Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm các nội dung đăng trên websites, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "Baoangiang.com". (Ví dụ: "tin tức hôm nay" Baoangiang.com). Tìm kiếm ngay
19 lượt xem

Thủ tướng: Chuẩn bị kịch bản cho khả năng chiến tranh thương mại thế giới

Tình hình thế giới tiếp tục diễn biến nhanh, khó lường, Thủ tướng yêu cầu chuẩn bị kịch bản ứng phó cho khả năng chiến tranh thương mại trong năm nay.

Tại phiên họp Chính phủ ngày 5/2, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá biến động phức tạp của kinh tế chính trị thế giới, các đối tác thương mại lớn như Mỹ, Trung Quốc… tác động trực tiếp tới Việt Nam, nhất là xuất khẩu, sản xuất kinh doanh.

Do đó, ông đề nghị các thành viên Chính phủ dự báo, phân tích sát những vấn đề mới như khả năng xảy ra chiến tranh thương mại trên thế giới thời gian tới.

“Việc này xảy ra sẽ làm đứt gãy các chuỗi cung ứng, thu hẹp thị trường xuất khẩu của Việt Nam”, ông nói, yêu cầu các bộ ngành, địa phương đề xuất giải pháp, kịch bản ứng phó để không để lỡ thời cơ và giữ đà phát triển.





Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại phiên họp Chính phủ, ngày 5/2. Ảnh: VGP

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại phiên họp Chính phủ, ngày 5/2. Ảnh: VGP

Rủi ro tạo thành “cuộc chiến thuế quan mới” trên toàn cầu cũng được nêu tại báo cáo của Bộ Kế hoạch & Đầu tư. Theo Bộ, điều này xuất phát từ bối cảnh nhiều yếu tố mới nảy sinh, đặc biệt các chính sách mới, khó đoán định của Mỹ và phản ứng của các quốc gia.

Chẳng hạn, việc Mỹ công bố áp thuế với hàng hóa nhập khẩu từ Mexico và Canada lên 25%, Trung Quốc thêm 10% từ ngày 4/2. Nhưng sau đó Tổng thống Trump thông báo dừng áp thuế với Mexico và Canada trong một tháng. Còn lệnh tăng thuế 10% với hàng Trung Quốc vẫn có hiệu lực, khiến Bắc Kinh lập tức đáp trả. Các động thái này khiến nguy cơ thương chiến Mỹ – Trung leo thang.

Ngoài ra, tình trạng bất ổn, xung đột tiếp tục leo thang tại một số quốc gia, khu vực. Kinh tế toàn cầu phục hồi chậm, thiếu vững chắc, nhiều nền kinh tế lớn tiếp tục giảm lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng. Những tác động này ảnh hưởng tới phục hồi, tăng trưởng của kinh tế Việt Nam, nhất là xuất khẩu.

Theo số liệu của cơ quan thống kê, tháng 1, xuất nhập khẩu ghi nhận hơn 63 tỷ USD. Việt Nam xuất siêu 1,23 tỷ USD. Tuy nhiên, động lực tăng trưởng này có thể khó khăn hơn do nhu cầu thế giới phục hồi chậm. Mỹ và các thị trường xuất khẩu lớn tăng hàng rào thuế quan, bảo hộ thương mại mới. Sức ép cạnh tranh tăng ở cả thị trường xuất khẩu và trong nước, theo Bộ Kế hoạch & Đầu tư.

Năm nay, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP ít nhất 8%, tạo đà cho những năm tiếp theo tăng trưởng hai chữ số. Để đạt mục tiêu này, Thủ tướng gợi ý tiếp tục làm mới những động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng) song song với thúc đẩy động lực mới (kinh tế xanh, đổi mới sáng tạo…) và mở rộng thị trường xuất khẩu, chuỗi cung ứng.

Cụ thể hơn, Bộ Kế hoạch & Đầu tư lưu ý các địa phương, doanh nghiệp cần khai thác hiệu quả cơ hội từ 17 hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết. Bộ Công Thương phải nhanh chóng đàm phán, kết thúc đàm phán với các nước Trung Đông, Thụy Sĩ, Na Uy, Phần Lan để mở rộng các thị trường xuất khẩu mới, tiềm năng. Cùng đó, cơ quan quản lý cần hỗ trợ doanh nghiệp đáp ứng tiêu chuẩn mới của thị trường xuất khẩu, cũng như hỗ trợ họ trong các vụ kiện chống bán phá giá.

Đầu tư công vẫn là một động lực chính giúp đạt mục tiêu tăng trưởng cao trong năm nay và giai đoạn tới. Tháng đầu năm nay, giải ngân vốn công đạt 35.400 tỷ đồng, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm trước. Cơ quan ngành kế hoạch đề xuất đẩy nhanh tiến độ giải ngân, bổ sung cơ chế đặc thù với các dự án quy mô lớn, trọng điểm. Ngoài ra, nhà điều hành cũng cần kéo dài các chính sách miễn, giảm thuế phí, xây dựng chính sách về thuế, tín dụng để hỗ trợ tăng sức mua, kích cầu tiêu dùng nội địa.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhắc lại mục tiêu hoàn thành có ít nhất 3.000 km cao tốc trong năm 2025, khai thác nhà ga T3 Tân Sơn Nhất vào 30/4, cơ bản hoàn thành sân bay Long Thành giai đoạn 1 trong năm nay. Ông giao Bộ trưởng Giao thông vận tải sớm báo cáo Chính phủ trình Quốc hội về triển khai dự án đường sắt kết nối với Trung Quốc, gỡ vướng cho một số dự án BOT đường bộ.

Bộ trưởng Công Thương được yêu cầu báo cáo Chính phủ, đề xuất Quốc hội tại kỳ họp tới về cơ chế, chính sách xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận. Cơ quan này phải hoàn thiện quy định hướng dẫn về mua bán điện trực tiếp (DPPA).

Phương Dung



Thông báo: Baoangiang.com rất mong nhận được sự đóng góp ý kiến cũng như bài vở của bạn đọc gần xa. Quý bạn đọc có tin bài muốn cộng tác xin gửi về địa chỉ email: [email protected] hoặc zalo: 0909090909.

Chúng tôi sẽ có nhuận bút tương xứng với chất lượng của bài viết nếu bài viết của Quý đọc giả được chọn để đăng trên trang của chúng tôi. Xin cám ơn!

Bài viết mới cập nhật: