TP.HCM sẽ chính thức khởi động Shopping Season 2024, với chủ đề “City sale”, từ ngày 30-8 đến 8-9.
Chương trình này sẽ diễn ra tại các quận trọng điểm như quận 1, quận 7 và quận 11, hứa hẹn mang đến cho người tiêu dùng những mức giảm giá chưa từng có từ các thương hiệu nổi tiếng trong và ngoài nước.
Trong bối cảnh nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn, “City sale” được xác định là một hoạt động quan trọng nhằm kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy doanh thu bán lẻ và dịch vụ, đồng thời kết nối doanh nghiệp với người tiêu dùng, mang đến cho họ cơ hội tiếp cận hàng hiệu chính hãng với chất lượng cao và giá cả cạnh tranh nhất.
Ông Lê Huỳnh Minh Tú – phó giám đốc Sở Công Thương TP.HCM – nhấn mạnh chương trình này không chỉ nhằm thúc đẩy tiêu dùng trong nước mà còn hướng tới việc thu hút khách du lịch trong và ngoài nước đến TP.HCM tham quan, mua sắm.
Khác với các năm trước, “City sale” 2024 có bước đi táo bạo khi tổ chức đồng thời ba sự kiện lớn tại các trung tâm thương mại trọng điểm của thành phố, gồm: Union Square tại quận 1, SC VivoCity tại quận 7, Trung tâm Thông tin khoa học & công nghệ khu vực phía Nam tại quận 11.
Hơn 500 thương hiệu danh tiếng từ khắp nơi trên thế giới và Việt Nam đã cam kết tham gia chiến dịch. Trong số đó đáng chú ý là tập đoàn bán lẻ ACFC, với sự góp mặt của 17 thương hiệu nổi tiếng như Banana Republic, Calvin Klein…
Ngoài ra còn có sự tham gia của nhiều thương hiệu quốc tế được yêu thích tại Việt Nam như Gucci, Burberry, Marc Jacobs, Lacoste, Adidas, Puma, L’Oreal, và Yves Rocher.
Đại diện Công ty Thời trang và Mỹ phẩm Âu Châu (ACFC) cho biết 17 thương hiệu được doanh nghiệp lựa chọn cho chương trình có mức khuyến mãi cao và đa dạng sản phẩm. Ước tính có 122.000 sản phẩm được đơn vị chuẩn bị cho mùa sale năm nay.
“Một số nhóm hàng còn mới, nhãn hàng chỉ chấp nhận giảm ít nhưng để tăng sức hấp dẫn cho chương trình, chúng tôi mạnh dạn giảm thêm, vì thế có thể mức giảm năm nay rất ấn tượng”, doanh nghiệp này cho biết.
Giảm giá, voucher và khuyến khích mua sắm không tiền mặt
Điểm nhấn của chương trình không chỉ nằm ở các mức giảm giá lên đến 80% trên hàng triệu sản phẩm cao cấp thuộc nhiều ngành hàng như thời trang, mỹ phẩm, nước hoa, đồng hồ, giày dép, mà còn ở các voucher hoàn tiền trị giá hàng tỉ đồng mà các thương hiệu lớn mang đến cho khách hàng, cùng với hàng ngàn quà tặng hấp dẫn.
Theo bà Dương Thị Thúy – đại diện Công ty Vstyle, đơn vị tham gia chương trình lần này, việc tặng voucher sẽ khuyến khích khách mua sắm quay lại và mạnh dạn lựa chọn nhiều dòng sản phẩm khác nhau.
Ngoài thời trang, mặt hàng có mức giảm sâu là nước hoa và mỹ phẩm, các mặt hàng này không bị lỗi mốt và có hạn sử dụng dài nhưng vẫn được khuyến mãi để kích cầu sức mua.
“Chương trình diễn ra ngay trong thời điểm vào năm học mới sẽ khiến nhiều gia đình cân nhắc, do đó ban tổ chức phải có nhiều nỗ lực hơn nữa để mức giá giảm hấp dẫn”, bà Thúy thông tin.
Ông Huỳnh Minh Tú cho biết một thông điệp không thể bỏ qua của chương trình năm nay là hưởng ứng chủ trương mua sắm không tiền mặt.
Sở Công Thương TP đã hợp tác với các cổng thanh toán để cung cấp thêm các voucher giảm giá 50.000 đồng, 100.000 đồng và 200.000 đồng. Đồng thời đơn vị tài trợ vận chuyển Xanh SM cũng sẽ hỗ trợ khách hàng khi di chuyển đến ba địa điểm tổ chức sự kiện lần này.
Thị trường trong nước là một trong những trụ đỡ của nền kinh tế
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành chỉ thị số 29 ngày 27-8-2024 về việc kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh và phát triển thị trường trong nước.
Thủ tướng đã yêu cầu các bộ ngành có giải pháp kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, phát triển thị trường trong nước. Việc kích cầu tiêu dùng trong nước sẽ là chìa khóa quan trọng thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng.
Yêu cầu rà soát và có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước tham gia chuỗi cung ứng các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ của các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
Triển khai các giải pháp kết nối vùng nhằm giảm chi phí vận chuyển, tạo điều kiện thuận lợi cho lưu thông hàng hóa giữa các vùng; hỗ trợ doanh nghiệp dịch chuyển đầu tư về các vùng có lợi thế cạnh tranh về các yếu tố như mặt bằng sản xuất kinh doanh, nguồn lao động dồi dào và giá nhân công rẻ để giảm chi phí sản xuất.
Số liệu Bộ Công Thương cho thấy nửa đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ trong nước chỉ tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước. Nếu loại trừ yếu tố tăng giá, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ sáu tháng đầu năm nay chỉ tăng 5,7%.
Thông báo: Baoangiang.com rất mong nhận được sự đóng góp ý kiến cũng như bài vở của bạn đọc gần xa. Quý bạn đọc có tin bài muốn cộng tác xin gửi về địa chỉ email: [email protected] hoặc zalo: 0909090909.
Chúng tôi sẽ có nhuận bút tương xứng với chất lượng của bài viết nếu bài viết của Quý đọc giả được chọn để đăng trên trang của chúng tôi. Xin cám ơn!