Chính quyền Thụy Điển vừa khởi công một hầm lưu trữ sâu 500 mét để chứa chất thải phóng xạ cấp độ cao trong 100.000 năm.
Hầm chôn chất thải hạt nhân này được xây dựng tại thị trấn Forsmark, cách Thủ đô Stockholm khoảng 150 km, gồm 60 km đường hầm sâu 500 m dưới nền đá 1,9 tỷ năm tuổi. Đây là hầm lưu trữ chất thải hạt nhân thứ hai trên thế giới. Cơ sở đầu tiên đặt tại Phần Lan, đang trong quá trình hình thành sau hai thập kỷ xây dựng.
Tổng vốn đầu tư của hầm này khoảng 12 tỷ SEK (tương đương hơn 1 tỷ USD), đủ quy mô để trữ chất thải của các nhà máy điện hạt nhân hiện có tại Thụy Điển, không gồm 10 lò phản ứng dự kiến xây thêm từ nay đến 2045.
Quy mô lưu trữ của hầm này là 12.000 tấn nhiên liệu hạt nhân sau sử dụng. Đây là loại chất thải phóng xạ cấp độ cao (HLW), khó xử lý. Theo Hiệp hội Hạt nhân thế giới, các bước xử lý chất thải HLW thường là lưu trữ để phân rã phóng xạ và nhiệt, sau đó chôn dưới tầng địa chất sâu.
Để an toàn, chất thải hạt nhân sẽ được nén trong 6.000 thùng đồng chống ăn mòn, đóng kín bằng đất sét và chôn xuống, lưu trữ trong 100.000 năm.
Hầm trữ này sẽ tiếp nhận chất thải vào những năm cuối thập kỷ 30 của thế kỷ này, dự kiến đóng vào năm 2080 sau khi hầm đầy, theo Công ty Quản lý chất thải và nhiên liệu hạt nhân Thụy Điển (SKB).
Tuy nhiên, quá trình này có thể bị trì hoãn. MKG, một tổ chức phi chính phủ của Thụy Điển chuyên xử lý chất thải hạt nhân, đang yêu cầu kiểm tra thêm về tính an toàn. Tổ chức này trích dẫn nghiên cứu từ Viện Công nghệ Hoàng gia, cho rằng các thùng đồng có thể bị ăn mòn và rò rỉ nguyên tố phóng xạ vào nước ngầm.
“Chúng ta có thể chờ thêm 10 năm để đưa ra quyết định vì chất thải nguy hại này cần phải lưu trữ an toàn trong 100.000 năm”, Linda Birkedal, Chủ tịch MKG nói.
Làm thế nào lưu trữ an toàn chất thải phóng xạ nguy hiểm là câu hỏi đeo bám ngành công nghiệp hạt nhân kể từ khi các lò phản ứng thương mại đầu tiên vận hành vào những năm 1950. Hiệp hội Hạt nhân Thế giới ước tính có khoảng 300.000 tấn chất thải hạt nhân sau sử dụng trên toàn cầu cần được xử lý, hiện phần lớn được lưu trữ trong các sông, hồ làm mát gần lò phản ứng.
Bảo Bảo (theo Reuters)
Thông báo: Baoangiang.com rất mong nhận được sự đóng góp ý kiến cũng như bài vở của bạn đọc gần xa. Quý bạn đọc có tin bài muốn cộng tác xin gửi về địa chỉ email: [email protected] hoặc zalo: 0909090909.
Chúng tôi sẽ có nhuận bút tương xứng với chất lượng của bài viết nếu bài viết của Quý đọc giả được chọn để đăng trên trang của chúng tôi. Xin cám ơn!