Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm các nội dung đăng trên websites, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "Baoangiang.com". (Ví dụ: "tin tức hôm nay" Baoangiang.com). Tìm kiếm ngay
19 lượt xem

YouTuber và ước mơ xây nhà cho những mảnh đời bất hạnh

YouTuber và ước mơ xây nhà cho những mảnh đời bất hạnh - Ảnh 1.

Long Xuân Chiến trong chuyến tình nguyện giúp đỡ ba em nhỏ bố mất, mẹ bỏ đi ở xã Lang Quán, Yên Sơn (Tuyên Quang) – Ảnh: VŨ TUẤN

“Thành quả” hơn sáu năm làm video của Long Xuân Chiến là sự kết nối mang đến cả trăm ngôi nhà.

Bữa cháo ngô giữa rừng

Long Xuân Chiến, 40 tuổi, có một cửa hàng sửa chữa, bán điện thoại di động ở thị trấn Vĩnh Lộc, huyện Chiêm Hóa, Tuyên Quang. Anh kể từ hồi trẻ anh đã mê những video về cuộc sống hoang dã, hòa mình với thiên nhiên. Rồi Chiến nghỉ việc công nhân về quê kinh doanh điện thoại di động. Sự nghiệp ổn định, có chút thời gian anh xách điện thoại vào rừng cắm trại.

“Nhưng một lần đi cắm trại hoang dã ở Bắc Kạn, tôi gặp hai bà cháu sống trong túp lều giữa rừng, tôi có chia sẻ video, nhiều người nhắn quyên góp tiền giúp hai bà cháu. Từ đó tôi có duyên với những người nghèo. Tôi không ngờ trên đời này vẫn có người nghèo như thế” – Chiến kể.

Ngôi nhà ấy của bà Nhì và cậu bé Thân, lúc ấy mới học lớp 2, ở sâu trong rừng thuộc thôn Phia Khao, xã Bản Thi, huyện Chợ Đồn (tỉnh Bắc Kạn). Nói đúng hơn, ngôi nhà ấy là một cái lán bằng gỗ, lợp lá cọ giữa rừng. Cột kèo xiêu vẹo, vách nứa đã mục, hở hoang hoác. Tài sản quý giá nhất trong nhà là bộ nồi gang đen nhẻm.

Chiều hôm đó đã muộn, Chiến và anh bạn dẫn đường được bà cụ mời ở lại ăn cơm. “Bữa cơm” chỉ có bột ngô, khuấy nhanh tay trong cái nồi gang đen nhẻm ấy. Bà cụ mắt mờ, tay run, chẳng thể khuấy nhanh khiến nồi cháo ngô bị khê một phần. Cái mùi thơm ngầy ngậy của ngô lại ám khói và hơi khê ấy khiến Chiến nhớ mãi.

Anh chia sẻ một video 25 phút về “Bà cụ nghèo nhất Việt Nam”. Không ngờ video ấy thu hút hàng triệu lượt xem. Nhiều người bình luận muốn quyên góp ủng hộ hai bà cháu.

Anh đứng ra nhận tiền, làm việc với chính quyền địa phương, thuê thợ thuyền, mua gạch ngói… Bà cụ đã có một căn nhà tươm tất, lại có thêm cuốn sổ tiết kiệm, có tiền đi chợ hằng tuần. Cậu bé Thân không phải mang đôi dép tổ ong gót mòn như lưỡi cuốc nữa mà có ủng nhựa tới trường…

Phải mất gần một năm anh mới xong nhà cho cụ Nhì. Những chuyến đi bộ cả tiếng đồng hồ chuyển gạch ngói, vật liệu, đồ đạc ấy anh lại có thêm những video mới. Những video mộc mạc, không chỉnh sửa, được bạn bè khắp nơi chia sẻ.

Thế rồi những bình luận của người khác lại chỉ cho anh những phận đời cơ cực. Chiến cuốn theo dòng làm từ thiện, giúp đỡ những phận nghèo từ đấy.

YouTuber và ước mơ xây nhà cho những mảnh đời bất hạnh - Ảnh 2.

Nồi cháo ngô khiến Chiến quyết định chuyển sang làm video giúp đỡ người nghèo – Ảnh: nhân vật cung cấp

Mỗi phận đời là một câu chuyện nước mắt

Loanh quanh ở Chiêm Hóa – huyện miền núi quê anh – có hơn 15 căn nhà đã hoàn thành. Chàng YouTuber da đen nhẻm vì nắng chùng ánh mắt vì căn nhà vừa hoàn thành ở xã Ngọc Hội, cách thị trấn Vĩnh Lộc chưa đầy dăm cây số.

