong toàn xã hội…
Thông báo: Baoangiang.com rất mong nhận được sự đóng góp ý kiến cũng như bài vở của bạn đọc gần xa. Quý bạn đọc có tin bài muốn cộng tác xin gửi về địa chỉ email: [email protected] hoặc zalo: 0909090909.
Chúng tôi sẽ có nhuận bút tương xứng với chất lượng của bài viết nếu bài viết của Quý đọc giả được chọn để đăng trên trang của chúng tôi. Xin cám ơn!