Mất dần chỗ đứng xe động cơ đốt trong ở châu Âu, Ford quyết tâm dồn lực làm xe điện để phục vụ thị trường này.
Ford hiện chỉ còn chiếm 3,4% thị phần tại khu vực châu Âu và từ lâu đã bán các công ty con Jaguar và Volvo. Sau thời gian gặp khó trong việc tìm chỗ đứng, họ chọn cách đoạn tuyệt xe động cơ đốt trong.
Đến năm ngoái, 3 mẫu xe gồm Mondeo, C-Max và chiếc ôtô bán chạy – Ford Fiesta – đã ngừng sản xuất. Mẫu Focus phổ biến cũng sẽ dừng xuất xưởng từ cuối 2025.
Lộ trình tái tổ chức của Ford tại châu Âu đã có những tác động thực tế. Doanh số bán hàng 4 tháng đầu năm của hãng giảm 15%, còn 152.500 chiếc. Các nhà máy tại Đức, Anh và Tây Ban Nha công bố kế hoạch giảm nhân sự tổng cộng 4.000 người.
Đối với Ford, đây là cái giá phải trả cho việc sẽ tập trung hoàn toàn vào xe điện. Hãng đặt lộ trình đến năm 2030 sẽ chỉ còn bán mỗi xe điện tại châu Âu, sớm hơn 5 năm so với kế hoạch chính thức của EU về thời điểm cấm hoàn toàn xe động cơ đốt trong. Để đặt cược vào tương lai này, hãng định sản xuất 2 triệu chiếc xe điện mỗi năm vào 2026 và đạt tỷ suất lợi nhuận 10%.
Đến nay, Ford đã giảm danh mục sản xuất tại châu Âu từ 18 xuống 6 mẫu để dần chuyển sang xe điện. Nhưng quá trình này không dễ dàng và mất thời gian vì họ không có nền tảng riêng để làm cơ sở kỹ thuật cho xe điện với chi phí cạnh tranh.
Vì vậy, để có giải pháp chuyển tiếp, họ tìm đến nền tảng công nghệ xe điện MEB của Volkswagen để sản xuất ôtô điện. Ford hy vọng bằng cách này có thể mở rộng dãy sản phẩm mà hiện họ mới có Mustang Mach-E cá tính mạnh mẽ nhưng không thực sự dành cho số đông.
Kết quả là Explorer, một chiếc SUV điện dài 4,46 m thiết kế dành riêng cho thị trường châu Âu sắp được trình làng, với hy vọng tiêu thụ được khoảng 10.000 chiếc mỗi năm riêng tại Pháp. Xe được sản xuất tại nhà máy 1,87 tỷ euro của hãng ở Cologne (Đức), dùng nền tảng của Volkswagen nhưng thiết kế bên ngoài vẫn đậm chất Mỹ. Nó dự kiến có giá từ 43.900 euro (47.400 USD).
Vài tháng nữa, một chiếc SUV lớn và thể thao hơn cũng được chế tạo trên nền tảng MEB – có tên Capri – sẽ được tung ra. Ngoài ra, phiên bản điện hóa của xe cỡ nhỏ Puma với kích thước tương đương Peugeot 208, được lên kế hoạch xuất xưởng vào 2025. Và phải đến 2027, Ford mới cho ra đời xe lai xăng – điện (hybrid) trên nền tảng công nghệ tự phát triển.
Từng bán sản phẩm dựa trên thương hiệu nổi tiếng lâu đời, giờ đây họ phải chấp nhận sẵn sàng bán ít xe hơn nhưng với giá cao hơn. “Chúng tôi là thương hiệu Mỹ duy nhất đến từ Detroit vẫn còn hiện diện ở châu Âu. Để ở lại, chúng tôi cần kiếm tiền bằng cách cung cấp các mẫu xe cao cấp hơn”, Louis-Carl Vignon, Chủ tịch Ford Pháp lập luận.
