Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm các nội dung đăng trên websites, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "Baoangiang.com". (Ví dụ: "tin tức hôm nay" Baoangiang.com). Tìm kiếm ngay
7 lượt xem

Tiềm năng mô hình trồng cây dưới tấm pin mặt trời

Tiềm năng mô hình trồng cây dưới tấm pin mặt trời - Ảnh 1.

Ông Mai Văn Trịnh, Viện trưởng Viện Môi trường nông nghiệp (Viện IAE), phát biểu tại hội thảo – Ảnh: NGHI VŨ

Ngày 25-2 tại Cần Thơ, nghiên cứu “Hiện trạng và Tiềm năng Phát triển Điện mặt trời nông nghiệp tại Việt Nam” được giới thiệu và lấy ý kiến đóng góp thêm từ các chuyên gia và đại diện sở ban ngành trong các lĩnh vực liên quan tại địa phương và các vùng lân cận, trong bối cảnh làn sóng sản xuất kết hợp với điện tái tạo đang lan đến ngành nông nghiệp.

Hội thảo do Viện Nghiên cứu thị trường và thể chế Nông nghiệp (Viện AMI) phối hợp cùng Viện Môi trường nông nghiệp (Viện IAE) tổ chức, với kỳ vọng thông tin về tiềm năng của mô hình nông – điện, đồng thời kêu gọi sự tham gia của các nhà đầu tư và chuyên gia của cả hai ngành cho việc nhân rộng và gia tăng hơn nữa tính hiệu quả của mô hình.

Tiềm năng làm nông nghiệp kết hợp sản xuất năng lượng sạch

Phát biểu mở đầu, ông Mai Văn Trịnh, Viện trưởng Viện IAE, nhận định lĩnh vực nông nghiệp là một trong những lĩnh vực có tiềm năng nhất trong việc sản xuất năng lượng sạch.

Theo đó, bằng cách kết hợp sản xuất nông nghiệp và sản xuất điện mặt trời trên cùng một diện tích đất nông nghiệp (mô hình APV), người nông dân có thể thu thêm lợi nhuận từ việc sử dụng điện tự sản tự tiêu, khả năng bán điện cho lưới điện, nhưng vẫn giữ được điều kiện nuôi trồng các loại vật nuôi và cây trồng ưa bóng dưới các tấm pin điện.

Trình bày báo cáo, Phó viện trưởng Đỗ Huy Thiệp của Viện Ami nói thêm rằng ngoài ý nghĩa về mặt lợi nhuận, mô hình nông – điện về mặt xã hội còn giúp tạo thêm sinh kế và giảm xung đột giữa nhà đầu tư điện mặt trời và người nông dân.

Ông Thiệp cho biết trung bình 1 MW điện mặt trời sẽ cần khoảng 1ha đất, và đất nông nghiệp với giá trị thấp thường là loại đất sẽ bị thu hồi để làm điện mặt trời. Do đó các mô hình trồng trọt và canh tác dưới các tấm pin mặt trời cũng được hướng theo phương thức đáp ứng được các tiêu chuẩn xanh, sạch của Việt Nam cũng như quốc tế, tạo điều kiện tăng trưởng xanh và bền vững cho ngành nông nghiệp, cũng như thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng tái tạo của đất nước.

“Như nghiên cứu của chúng tôi đã chỉ ra, việc kết hợp giữa khai thác điện mặt trời và canh tác nông nghiệp sẽ mang lại hiệu quả và lợi ích cho cả hai bên (nhà đầu tư và nông dân). Nếu như có những phương án phù hợp, thì không những sản xuất thêm được điện, mà cả sản lượng và chất lượng của các sản phẩm nông nghiệp”, ông Thiệp kết luận.

Tiềm năng mô hình trồng cây dưới tấm pin mặt trời - Ảnh 2.

Một hợp tác xã nuôi trồng nấm dưới mái là tấm pin năng lượng mặt trời giới thiệu sản phẩm tại hội thảo – Ảnh: NGHI VŨ

Cần thêm chính sách

Nhiều chuyên gia tại hội thảo nhận định chính sách điện mặt trời trong nông nghiệp vẫn chưa có chính sách rõ ràng nhằm phân biệt với các hình thức phát triển điện mặt trời khác.

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Thế Hinh, Phó trưởng ban Ban Quản lý các dự án Nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn), nêu vấn đề rằng vì điện mang lại lợi nhuận cao hơn, đã dẫn đến vấn đề tranh chấp điện mặt trời và đất nông nghiệp.

Theo ông, nhiều trường hợp doanh nghiệp chủ yếu khai thác điện mặt trời cho mục đích bán điện lên lưới, ở dưới chỉ trồng trọt chăn nuôi có lệ, không có năng suất.

“Cần có các điều tra, khảo sát thêm tại các địa phương để thiết kế các đề xuất lên bộ nhằm đưa ra những tiêu chuẩn, tiêu chí rõ ràng để phân biệt điện mặt trời nông nghiệp với các loại hình khác. Tránh việc vì hiệu quả kinh tế mà lợi dụng đất nông nghiệp để sản xuất điện”, ông Hinh nói.

Tiềm năng mô hình trồng cây dưới tấm pin mặt trời - Ảnh 3.

Mô hình APV với cây đinh lăng ở tỉnh Ninh Thuận – Ảnh: BTC

Thông báo: Baoangiang.com rất mong nhận được sự đóng góp ý kiến cũng như bài vở của bạn đọc gần xa. Quý bạn đọc có tin bài muốn cộng tác xin gửi về địa chỉ email: [email protected] hoặc zalo: 0909090909.

Chúng tôi sẽ có nhuận bút tương xứng với chất lượng của bài viết nếu bài viết của Quý đọc giả được chọn để đăng trên trang của chúng tôi. Xin cám ơn!

Bài viết mới cập nhật: