
Zalo bắt đầu thu phí người dùng đăng ký tài khoản mới – Ảnh: Q.ĐỊNH
Sự khốc liệt không chỉ với ứng dụng “hụt hơi”, “chết yểu” mà ngay cả “người ở lại” như Zalo cũng phải “đau đầu” dù đang là ứng dụng hiếm hoi vượt các nền tảng xuyên biên giới về lượng người dùng.
Cách làm mới nhưng tránh nguy cơ “tận thu”
Khi các ứng dụng nhắn tin khác như Telegram, Facebook Messenger và WhatsApp… vẫn cung cấp dịch vụ miễn phí với người dùng (B2C) thì ứng dụng Zalo “bạo dạn” thu phí với tài khoản mới. Động thái này cũng được Zalo lựa chọn thời điểm đã có lượng người dùng đông đảo nhất Việt Nam.
Anh T.Tuyến – một người dùng Zalo – bày tỏ cảm giác bất ngờ trước những khoản thu phí cơ bản từ nền tảng này. Anh cho rằng không nên thu phí với người dùng đơn thuần nhắn tin, trò chuyện với bạn bè người thân.
“Doanh nghiệp cũng cần kiếm tiền để tạo nguồn thu, cân đối chi phí nhưng chỉ nên thu phí với các trải nghiệm cao hơn, tính năng nâng cấp hơn, an toàn bảo mật hơn. Các mô hình tương tự ở nước ngoài họ đẩy mạnh thu từ các đối tác là doanh nghiệp, người kinh doanh”, anh Tuyến nói.
Trong khi đó, anh Trần B.Minh – một người đang dùng tài khoản business – nói anh vẫn trả phí hằng tháng cho Zalo. “Song tôi sẵn sàng trả thêm mức phí cao hơn nếu các tính năng hiện tại được nâng cấp giúp người kinh doanh có hiệu quả hơn”, anh Minh cho hay.
Cũng theo người dùng này, Zalo có thể bổ sung các gói tăng dung lượng cho Zalo Cloud để phục vụ lưu trữ, mở rộng số lượng bạn được phép kết bạn thêm hay cho phép mở nhiều “room chat” với số lượng lên tới cả chục nghìn người như một số ứng dụng nước ngoài khác.
“Zalo tiện dụng vì giờ hầu hết người Việt Nam nào cũng dùng, tuy nhiên có nhiều tính năng ứng dụng này cần nâng cấp hơn để tăng sức cạnh tranh so với các đối thủ nước ngoài”, anh Minh nhấn mạnh.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Cris Duy Trần – giám đốc khu vực Công ty Blockchain The Sandbox, chuyên gia mảng chuyển đổi số – cho biết nhóm doanh nghiệp OTT chia làm hai mảng chính, đó là viễn thông và cung cấp nội dung dịch vụ giải trí, thông tin.
Ở Việt Nam phát triển cả hai hình thức này. Trong đó các OTT cung cấp dịch vụ thông tin, giải trí… có vẻ tiềm năng hơn vì họ dễ dàng đầu tư nội dung chuyên biệt để tạo ra mức độ thu hút dịch vụ, từ đó sẽ bán chéo các dịch vụ và sản phẩm khác.
Nhiều đơn vị OTT lớn trên thế giới cũng đi theo hướng OTT viễn thông lúc đầu, sau đó phát triển thành hệ sinh thái số như Line của Nhật và Kakao của Hàn Quốc.
Trong khi với mạng xã hội, ông Cris Duy Trần cho rằng đây là mảng “khó nhằn” với doanh nghiệp Việt, hàng loạt cái tên đã “chết yểu” bởi nhiều yếu tố. Do vậy, với những đơn vị phát triển được hệ sinh thái khổng lồ như Zalo, thông thường họ sẽ chọn cách thu phí những đối tác sẵn sàng trả phí để được tiếp cận người tiêu dùng cuối đông đảo của ứng dụng này. Ít khi họ “đá” chi phí cho người dùng cuối vì gây cảm giác “tận thu”, đặc biệt với những người chỉ trao đổi thông tin đơn thuần.
