
Annika Hanson được trao danh hiệu “Trường học tử tế” nhờ dự án cá nhân – Ảnh: SDSTATE
Trường học tử tế là danh hiệu dành cho những trường học cam kết xây dựng và duy trì môi trường học tập tích cực – nơi lòng tốt, sự tôn trọng và lòng trắc ẩn được đề cao.
Danh hiệu này thường do các tổ chức giáo dục hoặc phi lợi nhuận như The Great Kindness Challenge và Random Acts of Kindness Foundation (RAK Foundation) tại Mỹ trao tặng. Hanson hợp tác với RAK Foundation – tổ chức phi lợi nhuận truyền cảm hứng và trao quyền để các cá nhân, doanh nghiệp, trường học và cộng đồng cùng nhau lan tỏa sự tử tế.
Trong thời gian học đại học, Hanson đã xây dựng nhiều mối liên kết, và một trong những người góp phần khởi động dự án là Carleen Holm – chuyên viên tư vấn tại Trường tiểu học Dakota Prairie. Bà giảng dạy các môn học về cảm xúc – xã hội tại trường.
“Tôi biết mình muốn làm điều gì đó cho trẻ em”, Hanson giải thích. “Tôi từng cố vấn cho chương trình định hướng thanh thiếu niên. Chứng kiến tác động tích cực của chương trình khiến tôi cũng muốn thực hiện một dự án tạo được sức ảnh hưởng”.
Dựa trên ba nguyên tắc chính gồm quan sát, giao tiếp và tham gia, Hanson thiết kế một hoạt động cho phép học sinh quan sát các hành động tử tế, thảo luận về những gì các em quan sát được, và cuối cùng là thực hiện chính hành động tử tế của riêng mình.
Cô cũng khuyên học sinh tập trung vào những thông điệp tích cực và lan tỏa trong cộng đồng.
Bên cạnh hoạt động hướng đến cộng đồng, học sinh còn viết các lời nhắn dễ thương trên giấy ghi chú và dán lên các tủ đồ trong khắp trường học.
“Thông qua hoạt động này, các em đã thực hành sự tử tế một cách chủ động, từ đó xây dựng sự tự tin, niềm tin vào năng lực bản thân và cảm giác gắn kết với cộng đồng”, Hanson chia sẻ. “Nhiều em háo hức muốn tiếp tục thực hiện những hành động tử tế vì cảm giác tích cực mà nó mang lại, và vì các em thấy được tác động tạo ra cho người khác”.
Hanson cũng bày tỏ: “Việc nuôi dưỡng những cuộc trò chuyện về sự tử tế là điều rất cần thiết. Mọi sự thay đổi có ý nghĩa đều bắt đầu từ một bước đầu tiên”.
Thông báo: Baoangiang.com rất mong nhận được sự đóng góp ý kiến cũng như bài vở của bạn đọc gần xa. Quý bạn đọc có tin bài muốn cộng tác xin gửi về địa chỉ email: [email protected] hoặc zalo: 0909090909.
Chúng tôi sẽ có nhuận bút tương xứng với chất lượng của bài viết nếu bài viết của Quý đọc giả được chọn để đăng trên trang của chúng tôi. Xin cám ơn!