Một số bậc phụ huynh để con hành xử thiếu tôn trọng mình không phải vì nuông chiều hoặc yếu đuối trong dạy con mà phản ánh một số nỗi sợ và cảm giác tội lỗi.
Sợ mất đi mối quan hệ
Theo tiến sĩ Jeffrey Bernstein, nhà tâm lý học 30 năm kinh nghiệm về trẻ em, thanh thiếu niên, hôn nhân và gia đình ở Philadelphia, Mỹ, một trong những lý do quan trọng khiến cha mẹ chấp nhận sự thiếu tôn trọng của con là sợ con cắt đứt quan hệ với mình.
Họ lo khi phản ứng về việc con cái cư xử không đúng mực sẽ khiến hai bên xa cách. Về mặt tâm lý, điều này đặc biệt đúng nếu đứa con từng cắt đứt liên lạc hoặc xa lánh bố mẹ trước đó.
Viễn cảnh không có con trong cuộc sống khiến cha mẹ già chấp nhận chịu đựng những hành vi tưởng không thể chấp nhận. Họ bỏ qua những lời nhận xét thô lỗ, thái độ coi thường hoặc sự thù địch trắng trợn để duy trì mối quan hệ. Những người cha người mẹ này nghĩ thà căng thẳng hay bị con tỏ thái độ thiếu tôn trọng vẫn hơn không có.
Cảm giác tội lỗi và trách nhiệm
Cha mẹ thường thấy có trách nhiệm sâu sắc với hành vi của con, kể cả khi chúng trưởng thành. Cảm giác trách nhiệm này trở nên phức tạp hơn do thấy tội lỗi về các quyết định hoặc hoàn cảnh nuôi dạy trong quá khứ, góp phần vào hành vi hiện tại.
Con vô lễ nhưng nhiều cha mẹ nghĩ đó là lỗi của mình, do bắt nguồn từ thiếu sót trong quá khứ hoặc lỗi lầm của họ. Vì vậy, họ chấp nhận điều đó như hình thức chuộc lỗi hoặc tin mình đáng bị như vậy. Cha mẹ sợ việc thực thi ranh giới và đỏi hỏi sự tôn trọng sẽ làm trầm trọng thêm các vấn đề hoặc trạng thái cảm xúc của con.
Động lực này khiến cha mẹ liên tục chấp nhận sự thiếu tôn trọng, hy vọng điều đó sẽ giúp con chữa lành hoặc đối phó những vấn đề tiềm ẩn thúc đẩy hành vi.
Cho phép
Điều này xuất phát từ mong muốn giúp đỡ hoặc tránh xung đột. Theo thời gian, những khuôn mẫu này ăn sâu, làm cha mẹ khó thay đổi.
Ngoài ra, lòng tự trọng và sự ổn định về mặt cảm xúc có thể phụ thuộc rất nhiều vào nhu cầu và sự chấp thuận của con. Họ có thể ưu tiên nhu cầu và cảm xúc của con hơn chính họ, dẫn đến họ liên tục hy sinh phẩm giá và hạnh phúc.
Để tránh bị con cái bất kính với mình, chuyên gia Jeffrey Bernstein khuyên.
Đặt ra ranh giới rõ ràng: Thiết lập và truyền đạt ranh giới rõ ràng về hành vi nào được chấp nhận và không được chấp nhận. Thực hiện nhất quán các ranh giới này để duy trì sự tôn trọng.
Tìm kiếm sự trợ giúp chuyên nghiệp: Huấn luyện hoặc nhà tư vấn chia sẻ cách quản lý mối quan hệ với con. Mặt khác, chuyên gia giúp điều hướng cảm xúc và chỉ cách đối phó lành mạnh.
Tự giáo dục bản thân về hành vi phụ thuộc: Nhiều nguồn, gồm sách, nhóm hỗ trợ và diễn đàn trực tuyến có thể cung cấp hướng dẫn và hỗ trợ.
Giao tiếp cởi mở: Nuôi dưỡng một môi trường khuyến khích giao tiếp cởi mở và trung thực. Giải quyết vấn đề một cách trực tiếp và bình tĩnh, lắng nghe quan điểm của con trong khi bày tỏ cảm xúc cá nhân và nhu cầu của bạn.
Tự chăm sóc: Ưu tiên sức khỏe của bạn bằng cách tham gia hoạt động làm khỏe mạnh cả về thể chất, cảm xúc và tinh thần.
Tham gia nhóm hỗ trợ: Kết nối với những cha mẹ khác đang gặp thách thức tương tự để được hỗ trợ về mặt cảm xúc và lời khuyên. Nhóm cũng sẽ giúp giảm cảm giác cô lập.
Đánh giá và điều chỉnh: Liên tục đánh giá lại mối quan hệ và sẵn sàng điều chỉnh khi cần thiết. Mối quan hệ là động nên những gì hiệu quả ở một giai đoạn có thể cần điều chỉnh khi hoàn cảnh thay đổi.
Trao quyền cho con bạn khi trưởng thành: Khuyến khích con chịu trách nhiệm về hành động và hành vi của mình. Trao quyền cho con để tự đưa ra giải pháp và đối mặt với hậu quả của hành động có thể thúc đẩy sự trưởng thành, tôn trọng lẫn nhau.
Nhật Minh (Theo psychologytoday)
Thông báo: Baoangiang.com rất mong nhận được sự đóng góp ý kiến cũng như bài vở của bạn đọc gần xa. Quý bạn đọc có tin bài muốn cộng tác xin gửi về địa chỉ email: [email protected] hoặc zalo: 0909090909.
Chúng tôi sẽ có nhuận bút tương xứng với chất lượng của bài viết nếu bài viết của Quý đọc giả được chọn để đăng trên trang của chúng tôi. Xin cám ơn!