Thu phí phải đi kèm cải thiện dịch vụ
Ông Tuấn Hà – nhà sáng lập Học viện đào tạo Digital Marketing Vinalink Academy – nhìn nhận thị trường OTT, mạng xã hội vốn luôn khốc liệt. Hiện Zalo đang giữ thị phần áp đảo. Còn lại các ứng dụng “make in Vietnam” khác vẫn có nhưng lép vế khi phải cạnh tranh với các đối thủ quá mạnh như Zalo hay các nền tảng đa quốc gia như Facebook, Telegram…
“Lâu nay Zalo vẫn thu phí với doanh nghiệp (B2B). Bản thân tôi cũng đang trả phí hằng tháng cho tài khoản Zalo business bản nâng cấp. Tuy nhiên, việc đã bắt đầu thu phí đăng ký tài khoản mới với người dùng cá nhân (B2C) dễ gây ra sự khó chịu dù số tiền không lớn”, ông Tuấn Hà bình luận.
Chuyên gia này nhận định: Có thể Zalo thu phí để giúp giảm số lượng tài khoản ảo, đồng thời nâng cao chất lượng dịch vụ cho người dùng thực sự. Nhưng cũng có thể họ muốn thu phí để tạo doanh thu, bù đắp phần chi phí.
Tuy nhiên dù với lý do gì, vị chuyên gia cũng lo ngại động thái này sẽ vấp phải phản ứng từ người dùng. Rất nhiều ứng dụng quốc tế khác vẫn miễn phí và mang lại trải nghiệm rất tốt cho người dùng, bất kỳ một chiến lược nào đưa ra cũng cần được tính toán để tránh bị người dùng “quay lưng”.
Về giải pháp đối với các ứng dụng OTT hay mạng xã hội, ông Tuấn Hà cho biết phù hợp nhất vẫn là việc thu phí theo mô hình “freemium” – tức là người dùng được dùng miễn phí những tính năng cơ bản và chỉ phải trả chi phí khi muốn phiên bản nâng cấp hơn.
“Nhiều người dùng tài khoản business sẵn sàng trả nhiều tiền hơn nếu được Zalo cung cấp các gói mở rộng thêm lượng thành viên mỗi nhóm, mở rộng giới hạn lượng bạn bè hoặc nhiều tiện ích khác cho những người có thể kiếm tiền trên nền tảng này. Thay vì thu phí “tủn mủn” 1.000 đồng với người dùng khi mở tài khoản”, vị chuyên gia khuyến nghị.
Ứng dụng OTT phổ biến thế giới kiếm tiền thế nào?
Không thu phí mở tài khoản hay cấp lại mật khẩu với người dùng, Facebook vẫn đang kiếm bộn tiền từ bán quảng cáo. Theo báo cáo Platform Insights của Hãng WARC Media dành cho Facebook cuối năm ngoái, dự kiến nền tảng này sẽ vượt qua ngưỡng 100 tỉ USD doanh thu quảng cáo toàn cầu.
Theo phân tích của trang công nghệ SproutSocial, một doanh nghiệp đăng quảng cáo sẽ phải thanh toán cho Facebook gần 2 USD cho mỗi cái nhấp chuột của người dùng mở xem cái quảng cáo đó.
Theo dữ liệu của Sensor Tower, Facebook chiếm 29% chi tiêu của các nhà bán lẻ Mỹ. Trong quý 4-2024, Meta dự kiến doanh thu sẽ đạt từ 45 tỉ đến 48 tỉ USD.
Thu phí là giải pháp đảm bảo tăng trưởng
Theo báo cáo do Bộ Thông tin và Truyền thông công bố cuối năm ngoái, Zalo đã vượt qua các nền tảng quốc tế lớn như Facebook, TikTok và Google để trở thành ứng dụng nhắn tin phổ biến nhất tại Việt Nam với gần 78 triệu người dùng.
Còn theo thông tin từ Công ty cổ phần VNG – đơn vị chủ sở hữu Zalo, số tin nhắn gửi đi mỗi ngày ở ứng dụng này lên tới 2 tỉ, các đối tác trả phí có tới 68.000 gói. Tính đến hết năm 2024, đã có 17.273 tài khoản chính thức của các cơ quan nhà nước và đơn vị tiện ích công được thiết lập và định danh.
VNG cũng tiết lộ doanh thu từ mảng dịch vụ B2B (doanh nghiệp tới doanh nghiệp) của Zalo năm 2023 đã tăng trưởng 150% so với 2022 với hơn 20.000 khách hàng doanh nghiệp trả phí.
Thông báo: Baoangiang.com rất mong nhận được sự đóng góp ý kiến cũng như bài vở của bạn đọc gần xa. Quý bạn đọc có tin bài muốn cộng tác xin gửi về địa chỉ email: [email protected] hoặc zalo: 0909090909.
Chúng tôi sẽ có nhuận bút tương xứng với chất lượng của bài viết nếu bài viết của Quý đọc giả được chọn để đăng trên trang của chúng tôi. Xin cám ơn!