Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm các nội dung đăng trên websites, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "Baoangiang.com". (Ví dụ: "tin tức hôm nay" Baoangiang.com). Tìm kiếm ngay
52 lượt xem

Thường vụ Quốc hội đồng ý CSGT được trích lại một phần tiền xử phạt vi phạm

Thường vụ Quốc hội cho rằng quy định trích lại một phần tiền xử phạt giúp ngành công an hiện đại hóa lực lượng, tăng cường cơ sở vật chất.

Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ sáng 11/6, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh Lê Tấn cho biết thông tin trên. Nội dung này sẽ được Quốc hội quyết định khi thông qua dự luật.

Việc quản lý, sử dụng số tiền trích lại thực hiện theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (dự kiến ban hành sau kỳ họp 7) và pháp luật về ngân sách nhà nước, không phải sửa đổi, bổ sung quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Lê Tấn Tới. Ảnh: Media Quốc hội

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh Lê Tấn Tới. Ảnh: Media Quốc hội

Theo ông Tới, việc trích lại kinh phí xử phạt vi phạm cho cảnh sát giao thông (CSGT) không mới. Theo quy định hiện hành, Bộ Công an được Quốc hội phân bổ ngân sách theo hướng bố trí dự toán chi ngân sách từ nguồn thu xử phạt để tăng cường bảo đảm an toàn giao thông. Tỷ lệ phần trăm trích lại tùy thuộc vào nhu cầu từng năm.

Bộ Công an sẽ lập dự toán kinh phí gửi Bộ Tài chính; căn cứ vào số thu xử phạt hành chính của năm trước liền kề do Kho bạc Nhà nước Trung ương cung cấp, Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ, trình Quốc hội phê duyệt cấp dự toán kinh phí xử phạt hành chính cho Bộ Công an.

Giai đoạn 2018-2020, tỷ lệ trích lại là 70%; năm 2021 trích lại 70%; năm 2022 và 2023 trích lại 79%. Từ năm 2024, tỷ lệ trích lại cho Bộ Công an 85%, các địa phương 15%. Tuy nhiên, do chưa có văn bản quy định cụ thể việc trích lại nguồn kinh phí xử phạt nên Bộ Công an khi thực hiện còn gặp khó khăn.

“Nguồn trích từ kinh phí xử phạt sẽ giúp Bộ Công an triển khai dự án về chuyển đổi số, đầu tư hệ thống giám sát, trang thiết bị chỉ huy, điều hành giao thông, xử lý vi phạm giao thông, xây dựng các Trung tâm dữ liệu”, ông Tới nói.

Thứ trưởng Công an Nguyễn Văn Long. Ảnh: Media Quốc hội

Thứ trưởng Công an Nguyễn Văn Long. Ảnh: Media Quốc hội

Thứ trưởng Công an Nguyễn Văn Long cho biết đến năm 2030, tầm nhìn 2050, cả nước có thêm 41 tuyến cao tốc, chiều dài 10.000 km; khoảng 30.000 km đường quốc lộ mới và hàng chục nghìn km tỉnh lộ. Trong khi đó, lực lượng CSGT không được tăng biên chế.

“Điều này đặt ra yêu cầu về đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông trên đường rất lớn. Vì vậy, chúng tôi phải khẩn trương hiện đại hóa lực lượng này để theo kịp xu thế thời đại, đáp ứng nhu cầu nhiệm vụ”, ông Long nói.

Ông nhấn mạnh khoản tiền được trích lại này không dùng bồi dưỡng cho lực lượng CSGT mà dùng để trang bị phương tiện nghiệp vụ, kỹ thuật phục vụ tuần tra, kiểm soát, xử lý và điều khiển mạng lưới điều hành của CSGT.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cũng cho rằng đây là vấn đề không mới, song ông đề nghị cơ quan soạn thảo, thẩm tra cần xem xét kỹ lưỡng, giải trình cụ thể.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cũng đề nghị cơ quan soạn thảo, thẩm tra báo cáo Quốc hội nguyên tắc, tiêu chí tính phần trăm trích lại. “CSGT phải tăng cường hệ thống camera xử phạt nguội, hạn chế dư luận xã hội việc lực lượng cảnh sát làm việc trực tiếp với người vi phạm có việc này, việc kia”, ông Thanh nói.

Cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ tại khu vực cầu vượt Bình Phước (TP Thủ Đức), năm 2021. Ảnh: Quỳnh Trần

Cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ tại khu vực cầu vượt Bình Phước (TP Thủ Đức), năm 2021. Ảnh: Quỳnh Trần

Trong dự thảo luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ trình đầu tháng 3, Bộ Công an đề xuất cảnh sát giao thông được trích phần trăm tiền xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Tỷ lệ này không thấp hơn 70% khoản tiền xử phạt vi phạm sau khi nộp vào ngân sách nhà nước và không thấp hơn 30% tiền thu được từ đấu giá biển số xe sau khi nộp vào ngân sách trung ương.

Tuy nhiên, dự thảo luật xin ý kiến tại phiên họp đại biểu Quốc hội chuyên trách cuối tháng 3 đã bỏ nội dung này. Đến ngày 22/5, Chính phủ tái đề xuất đưa nội dung này trở lại dự thảo.

Đầu năm 2020, Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an, phát đi thông báo giải thích việc phân bổ tiền phạt vi phạm giao thông. Theo đó năm 2007, để khắc phục tình trạng tai nạn giao thông tăng cao và hỗ trợ lực lượng chức năng mua sắm trang bị, phương tiện phục vụ công việc, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 89/2007 quy định tiền phạt vi phạm hành chính được phân bổ cho lực lượng chức năng.

Theo văn bản này, CSGT được giữ lại 70% số tiền xử phạt vi phạm giao thông; thanh tra giao thông vận tải (gồm cả trạm cân kiểm tra xe, Cảng vụ đường thủy nội địa) 10%; Ban an toàn giao thông tỉnh, thành phố 10%, 10% còn lại cho công an xã, phường, thị trấn.

Đến năm 2013, Thông tư 89/2007 hết hiệu lực và thay thế bằng Thông tư 153/2013, nêu rõ tiền thu phạt vi phạm hành chính nộp đầy đủ vào ngân sách nhà nước và điều tiết 100% cho ngân sách địa phương, HĐND cấp tỉnh quyết định. Riêng lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy, việc điều tiết tiền thu phạt thực hiện theo sự hướng dẫn của Bộ Tài chính.

Theo chương trình, dự luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ sẽ được xem xét thông qua ngày 26/6.


Sơn Hà

Thông báo: Baoangiang.com rất mong nhận được sự đóng góp ý kiến cũng như bài vở của bạn đọc gần xa. Quý bạn đọc có tin bài muốn cộng tác xin gửi về địa chỉ email: [email protected] hoặc zalo: 0909090909.

Chúng tôi sẽ có nhuận bút tương xứng với chất lượng của bài viết nếu bài viết của Quý đọc giả được chọn để đăng trên trang của chúng tôi. Xin cám ơn!

Bài viết mới cập nhật: