Theo báo của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (Ban Giao thông – chủ đầu tư), đến ngày 31-5, khối lượng cát đắp nền huy động về công trường vẫn chưa đáp ứng nhu cầu của dự án.
Các tỉnh Vĩnh Long, Tiền Giang, Bến Tre đã có chủ trương hỗ trợ, cấp cát đắp nền cho dự án. Nhưng sớm nhất đến tháng 6 các tỉnh mới hoàn thành xong thủ tục liên quan, các nhà thầu mới có thể tiếp cận mua, cung cấp cát về dự án.
Mặc khác, việc nhập nhập khẩu cát Campuchia về cũng gặp khó. Hiện ở Campuchia có 3 công ty khai thác mỏ cát được phép xuất khẩu cát là Soktheara, Global Green và Chaktomuk.
Nguồn cát Campuchia ở Việt Nam được nhập khẩu từ nhiều doanh nghiệp có hợp đồng mua cát với khối lượng nhỏ, có thể dẫn đến giá bán sẽ khác nhau giữa các hợp đồng. Do đó cần có doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu có năng lực của Việt Nam để đàm phán với doanh nghiệp Campuchia nhập khối lượng lớn.
Theo thông báo phía đại diện Camphuchia, họ chỉ có cát xây dựng (không phân biệt cát xây dựng và cát đắp nền như Việt Nam). Điều này gây ảnh hưởng đến giá thành.
Đối với dự án vành đai 3 TP.HCM, giá cát nhập khẩu Campuchia về tới công trường sẽ vào khoảng 360.000 đồng/m3.
Trong khi đó, cát san lấp tại địa phương giá chỉ khoảng 230.000 đồng/m3. Việc nhập cát từ Campuchia về dẫn đến sự chênh lệch giá thành 130.000/m3.
Trước thực trạng trên, Ban giao thông kiến nghị UBND tỉnh Tiền Giang, Vĩnh Long, Bến Tre sớm đẩy nhanh tiến độ thủ tục gia hạn, cấp phép các mỏ cung cấp cho dự án vành đai 3 TP.HCM, đảm bảo tiến độ hoàn thành các thủ tục cấp mỏ.
Tổng nhu cầu cát đắp nền cho dự án vành đai 3 TP.HCM khoảng 9,3 triệu m³, trong đó năm 2024 cần hơn 6 triệu m³. Thời gian qua, các nhà thầu đã đưa về dự án khoảng 0,4 triệu m³ cát đắp nền, không đáp ứng tiến độ thi công.
Do thiếu cát nên một số gói thầu có khối lượng công việc thực hiện trên hiện trường rất ít. Tại khu vực qua huyện Bình Chánh, nhiều đoạn đã dọn dẹp sẵn sàng mặt bằng nhưng đang nằm chờ cát. Nếu không đáp ứng đủ cát đắp nền trong thời gian sớm nhất, đây sẽ là vấn đề thách thức đối với mục tiêu thông xe phần cao tốc năm 2025 và hoàn thành toàn bộ dự án vào năm 2026.
Đến nay, tất cả 10 gói thầu xây lắp chính của dự án đang đồng loạt triển khai theo kế hoạch đề ra.
Nhóm 4 gói thầu khởi công đợt 1 (gồm XL3, XL6, XL8, XL9) các nhà thầu đang tăng tốc thi công hạng mục cầu, hầm trên tuyến… Sản lượng thực hiện đạt 15% giá trị xây lắp.
Nhóm 6 gói thầu khởi công đợt 2 (gồm XL1, XL2, XL4, XL5, XL7 và XL10) hiện các nhà thầu đã hoàn thành thi công thử và bắt đầu tổ chức thi công đại trà kết cấu phần dưới, xử lý đất yếu.
Thông báo: Baoangiang.com rất mong nhận được sự đóng góp ý kiến cũng như bài vở của bạn đọc gần xa. Quý bạn đọc có tin bài muốn cộng tác xin gửi về địa chỉ email: [email protected] hoặc zalo: 0909090909.
Chúng tôi sẽ có nhuận bút tương xứng với chất lượng của bài viết nếu bài viết của Quý đọc giả được chọn để đăng trên trang của chúng tôi. Xin cám ơn!