Xuất khẩu năm 2025 được các chuyên gia dự báo có nhiều thách thức, khiến áp lực tăng trưởng kinh tế năm tới đặt lên vai đầu tư công và tiêu dùng nội địa.
Thông tin này được ông Nguyễn Bá Hùng, Chuyên gia Kinh tế trưởng, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam, chia sẻ trong Diễn đàn Đầu tư Việt Nam do Vietnambiz tổ chức ngày 8/11.
Xuất nhập khẩu là một trong những động lực lớn đóng góp vào tăng trưởng năm 2024, nhưng theo chuyên gia của ADB, khó duy trì được đà tăng tốt vào năm tới.
“Năm nay, xuất khẩu tăng trưởng nhanh nhờ nền thấp của năm 2023. Tuy nhiên, xu hướng chung của thế giới hạ nhiệt nên chúng ta sẽ không tìm thấy được tăng trưởng xuất khẩu cho năm tới”, ông Hùng nhận định.
Theo ông, động thái của chính quyền Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump, cũng có thể tạo ra thách thức với xuất khẩu. “Các chủ trương của ông Trump nói, chúng ta khó có thể đánh giá liệu nó sẽ được tiến hành ở mức độ nào. Nhưng điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng thương mại thế giới. Do đó, xuất khẩu vốn là lĩnh vực đóng góp lớn với kinh tế Việt Nam, cũng sẽ gặp thách thức”, ông Hùng phân tích.
Điều này cũng từng được các chuyên gia bày tỏ trong một số sự kiện gần đây. Ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), nhận định rằng ông Trump từng là tổng thống Mỹ nên có thể thấy cách tiếp cận cứng rắn về thương mại, như thương chiến với Trung Quốc và việc áp thuế cao lên hàng hóa với đồng minh Mỹ. Khi vận động tranh cử, Trump kêu gọi các biện pháp thuế quan leo thang, như tăng thuế hàng Trung Quốc lên 60%, thuế trừng phạt 200% xe nhập khẩu từ Mexico, cùng với thuế quan chung 10% với tất cả hàng hóa nhập vào Mỹ.
Ngoài ra, giới chuyên gia cũng đề cập rủi ro nhỏ là nếu Việt Nam bị coi là cửa ngõ để hàng hóa Trung Quốc vào Mỹ, chính quyền Mỹ có thể cố gắng ngăn chặn lỗ hổng này và áp thuế lên hàng từ Việt Nam.
“Theo đó, ngoài việc phát huy lợi thế đối ngoại, chúng ta cũng cần chú trọng kích cầu nội địa, để động lực tăng trưởng trở nên cân bằng hơn”, ông Nguyễn Bá Hùng nhận định. Bên cạnh đó, một động lực quan trọng khác để tăng trưởng thời gian tới, theo ông, nằm trong tay Chính Phủ, đến từ việc giải ngân đầu tư công và chi tiêu ngân sách.
Đề cập một yếu tố quan trọng khác từ khía cạnh đầu tư nước ngoài chảy vào Việt Nam, ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Khối Đầu tư Dragon Capital, chia sẻ thực tế rằng 13 trên 15 ngành trên thị trường chứng khoán tăng trưởng đầu tư âm trong vài năm gần đây. Ông cho rằng vấn đề tăng trưởng âm không nằm ở niềm tin của các nhà đầu tư suy giảm mà là vấn đề thiếu “lòng tham”.
“Tôi cho rằng để những chính sách kích thích đi vào đời sống nhanh nhất, chúng ta cần làm những gì Luật không cấm, chứ không phải chỉ làm những cái được phép làm”, ông Tuấn nêu quan điểm.
Tại hội thảo, ông Phan Đức Hiếu, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, nói trong phiên họp Chính phủ thường kỳ quý III, Chính phủ thảo luận về ba kịch bản tăng trưởng năm 2025, gắn với ba kịch bản điều hành. Theo đó, Chính phủ quyết định chọn kịch bản tăng trưởng cao nhất – mục tiêu cả năm 7%.
Mục tiêu lạm phát hằng năm cũng được nâng từ 4% lên 4,5%, cho thấy mức độ chấp nhận rủi ro cao hơn. Thâm hụt ngân sách mục tiêu dự kiến nâng lên trong giai đoạn sau 2025 so với mức mục tiêu 3% hiện tại.
“Quan điểm điều hành mới cho thấy chúng ta chấp nhận rủi ro cao hơn để tăng trưởng. Từ những quan điểm như vậy, chính sách tài khoá và tiền tệ sẽ theo hướng mở rộng hơn”, ông Nguyễn Tú Anh, Giám đốc Trung tâm Thông tin, nhận định.
Quỳnh Trang
Thông báo: Baoangiang.com rất mong nhận được sự đóng góp ý kiến cũng như bài vở của bạn đọc gần xa. Quý bạn đọc có tin bài muốn cộng tác xin gửi về địa chỉ email: [email protected] hoặc zalo: 0909090909.
Chúng tôi sẽ có nhuận bút tương xứng với chất lượng của bài viết nếu bài viết của Quý đọc giả được chọn để đăng trên trang của chúng tôi. Xin cám ơn!