Nước bọt, gián, muỗi, thịt lợn sống… những thứ tưởng chừng không liên quan lại là công thức “nước thối” của một số học sinh.
Học sinh sẽ trộn những nguyên liệu trên vào chai nước uống để quan sát sự thay đổi của chúng, đồng thời chờ thời điểm chai tự phát nổ và chất lỏng bẩn phun ra ngoài.
Ngày 31/5, tờ Bưu điện Hoa Nam đưa tin, sau khi một số chai nước thối phát nổ tại một lớp học ở Bắc Kinh, đã gây hư hỏng máy tính và khiến phòng học bốc mùi khiến nhiều học sinh nôn mửa.
Gần đây, trên các nền tảng mạng xã hội Trung Quốc, việc tìm kiếm từ khóa “công thức pha nước thối” đã trở thành trào lưu mới trong giới trẻ. Không chỉ một mà hàng trăm công thức đã được chia sẻ, từ đậu phụ thối, cà chua, nước lẩu, đến lông chó trộn vào nhau. Thậm chí, nhiều tài khoản mạng còn chia sẻ những “nghiên cứu chuyên sâu” hơn về công thức tạo ra các vụ nổ lớn với tốc độ nhanh và mùi khủng khiếp hơn.
Cô Triệu, một phụ huynh tại Thượng Hải cho hay, gần đây con trai cô đang học lớp 5 đột nhiên thích thú với loại nước có mùi hôi khủng khiếp này.
“Da lợn ngâm cùng đậu nấu chín vốn dùng để ủ thành phân rồi bón cây, mỗi lần tưới cả nhà bốc mùi suốt một ngày. Thế nhưng gần đây con trai xin mẹ nửa chai và mang đến trường, thêm thắt đủ các nguyên liệu kỳ quái khác để ‘nuôi dưỡng'”, người mẹ nói.
Theo giải thích của một giáo viên, “nuôi nước thối” được học sinh ưa chuộng như vậy là bởi trẻ đang trong tuổi có tính tò mò cao, thích khám phá và muốn thỏa mãn cảm giác nghịch ngợm theo một cách đặc biệt nào đó. Bởi vậy, quá trình “nuôi nước thối” dù đầy bất trắc nhưng lại mang đến cho trẻ cảm giác được khám phá, được coi là “người yêu thích khoa học”.
Dù vậy, theo bác sĩ Đàm Tinh Vũ, phó chủ nhiệm Khoa Hô hấp và Chăm sóc tích cực tại Bệnh viện Nhân dân Đại học Bắc Kinh, nước thối có các thành phần khác nhau và không thể xác định chính xác chất độc hại cụ thể trong đó. Loại nước này có thể tạo ra các loại khí độc như amoniac, hydro sunfua, formaldehyd có thể gây ngộ độc, ảnh hưởng đến chức năng hô hấp, tiêu hóa, gây chóng mặt, thậm chí tổn thương đến hệ thần kinh trung ương.
Ngoài ra, xác động vật như gián, ruồi, đuôi chuột cũng có thể sản sinh ra lượng lớn vi khuẩn thông qua quá trình lên men khép kín. Những vi khuẩn này gây một số bệnh nhiễm trùng đường hô hấp hoặc tiêu hóa, đồng thời cũng có thể gây nhiễm trùng đường ruột.
Gần đây, một học sinh tại Thượng Hải từng chia sẻ về trải nghiệm tệ hại khi “nuôi nước thối”. Theo đó, khi chai nước sắp phát nổ, học sinh này đã mang ra bồn hoa khuôn viên trường. Khi nó phát nổ, nước thối văng tứ tung và không may dính vào một học sinh khác khiến người này nôn mửa và ngất xỉu tại chỗ.
Theo bác sĩ Đàm, ngoài thể chất, nước thối còn tác động tiêu cực đến tâm lý và quan niệm giá trị của trẻ. Nó có thể khiến trẻ hình thành những thói quen sinh hoạt và hành vi không tốt, gây trở ngại đến sự phát triển sau này. Thậm chí nếu ai cố tình sử dụng loại nước này để gây hỗn loạn, thương vong hoặc làm thiệt hại tài sản của người khác có thể cấu thành tội phạm. Người nào bán “nước thối” cho trẻ vị thành niên trên mạng, hành vi này có thể bị coi là vi phạm pháp luật và chịu trách nhiệm pháp lý.
Ông Lý Ân Trạch, Giám đốc điều hành Trung tâm Luật Phúc lợi Công cộng của Công ty Luật Nghĩa Phái Bắc Kinh, cho rằng nhà trường và phụ huynh cần có trách nhiệm kiểm soát hành vi này của trẻ.
Theo đó, nhà trường và người giám hộ phải chịu trách nhiệm bồi thường dân sự tương ứng nếu chai nước thối bốc cháy hoặc phát nổ trong lớp học mà gây thương vong hay hủy hoại tài sản. Đồng thời hướng dẫn đúng đắn những mong muốn khám phá khoa học của trẻ, tiến hành thí nghiệm trong môi trường an toàn như phòng thí nghiệm mà không gây tổn hại cho bản thân và người khác.
Trang Vy (Theo the paper, xinhuanet)
Thông báo: Baoangiang.com rất mong nhận được sự đóng góp ý kiến cũng như bài vở của bạn đọc gần xa. Quý bạn đọc có tin bài muốn cộng tác xin gửi về địa chỉ email: [email protected] hoặc zalo: 0909090909.
Chúng tôi sẽ có nhuận bút tương xứng với chất lượng của bài viết nếu bài viết của Quý đọc giả được chọn để đăng trên trang của chúng tôi. Xin cám ơn!