Việt Nam là ưu tiên hợp tác kinh tế của Thụy Sĩ, nên muốn hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ để họ ‘xanh’, kinh doanh bền vững, theo Đại sứ Thomas Gass.
Việt Nam có nhiều ưu thế về nguồn lực, con người lẫn đối tác quốc tế để hiện thực hóa cùng lúc hai mục tiêu tham vọng là “Net Zero” vào năm 2050 và trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045, Đại sứ Thụy Sĩ Thomas Gass bình luận với VnExpress ngày 23/10, bên lề sự kiện Triển lãm Kinh tế Xanh (GEFE) 2024 tại TP HCM.
Ông cho biết Việt Nam nằm trong nhóm 8 nước ưu tiên hợp tác kinh tế của Thụy Sĩ, nhất là chuyển đổi xanh. “Đang có nhiều đối tác phát triển, công ty tư nhân muốn tham gia vào quá trình này”, ông Gass nói.
Theo Andri Meier, Phó lãnh đạo Văn phòng Hợp tác Thụy Sĩ tại Việt Nam, các hợp tác của Thụy Sĩ với Việt Nam về chuyển đổi xanh tập trung vào ba trụ cột chính. Trong đó, nước này muốn hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) chuyển đổi sang công nghệ xanh, chia sẻ kinh nghiệm về tài chính xanh và phát triển các khu công nghiệp sinh thái – đô thị thông minh.
“Giống Thụy Sĩ, các doanh nghiệp này là xương sống trong kinh tế Việt Nam. Chúng tôi muốn hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ kinh doanh hiệu quả và ‘xanh’ hơn”, ông Meier nói.
Tháng 3/2021, Thụy Sĩ đưa ra chương trình hợp tác phát triển, hỗ trợ Việt Nam đạt tăng trưởng bền vững, với số vốn ODA khoảng 76 triệu USD. Chương trình này thực hiện trong 4 năm (2021-2024). Sau những phản hồi tích cực từ doanh nghiệp, chính quyền các địa phương, Andri Meier cho biết nước này có thể công bố một chương trình hợp tác mới vào đầu 2025.
“Thụy Sĩ có cách tiếp cận thực tế, sở hữu nhiều công ty với nguồn lực sáng tạo dồi dào, lợi thế cạnh tranh để hỗ trợ Việt Nam phát triển xanh, bền vững”, Meier khẳng định.
Việt Nam cam kết đạt Net Zero (phát thải ròng bằng 0) vào 2050, tại Hội nghị COP 26, tháng 11/2021. Lộ trình cắt giảm phát thải trong công nghiệp, nông nghiệp, giao thông và năng lượng được xây dựng, nhằm đạt mục tiêu này.
Tuy vậy, Đại sứ Thụy Sĩ Thomas Gass cho rằng “chỉ ODA là không đủ để tạo ra sự khác biệt” với quá trình chuyển dịch của Việt Nam. Theo ông, tác động lớn nhất tới quá trình chuyển dịch này đến từ đầu tư của doanh nghiệp Thụy Sĩ.
Ông nêu ví dụ về tiềm năng tác động của Tập đoàn Nestle – doanh nghiệp đang vận hành một trong những nhà máy chế biến cà phê lớn nhất tại tỉnh Đồng Nai.
Việt Nam là nước xuất khẩu cà phê lớn thứ hai thế giới, trong đó 25% sản lượng được chế biến bởi Nestle, theo Đại sứ Gass. Ông nói tự hào khi tập đoàn này xuất khẩu hạt và sản phẩm cà phê từ Việt Nam. “Ngoài gia tăng giá trị sản phẩm, họ còn phối hợp với nông dân về sử dụng đất và nước hợp lý, hướng đến phát triển bền vững”, Đại sứ Thomas Gass chia sẻ.
Ngoài ra, còn những cái tên như Tập đoàn VSL (Vorspann System Losinger) và Sika tham gia tích cực vào quá trình phát triển kinh tế ở Việt Nam.
VSL có mặt tại Việt Nam từ 1994, chuyên về công nghệ dự ứng lực, dây văng, hạ tầng giao thông và kỹ thuật nền móng, Tâjp đoàn này tham gia hàng loạt dự án nhà máy, sân bay, cầu đường bộ và hầm đường sắt. Trong khi đó, Sika vào Việt Nam từ 1996, gồm nhà máy sản xuất, phòng thí nghiệm và hiện họ vận hành Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển (R&D) cho khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
“Không khó để nhìn ra được ‘chất Thụy Sĩ’ đang chảy trong nền kinh tế của Việt Nam. Bạn sẽ không nhìn thấy điều đó nếu mãi tìm kiếm những biển hiệu hào nhoáng. Nhưng chỉ cần nhìn vào các nhà máy, quan sát phòng thí nghiệm và bước đến những cánh đồng, bạn sẽ thấy rõ”, đại sứ Thomas Gass nói.
Thanh Danh
Thông báo: Baoangiang.com rất mong nhận được sự đóng góp ý kiến cũng như bài vở của bạn đọc gần xa. Quý bạn đọc có tin bài muốn cộng tác xin gửi về địa chỉ email: [email protected] hoặc zalo: 0909090909.
Chúng tôi sẽ có nhuận bút tương xứng với chất lượng của bài viết nếu bài viết của Quý đọc giả được chọn để đăng trên trang của chúng tôi. Xin cám ơn!