Cảnh đời ấy Chiến được các bạn ở Huyện Đoàn Chiêm Hóa giới thiệu. Chủ nhà là một anh chồng “chậm chạp”, nặng tai, ai bảo gì cũng “hử”, “hả” rõ lâu. Mọi việc trong nhà và nuôi hai đứa con ăn học trông cả vào đồng tiền công làm thuê của chị vợ. Vài tháng trước không may chị vợ trèo cây vải hái quả bị ngã. Xương sống đứt, nằm một chỗ và ngày một yếu đi.

Ngôi nhà mới khánh thành, xây bằng gạch chắc chắn. Chiến còn được nhận cả một chiếc giường dành cho người bệnh chuyển từ Mỹ về. Tiền cước cũng gần chục triệu đồng.

Rồi Chiến kể về phận đời của hai đứa bé khiến anh bị ám ảnh nhất trong suốt sáu năm qua. Mẹ mất chưa được năm tháng thì cha mất, nhìn cảnh hai đứa trẻ mắt tròn xoe trong cái khăn xô lấm bẩn khiến anh không cầm được lòng. “Hai đứa bé ngoan lắm” – Chiến nói, ánh mắt bất chợt nhìn ra phía sông Gâm. 

Con đường xuôi bên bờ dòng sông ấy hơn hai chục cây số cũng có căn nhà mới được xây xong, vừa kịp cho hai đứa trẻ mồ côi tránh mưa tránh bão. Nhà ấy ở xã Chiêu Yên (huyện Yên Sơn), chỉ còn hai đứa trẻ.

Hai đứa bé bơ vơ đã đành, người thím ở ngay bên cạnh lại cứ muốn đập căn nhà ấy đi để lấy đất. “Tiền ăn cho các cháu tôi phải gửi người bán thịt ở gần ủy ban xã. Dân họ thương hai bé, họ mua thức ăn, các bé đi học về qua lấy. Khi nào hết họ lại nhắn tin cho tôi” – Chiến nói.

Chiến gạt xếp chiếc điện thoại cũ vào túi, chiếc điện thoại cũng là máy quay phim, dựng hình của anh trong suốt mấy năm qua. Anh lại quay về Phia Khao, nơi anh bén duyên với những ngôi nhà cho người nghèo.

Ở đó anh vừa khởi công xây một ngôi nhà cho cậu bé bị sét đánh nhưng không chết. Lúc mới sinh ra, mẹ cậu nghèo quá không nuôi được nên bán cho một gia đình khác. Gia đình kia cũng nghèo, hơn một năm sau không nuôi nổi lại trả về. Lúc này mẹ cậu đã đi đâu không rõ, cha cậu chẳng được nhanh nhẹn. Nhà nghèo rớt mồng tơi. “Tôi chưa đủ tiền đâu, nhưng cứ làm đã, vừa làm vừa xin” – Chiến quả quyết rồi lên xe.

Quãng đường rừng núi Bản Thi gần thêm trước mắt.

Từ video đầu tiên về bữa cháo ngô trong nhà cụ Nhì, giờ Chiến đã có hơn 1.300 video, mỗi video là một câu chuyện đầy nước mắt. Mở đầu là những giọt nước mắt thương cảm của người xem, kết thúc là những giọt nước mắt hạnh phúc của những phận đời trong video ấy.

Kênh của Chiến không cho thu nhập nhiều, anh đủ tiền xăng xe, đi lại. Còn tiền anh kêu gọi, ủng hộ nhân vật cũng tính bằng chục tỉ, xây hai phòng học, gần 80 ngôi nhà và hàng chục cuốn sổ tiết kiệm cho người nghèo.

Thông báo: Baoangiang.com rất mong nhận được sự đóng góp ý kiến cũng như bài vở của bạn đọc gần xa. Quý bạn đọc có tin bài muốn cộng tác xin gửi về địa chỉ email: [email protected] hoặc zalo: 0909090909.

Chúng tôi sẽ có nhuận bút tương xứng với chất lượng của bài viết nếu bài viết của Quý đọc giả được chọn để đăng trên trang của chúng tôi. Xin cám ơn!

Bài viết mới cập nhật: