Ông Đào Nhất Duy (43 tuổi) – giám đốc kinh doanh quốc tế của Tập đoàn Đại Dũng, đồng thời là tổng giám đốc Công ty Đại Dũng Ả Rập – đáp chuyến bay với niềm hứng khởi khi ông sẽ là “cơ trưởng” ở xứ người để thi công phần kết cấu thép của bảo tàng trị giá 700 triệu USD mà doanh nghiệp này thắng thầu ngoạn mục trước loạt đối thủ thượng thặng.
Cơ duyên xứ Trung Đông
Là doanh nghiệp chuyên về kết cấu thép, Đại Dũng cũng được giới xây dựng thế giới biết đến khi là doanh nghiệp Việt duy nhất tham gia cung ứng kết cấu thép thành công cho hai sân vận động diễn ra các trận cầu đỉnh cao trong World Cup 2022 tại Qatar.
Màn “chào sân” thị trường Trung Đông ấn tượng đó là cơ duyên để doanh nghiệp này lại bén duyên với bán đảo Ả Rập qua công trình Bảo tàng Khoa học và Công nghệ – công trình biểu tượng ở thủ đô Riyadh – có tổng vốn đầu tư lên đến 700 triệu USD. Trong đó riêng gói thầu kết cấu thép lên đến 52 triệu USD (khoảng 1.300 tỉ đồng).
Chỉ cần ngó qua bản thiết kế phối cảnh 3D của bảo tàng cũng đủ để ấn tượng với hình hài của quả cầu cách tân với hàng loạt khu chức năng quy mô.
Thái tử Mohammed Bin Salman đã ngồi trên sân vận động do Đại Dũng cung ứng kết cấu thép trong trận chung kết World Cup và rất ấn tượng.
Do đó, chủ đầu tư dự án do vợ chồng Thái tử lập ra đã mời doanh nghiệp này dự thầu bên cạnh các ông lớn khác từ UAE, Saudi Arabia, Thổ Nhĩ Kỳ…
Những ngày này, trong đại bản doanh của Đại Dũng đặt gần công trình bảo tàng luôn nóng rực khí thế làm việc dù xứ sa mạc này đang bước vào mùa đông.
Mỗi ngày giám đốc Duy đều trực tiếp điều hành văn phòng lẫn ra công trường với khối lượng công việc khổng lồ. Làm việc dưới trướng của ông Duy lúc này là 18 chuyên gia hàng đầu thế giới và các công nhân đến từ nhiều quốc gia.
“Chúng tôi đang quản lý những chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực kết cấu thép đến từ châu Âu, Brazil, Mỹ, Ai Cập… tại Ả Rập với mức lương cao ngất và sẽ tăng số lượng chuyên gia vào giai đoạn cao điểm”, ông Duy nói.
“Đây là một quốc gia rất giàu, họ muốn làm cái gì cũng phải là nhất. Khi đặt lên bàn cân các nhà thầu, họ đánh giá chúng tôi vị trí đầu, kế hoạch triển khai dự án tốt nhất, giải pháp thi công tốt nhất, phương án sản xuất và quản lý chất lượng sản phẩm tốt nhất, đảm bảo đúng tiến độ nên đã trao thư trúng thầu”, ông Duy kể.
Sau khi trúng thầu, đối tác thảo một hợp đồng kỷ lục lên đến… 1.428 trang bằng tiếng Anh với vô vàn điều kiện ngặt nghèo. Đặc biệt, công trình này do chính vợ của Thái tử điều hành nên mọi sai sót đều phải đưa về bằng 0 từ trang hợp đồng đến công trường.
“Đánh rắn phải đánh dập đầu”
Câu chuyện bước ra quốc tế của Đại Dũng cũng như trồng một cây tre, đầu tiên là xây dựng nội lực với bộ rễ bám sâu ở thị trường nội địa, sau đó vươn ra thị trường ngoại vào năm 2013 với phương châm “đánh rắn phải dập đầu”.
Trực tiếp xây dựng chiến lược buổi sơ khai vươn ra quốc tế với sự tiếp sức của chủ tịch tập đoàn, ông Duy kể đã cùng đồng nghiệp xác định phải chọn những công ty lớn nhất trong ngành ở thị trường mục tiêu để tiếp cận, hợp tác.
Ban đầu phải đi từ các dự án nhà xưởng, khu công nghiệp… sau đó tiến đến những công trình trọng điểm quốc gia, có tính biểu tượng, có kiến trúc đặc biệt.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Andersen (chuyên gia châu Âu) cho biết khi làm việc với đội ngũ Đại Dũng từ Việt Nam, ông cảm nhận đây là những nhân sự thể hiện kỹ năng, kỹ thuật xuất sắc, sản phẩm đảm bảo tiêu chuẩn quốc tế.
Trong đó doanh nghiệp luôn đảm bảo giao hàng đúng hạn, đảm bảo chất lượng, phản ánh sự chuyên nghiệp và chú trọng chỉn chu đến chi tiết.
Đại Dũng nay đã xuất khẩu sản phẩm đi 50 nước, trực tiếp ra nước ngoài thi công nhiều công trình lớn và có các công ty con ở Nhật, Đài Loan, Thái Lan, Úc, Campuchia và văn phòng đại diện tại Indonesia, Philippines, Malaysia.
Từ những kinh nghiệm đã tích lũy, doanh nghiệp đặt mục tiêu thành một trong những tập đoàn hàng đầu thế giới trong lĩnh vực kết cấu thép.
Doanh nghiệp này cũng mong truyền cảm hứng để những doanh nghiệp Việt khác mạnh dạn vươn ra thế giới, khẳng định thương hiệu và năng lực của người Việt, góp phần tạo “kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”.
Chuẩn bị cho đội ngũ vươn tầm thế giới
Theo ông Duy, để các chuyên gia giỏi đến làm với một doanh nghiệp Việt, mức lương cao chỉ là một phần, điều quan trọng người quản lý phải thể hiện sự chuyên nghiệp, các chuyên gia này đánh giá cao là phong cách làm việc của đội ngũ Việt Nam rất cầu thị.
Ông Duy cho hay ở Riyadh cộng đồng người Việt chỉ vỏn vẹn khoảng 70 người, có ba công ty Việt có văn phòng đại diện, ngoài Đại Dũng là FPT, mới đây là VinFast.
Làm việc với chuyên gia quốc tế, ở Đại Dũng, ngoài ông Đào Nhất Duy còn có các kỹ sư Việt trẻ. Theo ông Duy, cái được lớn nhất là học hỏi kiến thức, kinh nghiệm và kỹ năng quản lý. Đây là một bước đệm vững chắc để sau này doanh nghiệp tự chủ chuyên gia nội khi tham gia những dự án quốc tế lớn hơn.
Kỹ thuật xuất sắc, chú trọng phát triển bền vững
Ông Trịnh Tiến Dũng – chủ tịch Tập đoàn Đại Dũng – cho hay sứ mệnh của doanh nghiệp là “đưa Việt Nam ra thế giới” với những sản phẩm cơ khí, kết cấu chất lượng cao bằng tinh thần và sự sáng tạo của người Việt.
Đến nay, doanh nghiệp đã khẳng định vị thế và thương hiệu Việt Nam trong khu vực và trên thế giới với dấu ấn qua các công trình trọng điểm quốc gia và quốc tế quy mô lớn, đòi hỏi tính thẩm mỹ và yêu cầu kỹ thuật đặc biệt.
Ông Dũng cho hay với triết lý kinh doanh “mọi hành động luôn hướng tới sự phát triển bền vững”, doanh nghiệp luôn chú trọng xây dựng đội ngũ, chú trọng dùng vật liệu thân thiện môi trường, giảm phát thải, tạo ra những sản phẩm có khả năng tái tạo.
“Chúng tôi tin rằng trong tương lai gần, tầm nhìn và khát vọng trở thành tập đoàn giải pháp kết cấu thép và cơ khí chế tạo hàng đầu thế giới của Đại Dũng sớm trở thành hiện thực”, ông Dũng nói.
Thông báo: Baoangiang.com rất mong nhận được sự đóng góp ý kiến cũng như bài vở của bạn đọc gần xa. Quý bạn đọc có tin bài muốn cộng tác xin gửi về địa chỉ email: [email protected] hoặc zalo: 0909090909.
Chúng tôi sẽ có nhuận bút tương xứng với chất lượng của bài viết nếu bài viết của Quý đọc giả được chọn để đăng trên trang của chúng tôi. Xin cám ơn!