Tại xã Vân Khánh, huyện An Minh, không khí làm khô trở nên nhộn nhịp hơn bao giờ hết. Các hộ dân tất bật sản xuất, chuẩn bị hàng hóa phục vụ nhu cầu tăng cao của dịp Tết Nguyên đán.
Chị Nguyễn Thị Bé Huệ, người có hơn 8 năm kinh nghiệm làm khô, cho biết mùa Tết là thời điểm sản xuất khô nhiều nhất trong năm. Nếu bình thường cơ sở của chị chỉ bán khoảng 200kg khô mỗi tháng thì dịp Tết con số này tăng lên đến 700kg, mang lại lợi nhuận đáng kể.
Tuy nhiên năm nay sản lượng đánh bắt giảm mạnh do ảnh hưởng của thời tiết. Nguồn cá biển khan hiếm, khiến giá cá khô tăng từ 10.000 – 30.000 đồng/kg so với năm trước. Các loại khô phổ biến như khô cá mối, cá nhồng, cá đù, cá ngát, cá chỉ vàng đều dao động ở mức 130.000 – 160.000 đồng/kg.
Đặc biệt, cá ngát tươi hầu như không còn nguồn cung tại địa phương, buộc các cơ sở sản xuất phải nhập nguyên liệu từ các tỉnh lân cận.
Tại huyện Giồng Riềng, chị Nguyễn Thị Nhanh cũng bận rộn với cơ sở sản xuất khô cá đồng. Các sản phẩm như khô cá chạch, cá lóc và khô ếch được khách hàng ưa chuộng, nhất là vào dịp Tết.
Hiện giá khô cá chạch đồng lên tới 550.000 đồng/kg, cá lóc đồng 380.000 đồng/kg, khô cá lóc đầu nhím 250.000 – 270.000 đồng/kg.
Chị Nhanh chia sẻ giá khô thường tăng mạnh trước Tết khi nhu cầu tiêu thụ gấp 3-4 lần ngày thường, do nguồn cá tươi khan hiếm và giá đầu vào tăng cao. Sau Tết, giá khô thường giảm khi giá nguyên liệu tươi cũng giảm.
Ngoài cá khô, thị trường tôm khô cũng chịu ảnh hưởng từ sự thiếu hụt nguồn nguyên liệu. Bà Lê Thị Kim Thoa, giám đốc Hợp tác xã Hiểu Phát tại huyện Vĩnh Thuận, cho biết giá tôm nguyên liệu tăng mạnh trong năm nay.
Sự chuyển đổi từ nuôi tôm sang trồng lúa do giá lúa tăng cao khiến nguồn cung tôm giảm đáng kể. Giá tôm thẻ tươi đã tăng 15.000 đồng/kg, kéo theo giá tôm khô tăng lên mức 580.000 – 780.000 đồng/kg.
Các cơ sở sản xuất ở miền Tây hiện đang chạy đua để đáp ứng nhu cầu tăng cao dịp Tết, nhưng thiếu hụt nguyên liệu và giá thành đầu vào tăng đang tạo áp lực lớn, đẩy giá sản phẩm khô lên mức cao nhất trong nhiều năm.
Bánh khô mè “bảy lần lửa” đắt khách mùa Tết
Những ngày cuối năm, các lò bánh khô mè ở Đà Nẵng rộn ràng đỏ lửa, hoạt động hết công suất để kịp cung cấp những mẻ bánh thơm ngon phục vụ dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.
Bánh khô mè, hay còn gọi là bánh “bảy lửa”, là đặc sản nổi tiếng mang đậm hương vị quê hương. Với vị ngọt thanh, hương mè rang thơm nồng, lớp vỏ giòn tan, món bánh này đã gắn bó với đời sống người dân miền Trung qua nhiều thế hệ.
Thôn Quang Châu (xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang) là nơi nổi tiếng với nghề làm bánh khô mè. Đây không chỉ là một nét văn hóa đặc sắc mà còn là nguồn thu nhập ổn định của bà con địa phương.
