Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm các nội dung đăng trên websites, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "Baoangiang.com". (Ví dụ: "tin tức hôm nay" Baoangiang.com). Tìm kiếm ngay
48 lượt xem

Thế bế tắc của ruộng lúa miền Tây


Từ mảnh ruộng cha mẹ để lại, ông Hùng (huyện Vị Thuỷ) tích góp mua thêm ít đất, tăng diện tích trồng lúa lên 0,8 ha, nhưng càng làm, lợi nhuận càng co lại. Giai đoạn giá lúa lên cao, mỗi 1.000 m2, ông cũng chỉ lời chưa tới 2 triệu đồng.

Ông Hùng nhẩm tính, vụ hè thu vừa rồi, ông bỏ chi phí nhiều hơn 15% vụ đông xuân, do điều kiện tự nhiên không thuận lợi, phải tăng bơm nước vào đồng, thêm phân bón, thuốc trừ sâu. Cả nhà sáu người làm trong 3 tháng thu lời gần 20 triệu đồng, tức mỗi người chỉ được 1,1 triệu mỗi tháng – dưới mức chuẩn nghèo nông thôn. Chưa kể, do thiếu vốn, ông mua chịu vật tư với giá cao hơn 15-20% so với mức giá thanh toán ngay. Nợ mới dồn nợ cũ, đến nay đã lên 40 triệu.

Ông Hùng thuộc nhóm có diện tích đất sản xuất nông nghiệp cao hơn bình quân – 0,67 ha/hộ, theo kết quả kiểm kê đất đai của Bộ Tài nguyên và Môi trường lần gần nhất năm 2019. Thế nhưng, quy mô đó vẫn chưa cho thu nhập đủ sống khi chi phí sản xuất năm sau cao hơn năm trước.

Không thể trông cậy vào ba vụ lúa mỗi năm, ông Hùng quyết định đa dạng nguồn thu nhập bằng cách nuôi thêm vịt chạy đồng, rồi bán trứng, nuôi ba ba, trồng dừa. Nhưng nhiều năm qua, tiền đó chỉ đủ đắp vào những vụ lúa thất thu.

Cùng xuất phát điểm từ mảnh ruộng nhỏ như ông Hùng, người hàng xóm Lê Văn Cần có kế hoạch trồng lúa khác.

Hơn 20 năm trước, khi Luật Đất đai 2003 cho phép chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp, ông Cần đã nhìn ra cơ hội mở rộng sản xuất. Tiền lời bán lúa, tiền kiếm thêm từ giăng câu, thả lưới… vợ chồng ông đều dành để mua thêm ruộng. Mỗi năm gom một ít, giờ ông có 17 cuốn sổ đỏ với 8 ha đất trồng lúa rải rác trong xã.

“Diện tích càng nhiều, số dư càng lớn”, ông Cần nói, cho biết mỗi vụ lúa thu lời 240 triệu đồng.

Cánh đồng lớn, ông tính toán vay vốn, đầu tư thêm máy xới đất, bơm nước, máy gặt đập liên hợp… Tất cả khâu sản xuất đều bằng máy móc nên tiết kiệm thời gian, chi phí. Như khâu thu hoạch lúa, với hai máy gặt đập liên hợp và 8 nhân công, ông có thể hoàn thành 8 ha lúa trong chưa đầy một ngày.

“Nếu không có máy móc, với diện tích này phải cần 100 người mới có thể làm trong một ngày”, ông nói.

Làm nông trở thành công việc nhàn nhã. Dư thời gian, ông tổ chức gặt thuê cho những hộ không có máy, lấy 300.000-350.000 đồng mỗi 1.000 m2. Hoặc cho thuê máy cắt với giá 80.000-100.000 đồng mỗi 1.000 m2. Sau khoảng hai năm, ông thu hồi vốn 1,4 tỷ đồng của hai máy gặt đập liên hợp.

Nhờ sản xuất quy mô lớn, ông Cần giờ khá giả nhất làng. Nhiều năm liền, ông đạt danh hiệu nông dân sản xuất giỏi của tỉnh Hậu Giang. Lợi nhuận mỗi năm có thể lên đến 1,5 tỷ đồng.

Ông Lê Văn Cần (53 tuổi, xã Vị Trung, huyện Vị Thuỷ, Hậu Giang) hiện có 8 ha lúa, mỗi vụ thu lời 240 triệu đồng. Ông đầu tư máy móc để cơ giới hoá sản xuất.

Ông Hùng và ông Cần là đại diện cho hai nhóm nông dân ở ĐBSCL – chật vật nhiều năm trên cánh đồng lúa nhỏ hoặc đủ vốn và nhanh nhạy để gom đất mở rộng sản xuất. Nhưng những người như ông Cần là thiểu số.

Kết quả điều tra nông thôn, nông nghiệp giữa kỳ năm 2020 nêu, hơn 80% hộ trồng lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đều giống ông Hùng – canh tác trên những diện tích nhỏ lẻ dưới 2 ha. Trong khi Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ) nhận định tại ĐBSCL, hộ chuyên trồng lúa phải có ít nhất 2 ha mới vượt qua ngưỡng đói nghèo, và phải có từ 3 ha mới có thể làm giàu.

“Làm lúa mà cứ quanh quẩn trong mảnh đất nhỏ thì mãi chẳng khá nổi”, ông Hùng đúc kết.

Nhiều nông dân cũng như ông Hùng, “giậm chân tại chỗ” trong sản xuất quy mô nhỏ. Dù năng suất thửa ruộng đã đạt tối đa, họ vẫn không đủ sống vì chi phí sản xuất đè bẹp lợi nhuận.

Tháo “vòng kim cô” cho đất

Theo TS Lê Văn Bảnh, nguyên Viện trưởng Viện lúa ĐBSCL, diện tích canh tác nhiều đời được chia theo quy mô gia đình – cha mẹ chia cho con, cháu – nên dần trở nên nhỏ lẻ, manh mún.

Nghiên cứu về phân mảnh đất đai trong nông nghiệp của Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) khảo sát trên 12 tỉnh, thành cả nước cho thấy, lợi nhuận tăng đều theo quy mô đất của hộ. Chi phí lao động trên mỗi ha của các hộ nông dân nhỏ cao gấp 5 lần so với hộ quy mô lớn.

TS Nguyễn Đình Bồng, Phó chủ tịch Hội Khoa học Đất Việt Nam, phân tích thêm, tình trạng ruộng đất manh mún do xuất phát điểm của sản xuất nông nghiệp là quy mô nhỏ, tự cung tự cấp tồn tại lâu dài. Nguyên nhân thứ hai là hệ quả của chính sách chia đều đất cho hộ gia đình, cá nhân với hạn mức nhất định (3 ha) từ Luật Đất đai 1993. Giai đoạn này, Nhà nước giao đất ổn định lâu dài cho người dân sản xuất nông nghiệp nhằm đảm bảo an ninh lương thực, nhờ đó đưa Việt Nam trở thành nước cung cấp nông sản hàng đầu thế giới.

“Đất đai là tư liệu sản xuất không thể thay thế trong nông nghiệp. Muốn giải quyết tình trạng nhỏ lẻ, phân tán, hiệu quả thấp thì tích tụ, tập trung đất là cách duy nhất”, TS Bồng nói.

Năm 1998-1999, Chính phủ liên tiếp ban hành hai chỉ thị khuyến khích “dồn điền đổi thửa” nhằm chuyển đổi ruộng đất manh mún thành các thửa lớn. Tuy nhiên, sau 20 năm, chính sách này không thành công. Thống kê đến tháng 7/2020, cả nước chỉ có 6,57% tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp chuyển đổi từ thửa nhỏ thành lớn. Trong số này, 13 tỉnh, thành của ĐBSCL “hầu như không triển khai” khi chỉ có 66 xã thực hiện 4.000 ha.

Cùng với “dồn điền đổi thửa”, Luật Đất đai sửa đổi năm 2003 cho phép nông dân chuyển nhượng đất nông nghiệp, từng bước mở rộng hạn mức thay vì chỉ giới hạn 3 ha. Luật Đất đai 2024 vừa được Quốc hội thông qua một lần nữa nới rộng cánh cửa hạn điền. Nông dân có thể nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp không quá 15 lần hạn mức giao đất tại địa phương, lên đến 45 ha.

Dù “vòng kim cô” hạn điền được nới lỏng, tỷ lệ hộ có diện tích đất trồng lúa trên 2 ha tại ĐBSCL chỉ tăng nhẹ, từ 13% năm 2011 lên gần 17% vào năm 2020.

“Vấn đề cốt lõi ở chỗ thị trường quyền sử dụng đất nông nghiệp chậm phát triển, chưa đáp ứng nhu cầu cung cấp cho dân”, TS Bồng phân tích.

Theo ông, trong khi thị trường sơ cấp – nhà nước giao đất cho dân – đã cơ bản hoàn thành, thị trường thứ cấp gồm chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, thế chấp… còn “đóng băng”. Nguồn cung đất nông nghiệp lại phụ thuộc vào thị trường thứ cấp đang hoạt động “chưa xứng với tiềm năng, giao dịch rất thấp”. Giai đoạn 2014-2017, chỉ 0,014% tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp được giao dịch chuyển quyền sử dụng đất trên cả nước (161.353 ha).

Dù nhà nước liên tục mở rộng quy định chuyển nhượng đất nông nghiệp, TS Bồng cho rằng giá đất nông nghiệp thường thấp hơn giá thị trường. Nông dân có tâm lý “giữ ruộng” như nguồn sinh kế để phòng ngừa rủi ro, kể cả khi sản xuất không hiệu quả, hoặc đã di cư khỏi quê hương.

Ngoài ra, các hộ gia đình muốn tích tụ ruộng đất cần phải có vốn. Nếu giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp từ 100.000-200.000 đồng/m2, thì để có thêm 1 ha, phải có 1-2 tỷ đồng. Số tiền vượt quá khả năng của nhiều nông dân. Do đó, muốn tích tụ ruộng đất, Nhà nước cần có quỹ phát triển đất và hỗ trợ nông dân vay vốn với cơ chế phù hợp.

Theo TS Bồng, khi “dồn điền đổi thửa” và chuyển nhượng đất đai không giải quyết được tình trạng manh mún, Chính phủ tìm một giải pháp mới để tích tụ ruộng đất quy mô lớn, đồng thời gắn kết chuỗi sản xuất nông nghiệp đến khâu tiêu thụ.

“Cánh đồng mẫu lớn” thất bại

Ông Huỳnh Thanh Thấm, 46 tuổi, ở xã Mỹ Quý, huyện Tháp Mười, Đồng Tháp, được người dân gọi là “Thấm Liều”. Biệt danh đến từ hành động mạo hiểm của ông 11 năm trước: thuê 500 ha đất từ nông dân để làm cánh đồng “cò bay mỏi cánh”.

Năm 2011, nhằm thúc đẩy sản xuất lớn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn triển khai mô hình liên kết “cánh đồng mẫu lớn” – nơi sản xuất hàng hóa tập trung, kết hợp chế biến, tiêu thụ sản phẩm qua hợp đồng.

Hai năm sau, HTX Đức Huệ thành lập với 30 xã viên, ông Thấm được bầu làm giám đốc. Mọi người bàn nhau cách gom đất, mở rộng cánh đồng.

Ông Thấm phân tích, nông dân miền Tây không dễ từ bỏ ruộng đất bởi họ coi đó là “cuốn sổ bảo hiểm”. Nếu góp đất cho doanh nghiệp mà thất bại, họ sẽ mất trắng. Ông quyết định bàn với xã viên thuê đất, ra giá 46 triệu/ha mỗi năm – bằng hoặc cao hơn lợi nhuận nông dân thu được khi tự canh tác. Nhiều chủ ruộng đồng ý, giao 100 ha đất cho HTX thuê và tham gia sản xuất cùng. HTX lập nên các tổ nhân công, dịch vụ như tổ máy cày xới, thu hoạch, chăm sóc lúa… để tối đa hóa năng suất.

Ông Huỳnh Thanh Thấm bên ruộng lúa của HTX Đức Huệ – nơi ông triển khai mô hình cánh đồng mẫu lớn năm 2015. Ảnh: Nguyễn Khánh

Sắp xếp xong chuyện sản xuất, ông Thấm gõ cửa doanh nghiệp xuất khẩu đặt vấn đề liên kết bao tiêu. Thời điểm này, doanh nghiệp không dễ tìm vùng nguyên liệu rộng 100 ha, sản xuất theo hướng an toàn, sạch, nên nhanh chóng nhận “bắt tay”, đồng ý bao tiêu với giá cao hơn thị trường 10%. Ngoài ra, vật tư đầu vào khi mua với số lượng lớn, ông Thấm cũng được hưởng ưu đãi.

Ba năm liên tiếp, cánh đồng mẫu lớn của Thấm “Liều” đạt năng suất 7-8 tấn một ha, HTX lãi 8-10%, xã viên có thu nhập 10-18 triệu/tháng, cao gấp nhiều lần so với “ôm đất” tự làm.

HTX Đức Huệ trở thành hiện tượng. Ông Thấm tiếp tục mở sang huyện lân cận, thuê 400 ha với vốn đầu tư từ doanh nghiệp. Các tổ nhóm sản xuất được nâng lên gấp bốn lần. Đây là lúc chiến lược kinh doanh của ông Thấm gặp vấn đề.

Cánh đồng lớn của HTX “phình” quá nhanh, trong khi nhân sự không theo kịp. Tổ canh tác bỡ ngỡ khi chuyển sang vùng đất mới, nhiều đặc tính khác khiến cách chăm sóc như cũ không phù hợp. Lại thêm đúng năm 2016, thời tiết cực đoan, sâu rầy hoành hành, năng suất sụt giảm mạnh.

HTX lỗ mất 20 tỷ đồng, giám đốc Thấm bị tước quyền chỉ đạo sản xuất. Hai vụ tiếp theo, tình hình càng tệ hơn, tổng kết 400 ha đất thuê lỗ hơn 100 tỷ. Từ người tiên phong, ông thành “tội đồ”, phải gán toàn bộ nhà đất để trả nợ, song vẫn còn thiếu hơn 30 tỷ.

