Trao đổi với Tuổi Trẻ, Chủ tịch UBND TP Thủ Đức HOÀNG TÙNG khẳng định quy hoạch mới sẽ mở không gian phát triển cho TP Thủ Đức và chính quyền TP sẽ có nhiều giải pháp để người dân và doanh nghiệp được thụ hưởng cao nhất.
Trước đó vào ngày 21-1-2025, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định phê duyệt đồ án quy hoạch chung TP Thủ Đức thuộc TP.HCM đến năm 2040. Có thể nói đây là một thành quả về quy hoạch của TP.HCM trải qua gần 7 năm từ ý tưởng quy hoạch “Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía đông TP.HCM”.
Mở không gian phát triển cho Thủ Đức
* Thưa ông, về tổng thể quy hoạch, ông tâm đắc với ưu điểm nào của quy hoạch chung được duyệt?
– Quy mô TP Thủ Đức có được quy hoạch chung tương ứng với đô thị loại 1. Quy hoạch sẽ tác động sâu rộng, có giá trị dẫn dắt cho tất cả các bên gồm chính quyền, người dân, doanh nghiệp, mọi thành phần trong xã hội căn cứ quy hoạch, đóng góp cho sự phát triển chung của Thủ Đức. Nhất là khi Thủ Đức triển khai lập quy hoạch 9 phân khu tương ứng với 9 phân vùng không gian phát triển theo quy hoạch.
Đồng thời quy hoạch chung lần này mở ra nhiều điểm mới giúp Thủ Đức khắc phục các bất cập, tồn tại về quy hoạch vì từ khi thành lập đến nay, địa phương tồn tại các quy hoạch chung của ba quận cũ với 129 đồ án quy hoạch phân khu.
Do trải qua nhiều thời kỳ với nhiều quy định pháp luật quy hoạch nên các đồ án quy hoạch còn thiếu đồng bộ. Vì vậy quy hoạch chung này sẽ kết nối tất cả các quy hoạch này lại với nhau, khắc phục các vướng mắc trong thời gian vừa qua.
* Với vị trí là cửa ngõ phía đông của TP.HCM, quy hoạch chung của TP Thủ Đức sẽ phát huy lợi thế này thế nào?
– Quy hoạch chung đã mở ra không gian mới cho phát triển TP Thủ Đức từ liên kết vùng. Chẳng hạn đã xác định được một số tuyến hạ tầng kỹ thuật hết sức quan trọng như tuyến nối liên cảng Cát Lái – Phú Hữu chuyên về vận chuyển hàng hóa, kết nối cụm cảng Cát Lái – Phú Hữu vào vành đai 3 – cao tốc Long Thành – Dầu Giây. Tuyến này cực kỳ quan trọng vì Cát Lái là cảng container số 1 Việt Nam.
Hiện nay luồng xe tải và xe container kết nối vào cảng chủ yếu đang đi trên các tuyến huyết mạch của TP Thủ Đức như Đồng Văn Cống, Mai Chí Thọ, Nguyễn Duy Trinh… Việc này gây cản trở rất lớn cho không gian phát triển của TP vì gây tắc nghẽn giao thông, mất an toàn giao thông. Đặc biệt, nó làm giảm đi sự phát triển của khu vực có luồng xe vận chuyển hàng hóa đi qua.
Nhờ có quy hoạch chung thì Thủ Đức có điều kiện đầu tư tuyến này, khi hoàn thành sẽ giải phóng hoàn toàn việc xe tải hàng lưu thông vào các tuyến nội đô thị Thủ Đức, giúp kết nối hàng hóa đi miền Đông và miền Tây Nam Bộ qua tuyến vành đai 3.
Khi tuyến này làm xong thì không chỉ kết nối tuyến vận chuyển hàng hóa mà còn giải phóng không gian cho các khu vực còn lại của Thủ Đức có điều kiện phát triển đô thị, đặc biệt là tập trung cho phát triển thương mại – dịch vụ theo đúng định hướng của Thủ Đức. Vừa qua chủ tịch UBND TP.HCM cũng đồng ý đầu tư công tuyến này bằng nguồn thu phí cảng biển với tổng mức đầu tư khoảng 8.000 tỉ đồng.
Quy hoạch cũng xác định được tuyến nối giữa vành đai 2 và cao tốc TP.HCM – Chơn Thành mới khởi công. Thủ Đức sẽ sớm tổ chức đầu tư công ngay tuyến nối mở ra hướng phát triển nối vành đai 2 lên Bình Dương, Bình Phước, các tỉnh Tây Nguyên.
Quy hoạch chung của TP Thủ Đức là điều kiện quan trọng để Thủ Đức phát triển mạnh mẽ hơn, xứng tầm hơn với một “thành phố trong lòng thành phố”. Và TP Thủ Đức hiểu rằng muốn có kết quả – thực hiện quy hoạch chung tốt nhất thì chính chúng tôi – cán bộ và nhân dân TP – phải hết sức nỗ lực.
Chủ tịch UBND TP Thủ Đức HOÀNG TÙNG
Tạo hành lang thông thoáng cho doanh nghiệp đầu tư
* Với những kỳ vọng từ quy hoạch chung, Thủ Đức mong muốn doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực và khu vực nào, thưa ông?
– Thủ Đức ưu tiên khuyến khích đầu tư vào các khu vực trọng điểm như khu Thủ Thiêm, khu thể dục thể thao Rạch Chiếc, khu đô thị mới Trường Thọ, khu công viên lịch sử văn hóa dân tộc…
Quy hoạch chung tái xác định tính trung tâm của khu đô thị mới Thủ Thiêm, đồng thời bổ sung thêm chức năng cho công viên văn hóa lịch sử dân tộc; xác định lại chức năng trung tâm thể dục thể thao thương mại dịch vụ đầu mối quan trọng của TP.HCM ở Rạch Chiếc. Khu đô thị cảng Trường Thọ cũng được quy hoạch mới xác định là trung tâm đô thị thương mại dịch vụ quan trọng và là khu vực bổ sung cho bán đảo Bình Quới – Thanh Đa…
Những trung tâm trên được ưu tiên phát triển và Thủ Đức ưu tiên kêu gọi đầu tư. Thủ Đức cũng ưu tiên đầu tư giao thông công cộng để kết nối các khu vực quy hoạch cũng như các TOD.
* Vậy TP sẽ cam kết gì với doanh nghiệp khi kêu gọi đầu tư?
– Thủ Đức kêu gọi đầu tư tại 5 nhóm theo danh mục. Đầu tiên là đấu giá quyền sử dụng đất. TP sẽ ưu tiên kêu gọi theo cách tiếp cận là phương thức đầu tư, khi có phương thức đầu tư thì có hành lang pháp lý kèm theo dễ dàng cho nhà đầu tư tiếp cận.
Các nhóm tiếp theo là đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, đầu tư theo phương thức đối tác công tư, kêu gọi đầu tư theo phương thức chấp thuận chủ đầu tư.
Đặc biệt, TP sẽ công bố danh mục đầu tư công của TP Thủ Đức giai đoạn 2026 – 2030 để nhà đầu tư nắm được định hướng đầu tư của địa phương và cùng tham gia.
Dựa trên quy hoạch chung thì giai đoạn 2026 – 2030 và các năm tiếp theo đầu tư công lớn nhất là tập trung cho cơ sở hạ tầng. Trên nền tảng ưu tiên đầu tư đó thì các thành phần khác nhau sẽ cùng tham gia.
Thủ Đức cam kết sẽ tạo hành lang thông thoáng cho doanh nghiệp đầu tư. Vừa qua UBND TP.HCM cũng đã giao cho Thủ Đức làm đầu mối tiếp nhận các yêu cầu đầu tư để thúc đẩy đầu tư. Thủ Đức sẽ nỗ lực hết sức triển khai quy hoạch, hoàn thành thủ tục đầu tư cho các thành phần trong xã hội tham gia.
* Trải qua 4 năm TP Thủ Đức được thành lập, từ những việc làm được và chưa được, bên cạnh dư địa phát triển thì nay lại có thêm quy hoạch chung là điều kiện rất thuận lợi cho Thủ Đức. Là lãnh đạo của TP Thủ Đức, ông cam kết gì về kết quả triển khai quy hoạch sẽ mang lại cho người dân Thủ Đức nói riêng và TP.HCM nói chung?
– Qua 4 năm, Thủ Đức đã ổn định được tổ chức bộ máy khi nhập ba đơn vị. Bộ máy hoạt động được thuận lợi từ cơ chế nghị quyết 98 về tổ chức bộ máy, phân cấp ủy quyền… Tiếp đó, quy hoạch chung sẽ là hành lang pháp lý quan trọng để phát triển thời gian tới. Bên cạnh đó, Thủ Đức cũng giải quyết được một số tồn đọng kéo dài về hạ tầng, giao thông…
Trong thời gian tới, để thực hiện tốt quy hoạch chung thì Thủ Đức phải tiếp tục phát huy lợi thế cơ chế từ nghị quyết 98 để thúc đẩy nhanh quá trình tổ chức triển khai quy hoạch, kêu gọi đầu tư phát triển TP Thủ Đức. Ví dụ như hiện nay Thủ Đức được TP.HCM ủy quyền cho việc chấp thuận đầu tư đối với nhà đầu tư có vốn đầu tư trong nước.
Với định hướng, mục tiêu quan trọng nhất của Thủ Đức là tập trung đầu tư nhà nước vào phát triển hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và thu hút đầu tư từ các thành phần kinh tế khác để phát triển thành phố.
Chúng tôi rất mong nhận được sự đóng góp, ủng hộ, đồng hành của doanh nghiệp và người dân trong quá trình phát triển của Thủ Đức.
Thêm không gian thụ hưởng cho người dân
* Về phía người dân TP Thủ Đức, họ được hưởng lợi gì từ quy hoạch chung? Liệu không gian công cộng như công trình công viên bờ sông Sài Gòn có tăng lên để người dân được thụ hưởng?
– Như đã nói, thực hiện quy hoạch chung thì Thủ Đức sẽ triển khai đồng bộ các quy hoạch phân khu, giải quyết các mâu thuẫn tồn tại từ các đồ án quy hoạch trước đây.
Việc này dễ thấy ngay là sẽ tạo điều kiện cho người dân thuận lợi trong cấp phép xây dựng theo hướng xem xét tăng quy mô xây nhà ở riêng lẻ, phù hợp nhu cầu nhà ở của người dân trong điều kiện mới của đô thị phát triển. Đồng thời khi TP Thủ Đức phát triển kinh tế – xã hội thiên về thương mại – dịch vụ, kinh tế tri thức… thì cũng sẽ thu hút người dân tham gia và hưởng lợi vì nhà đất không chỉ là để ở.
Bên cạnh ưu tiên đầu tư về hạ tầng giao thông kết nối, hạ tầng kỹ thuật thì Thủ Đức cũng tập trung phát triển không gian xanh, công cộng để người dân được thụ hưởng nhiều hơn. Vừa qua Thủ Đức đã triển khai đầu tư không gian công cộng, mảng xanh dọc bờ sông Sài Gòn. Theo quy hoạch chung thành phố Thủ Đức quy hoạch 1.800ha đất cây xanh.
Trong giai đoạn đầu Thủ Đức tập trung đầu tư triển khai không gian công cộng dọc các bờ sông. Tiếp nối thành công từ công viên sáng tạo ven sông Sài Gòn ở bờ Thủ Thiêm thì Thủ Đức ưu tiên các nguồn lực đầu tư nhà nước và đặc biệt khuyến khích nguồn đầu tư từ các doanh nghiệp.
Tự xử lý toàn bộ rác thải của TP Thủ Đức
Theo ông Hoàng Tùng, lần đầu tiên quy hoạch chung cho phép Thủ Đức đầu tư 2 nhà máy đốt rác phát điện ở phường Long Bình và phường Linh Trung, công suất khoảng 1.000 tấn/ngày.
Nếu đầu tư được 2 nhà máy này sẽ giải quyết được toàn bộ rác thải của TP Thủ Đức, không còn tình trạng xe chở rác đi xuyên Thủ Đức qua nhiều quận huyện đến bãi rác Đa Phước để chôn lấp, vừa tốn nhiều chi phí vận chuyển vừa ô nhiễm…
* TS Sử Ngọc Khương (giám đốc đầu tư Savills Việt Nam):
Bất động sản sẽ hưởng lợi từ hạ tầng
Thủ Đức có vị trí là cửa ngõ phía đông của TP.HCM, thuận lợi kết nối với các vùng lân cận và tuyến giao thông Bắc – Nam (gồm cả đường sắt cao tốc Bắc – Nam). Dư địa để Thủ Đức phát triển là rất lớn với quỹ đất hiện tại. Trên nền tảng đó, quy hoạch chung sẽ là động lực giúp Thủ Đức cởi bỏ được các khó khăn vướng mắc trong quy hoạch, phát triển về tổng thể.
Cùng với dư địa và ưu tiên đầu tư của Thủ Đức vào phát triển hạ tầng, thương mại dịch vụ, công nghiệp sẽ thu hút đầu tư từ khối tư nhân, bất động sản cũng được hưởng lợi theo. Nhất là bất động sản theo mô hình TOD (phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông). Hiện nay dọc tuyến metro số 1 trên địa bàn TP Thủ Đức đã hình thành nên các đô thị nén. Theo định hướng quy hoạch sắp tới Thủ Đức tiếp tục phát triển nhiều đô thị TOD sẽ giúp địa phương phát triển quy mô kinh tế – xã hội, đóng góp lớn hơn cho GDP của TP.HCM và cả nước.
Đi cùng với cơ hội trên thì trách nhiệm của lãnh đạo TP Thủ Đức là rất nặng nề trong thời gian tới.
* KTS Khương Văn Mười:
Tập trung hạ tầng kết nối vùng, tạo động lực phát triển
Theo dõi sự phát triển của TP Thủ Đức bắt đầu từ khi TP.HCM có ý tưởng quy hoạch “Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía đông TP.HCM” thì thấy TP.HCM và trung ương đều muốn đây sẽ là động lực phát triển, là thành phố khởi nghiệp, phát huy giá trị lao động tri thức, sáng tạo.
Quy hoạch chung được duyệt sẽ giúp Thủ Đức khai thác tối đa giá trị của quỹ đất. Cùng với cơ chế hiện có Thủ Đức sẽ tận dụng để phát triển hạ tầng thu hút lao động trẻ, trí thức, các hoạt động khởi nghiệp, sáng tạo…
Đồng thời Thủ Đức với quy hoạch mạnh về hạ tầng giao thông, kết nối vùng (các tuyến metro, tuyến vành đai, kết nối sân bay Long Thành, Đông – Tây Nam Bộ, Tây Nguyên, Bắc – Nam…), tạo ra động lực cho phát triển hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật. Với định hướng đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng kết nối theo quy hoạch cũng tạo ra sức hút mạnh mẽ từ đầu tư của các thành phần kinh tế khác, tạo sức bật mới cho Thủ Đức.
Như vậy, Thủ Đức cần tận dụng quy hoạch chung để hoàn chỉnh cấu trúc đô thị, cấu trúc xã hội tương ứng của một đô thị loại 1. Và giá trị của đô thị được đánh giá qua việc khai thác, đầu tư phát triển, phục vụ xã hội, phục vụ người dân như thế nào. Điều này đòi hỏi quyết tâm và trách nhiệm rất lớn của Thủ Đức trong thời gian tới.
Thông báo: Baoangiang.com rất mong nhận được sự đóng góp ý kiến cũng như bài vở của bạn đọc gần xa. Quý bạn đọc có tin bài muốn cộng tác xin gửi về địa chỉ email: [email protected] hoặc zalo: 0909090909.
Chúng tôi sẽ có nhuận bút tương xứng với chất lượng của bài viết nếu bài viết của Quý đọc giả được chọn để đăng trên trang của chúng tôi. Xin cám ơn!