Gia đình ông Trần Xử đã duy trì lò bánh khô mè suốt hơn 40 năm. Vào mùa Tết, lò bánh nhộn nhịp hơn bao giờ hết với khoảng 10 nhân công làm việc liên tục. Theo bà Nguyễn Thị Nghĩ, vợ ông Xử, để làm ra những chiếc bánh thơm ngon đạt chuẩn, người thợ phải nướng bánh qua bảy lần lửa để bánh đạt độ giòn hoàn hảo.
Bánh khô mè còn đòi hỏi nguyên liệu chính xác, từ loại gạo 13/2 cho độ nở xốp, đường cát trắng của Quảng Ngãi, đến mè chất lượng từ Thanh Hóa.
Không chỉ thôn Quang Châu, làng nghề bánh khô mè “Bà Liễu Mẹ” ở quận Cẩm Lệ cũng đang vào mùa cao điểm.
Ông Huỳnh Đức Sol, chủ cơ sở, chia sẻ rằng dịp Tết năm nay, sản lượng bánh tăng hơn 30% so với năm trước, đạt khoảng 400.000 – 500.000 sản phẩm. Hiện tại hơn 40 lao động đang thay ca liên tục để hoàn thành các đơn hàng.
Bánh khô mè loại nhỏ được bán với giá từ 50.000 – 70.000 đồng/hộp (50 chiếc), là lựa chọn phổ biến để thờ cúng và chưng trên bàn thờ ngày Tết.
Dù nghề làm bánh khô mè đang đối mặt với thách thức do ít người trẻ theo nghề, các gia đình như ông Xử hay ông Sol vẫn kiên trì giữ lửa, bảo tồn nét đẹp truyền thống qua từng chiếc bánh.
Mỗi mùa Tết, những chiếc bánh khô mè không chỉ mang lại hương vị quen thuộc mà còn là biểu tượng của sự gắn kết, lưu giữ hồn quê giữa nhịp sống hiện đại.
Giới trẻ háo hức chụp ảnh Tết tại ngôi chùa mang vẻ đẹp cổ trang
Những ngày cận Tết, chùa Nam Sơn ở xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng trở thành điểm đến hấp dẫn cho giới trẻ.
Với kiến trúc cổ kính, mái ngói đỏ, những dãy nhà sơn son thếp vàng và không gian thơ mộng, ngôi chùa được ví như bối cảnh trong các bộ phim cổ trang, thu hút nhiều người đến chụp ảnh.
Chị Xuân Vi (24 tuổi, quận Hải Châu) chia sẻ thời tiết se lạnh và trời hửng nắng những ngày này rất lý tưởng để chụp ảnh Tết.
“Khung cảnh thơ mộng tại chùa Nam Sơn giúp mình cảm nhận rõ hơn không khí Tết truyền thống. Chụp ảnh ở đây không chỉ để lưu giữ kỷ niệm mà còn là cách mình chào đón một năm mới đầy ý nghĩa”, Vi cho biết.
Buổi chiều lượng người đến chùa càng đông. Các bạn trẻ diện áo dài truyền thống, áo dài cách tân với các gam màu nổi bật như đỏ, vàng, xanh, làm sáng bừng không gian thanh tịnh. Nhiều người còn mang theo phụ kiện như nón lá, quạt giấy, túi lì xì để tạo thêm điểm nhấn cho bộ ảnh Tết.
Lê Đỗ Nhã Phương (22 tuổi, quận Ngũ Hành Sơn) chọn concept “đi lễ đầu năm” cho bộ ảnh Tết của mình.
“Không gian rộng và kiến trúc đẹp của chùa Nam Sơn giúp mình dễ dàng chọn góc chụp mà không phải chen lấn. Hơn nữa, những bức ảnh tại đây cũng đang rất “hot” trên mạng xã hội”, Phương chia sẻ.
Bên cạnh chụp ảnh, nhiều người còn tranh thủ thắp hương cầu an, gửi gắm mong ước cho một năm mới bình an, hạnh phúc.
Thông báo: Baoangiang.com rất mong nhận được sự đóng góp ý kiến cũng như bài vở của bạn đọc gần xa. Quý bạn đọc có tin bài muốn cộng tác xin gửi về địa chỉ email: [email protected] hoặc zalo: 0909090909.
Chúng tôi sẽ có nhuận bút tương xứng với chất lượng của bài viết nếu bài viết của Quý đọc giả được chọn để đăng trên trang của chúng tôi. Xin cám ơn!