Song song với chuyển đổi sản xuất, hồi tháng 3, Ford bắt tay mạng lưới sạc xe điện nhanh Allego để lắp đặt các trụ sạc nhanh tại đại lý của mình. Joerg Hofmeister, Trưởng bộ phận sạc và năng lượng của Ford Model e châu Âu, cho biết các trụ sạc nhanh ban đầu được tập trung lắp đặt ở các thị trường trọng điểm như Anh, Đức, Hà Lan, Pháp, Italy và Tây Ban Nha, cùng với một số thị trường nhỏ hơn khác như Na Uy. Ford có tổng cộng khoảng 1.800 đại lý ở châu Âu.
CEO Allego Mathieu Bonnet cho biết những bộ sạc đầu tiên sẽ được lắp từ quý 1/2025, mở cửa cho tất cả loại xe điện. “Bằng cách cho phép bất kỳ người lái xe điện nào sạc tại đại lý Ford, chúng tôi góp phần thúc đẩy sự thâm nhập của xe điện tốt hơn”, ông nói.
Nhưng trong lúc Ford hạ quyết tâm điện hóa, thị trường xe điện lại giảm tốc. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, doanh số xe điện toàn cầu đạt gần 14 triệu chiếc vào năm 2023, tăng 35% năm 2022 và cao gấp 6 lần so với 5 năm trước.
Tại châu Âu, doanh số năm ngoái trên 1,5 triệu chiếc, tăng 37% so với năm 2022, giúp thị phần xe thuần điện đạt 14,6%, theo số liệu của Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô châu Âu (ACEA). Tuy nhiên, riêng tháng 12/2023, doanh số lần đầu tiên giảm kể từ tháng 4/2020, ở mức 16,9%, xuống còn 160.700 chiếc.
Tháng 3 năm nay, doanh số xe điện giảm 11% trên toàn EU và 29% ở Đức. Lucien Mathieu, Giám đốc tổ chức phi chính phủ Transport & Environment (Bỉ), dự kiến thị trường xe điện chậm lại ở châu Âu năm nay.
Goldman Sachs chỉ ra 3 yếu tố chính đang làm giảm sự thâm nhập của xe điện, bao gồm việc người mua lo ngại xe điện mất giá nhanh hơn xe xăng và thiếu các trạm sạc nhanh làm quá trình sử dụng bất tiện. Ngoài ra, sự không chắc chắn xung quanh các cuộc bầu cử năm nay khiến họ chần chừ vì không rõ những thay đổi tiềm tàng trong chính sách thời gian tới.
Thị trường chậm lại nhưng Louis-Carl Vignon nói điều này không ảnh hưởng đến chiến lược đang triển khai. “Tùy thuộc vào mức độ lạc quan khác nhau, các dự báo về mức độ thâm nhập của xe điện dao động 50-70% doanh số vào 2030. Chúng tôi đang theo đuổi triển vọng này”, ông nói.
Lucien Mathieu cũng cho rằng sự tăng trưởng xe điện của EU không phải là đường tuyến tính. “Đó là một loạt các làn sóng, vì quy định thúc đẩy việc triển khai xe điện chỉ có hiệu lực sau mỗi 5 năm. Lần thắt chặt các quy tắc tiếp theo sẽ diễn ra vào 2025 và nhiều nhà sản xuất đang tung ra các mẫu xe mới, nhỏ hơn, giá cả phải chăng để đáp ứng thời hạn đó”, ông nói.
Phiên An (theo Le Monde, Reuters)
Thông báo: Baoangiang.com rất mong nhận được sự đóng góp ý kiến cũng như bài vở của bạn đọc gần xa. Quý bạn đọc có tin bài muốn cộng tác xin gửi về địa chỉ email: [email protected] hoặc zalo: 0909090909.
Chúng tôi sẽ có nhuận bút tương xứng với chất lượng của bài viết nếu bài viết của Quý đọc giả được chọn để đăng trên trang của chúng tôi. Xin cám ơn!