Sau thất bại, ông Thấm nhận ra bản thân đã nóng vội. Một trong những sai lầm là giữ quan điểm đẩy mạnh liên kết trực tiếp giữa nông dân với doanh nghiệp, bỏ qua các khâu trung gian như thương lái, “cò lúa”, cửa hàng bán lẻ…

“Các mắt xích trong chuỗi sản xuất lúa gạo vốn hình thành từ lâu. Việc lập tức cắt bỏ khâu trung gian sẽ nảy sinh xung đột mà cơ chế hoạt động hiện tại của HTX chưa giải quyết được”, ông rút ra bài học “đắt giá” sau vấp ngã.

Ông dẫn chứng, khi HTX phân phối thuốc bảo vệ thực vật, điều lệ quy định không được bán thấp hơn giá thành mua vào. Trong khi, cửa hàng tư nhân lại có thể linh hoạt bán lỗ món này, song bán cao món khác. Nông dân đương nhiên chọn mua nơi giá thấp. Đến khâu tiêu thụ, HTX không đấu lại thương lái, “cò lúa” nhảy vào phá giá, mua với mức cao hơn hợp đồng nông dân đã ký với HTX.

“HTX hoạt động như xe container chạy trên đường quê nhỏ hẹp, sẽ không thể nhanh nhẹn bằng xe máy, xe ba gác – chính là những cò lúa, tiểu thương”, ông Thấm ví von, nhận ra rằng liên kết tiêu thụ lúa không thể bỏ qua nhóm trung gian này.

Không riêng ông Thấm thất bại, kết quả xây dựng cánh đồng lớn trên cả nước và riêng ĐBSCL đều hạn chế. Năm 2020, số hộ tham gia giảm còn 197 – bằng 72% so với 2016; diện tích còn 164 ha – bằng 64%.

TS Lê Văn Bảnh nhận định, thất bại của “cánh đồng mẫu lớn” do mối liên kết thiếu chặt chẽ, bền vững giữa nông dân với doanh nghiệp, cũng như giữa các nông dân với nhau.

Doanh nghiệp ký hợp đồng đầu tư giống, phân bón, thuốc trừ sâu và hỗ trợ kỹ thuật cho hàng nghìn nông dân nhưng khi thu hoạch, nhiều người “bẻ kèo”, bán lúa cho thương lái bên ngoài, chấp nhận ghi nợ với nhà đầu tư. Doanh nghiệp không thể kiện hết nông dân vi phạm.

Ngược lại, một số doanh nghiệp đến lúc thu hoạch lại giảm giá thu mua, thu hoạch trễ hoặc chậm trả tiền khiến nông dân gặp khó khăn. Ngoài ra, các doanh nghiệp đầu tư quy mô lớn nhưng thực lực kho bãi, máy móc phục vụ thu hoạch, vận chuyển, phơi sấy, lau bóng không đáp ứng. Lúa sau thu hoạch không được làm khô trong 24 tiếng dẫn đến giảm chất lượng gạo, giá bán thấp.

“Liên kết lỏng lẻo giữa nông dân và doanh nghiệp là lý do chính khiến mô hình cánh đồng mẫu lớn không bền vững”, TS Bảnh đúc kết.

Ông Thấm, dù thất bại lớn ở HTX Đức Huệ, vẫn giữ vững niềm tin sản xuất lớn là con đường duy nhất để nông dân thoát lời nguyền “làm lúa không giàu”. Tuy nhiên, để thành công, cùng với tích tụ ruộng đất quy mô lớn, cần tính toán được đầu ra tiêu thụ nông sản cho nông dân.

“Khi sản xuất lớn, thay vì 100 ông chủ ruộng ra đồng thăm lúa, bơm nước thì chỉ cần 3-5 ông điều khiển máy móc… Thu hoạch được tối ưu với giá thành thấp. Đó là lối ra duy nhất cho nông dân khi thiên nhiên ngày càng khắc nghiệt”, ông nói.

Nội dung: Huy Phong – Ngọc Tài
Ảnh: Phùng Tiên
Đồ hoạ: Khánh Hoàng

Bài 3: Từ cánh đồng thí điểm đến cuộc đổi mới một triệu ha lúa

Thông báo: Baoangiang.com rất mong nhận được sự đóng góp ý kiến cũng như bài vở của bạn đọc gần xa. Quý bạn đọc có tin bài muốn cộng tác xin gửi về địa chỉ email: [email protected] hoặc zalo: 0909090909.

Chúng tôi sẽ có nhuận bút tương xứng với chất lượng của bài viết nếu bài viết của Quý đọc giả được chọn để đăng trên trang của chúng tôi. Xin cám ơn!

Bài viết mới cập nhật: