Áp KPI rõ ràng là một công cụ, chỉ số quan trọng giúp doanh nghiệp quản lý, đo lường hiệu quả công việc, đóng góp của nhân viên.
Làm cầm chừng, ‘chừa đường’ vì kiểu gì KPI năm sau cũng tăng
“Thú thật năm rồi tôi làm làng nhàng thôi, nhưng coi mức KPI 2025 thì choáng váng, áp lực ngang rồi mất luôn động lực làm việc”, Trọng Phúc (34 tuổi, ngụ quận Gò Vấp, TP.HCM) mở đầu buổi gặp mặt đầu năm bằng lời than thở.
Phúc tâm sự, có lý do để anh nói thế. Khi mức bình quân năm 2024 cho toàn phòng kinh doanh (doanh nghiệp vật tư y tế) mà anh đang làm, loanh quanh đạt 2,7 tỉ đồng/người. Thế nhưng sang năm 2025, “mức KPI lý tưởng” được sếp áp xuống đã tăng vọt gần 5 tỉ đồng/người.
Để đạt mức KPI (gần 5 tỉ đồng) tăng xấp xỉ gấp đôi năm trước theo anh là rất khó. “Nếu muốn đạt, chắc phải cày ngày cày đêm, dùng hết vận may trong năm, may ra”, anh than thở.
Là nhân viên tín dụng của một ngân hàng lớn tại TP.HCM, Thùy Linh (ngụ quận Bình Thạnh) nói không quá bất ngờ khi biết mức KPI 2025 cao hơn 2024. “Mẹo” được Linh bày đó là chỉ cần từ vừa đủ đến đủ, không muốn nhận danh hiệu “nhân viên kinh doanh xuất sắc của năm”.
“Việc KPI năm sau tăng hơn năm trước là chắc chắn. Bao năm vẫn thế nên phải tự chừa đường lui cho mình, chứ dại gì. Ai cười cũng kệ, tôi chỉ làm vừa đủ”, Linh thẳng thắn nói.
Hóa giải áp lực khi áp KPI cho nhân viên bằng nhiều cách
Trò chuyện cùng Tuổi Trẻ Online, anh Quang Anh (chủ một doanh nghiệp may mặc ở huyện Bình Chánh, TP.HCM) thừa nhận có việc áp KPI năm mới dựa trên các chỉ số năm cũ. Từ con số năm cũ, cộng với những kỳ vọng của năm mới là lý do khiến KPI sẽ tăng.
“Nhìn về mặt tích cực, KPI giúp nhân viên đó có động lực phấn đấu hơn. Tôi cũng hiểu nếu áp KPI quá cao, vượt ngưỡng thì sẽ thật khó, tạo áp lực cho nhân viên”, anh Quang Anh chia sẻ.
Để hóa giải, anh Quang Anh cho rằng mức KPI năm mới chỉ được tăng giới hạn trong 25% so với năm trước.
Cạnh đó, doanh nghiệp cần đề ra các mức KPI vượt ngưỡng hằng tháng, quý và năm, kèm đó phải là các mức thưởng tương xứng. “Mức tăng không quá cao sẽ là động lực để nhân viên đó nỗ lực. Còn muốn họ hết mình với công việc thì phải có mức thưởng tương xứng với thành quả mà họ mang lại”, anh nói.
Chị Kim Thi (quản lý một chuỗi thẩm mỹ viện tại TP.HCM) cho rằng muốn nhân viên nỗ lực làm việc, việc duy trì sự ổn định doanh nghiệp là rất quan trọng. Cạnh đó, cần tạo ra các chương trình, hoạt động, kỳ nghỉ… để giúp nhân viên giảm tải áp lực KPI, tái tạo năng lượng, cân bằng giữa công việc và cuộc sống, gia đình.
Theo chị Kim Thi, KPI không đơn thuần là những con số về doanh thu, lợi nhuận. Để nhân viên tích cực hơn trong công việc, KPI nên được tính linh hoạt hơn, dựa trên những đóng góp về cải tiến, sáng tạo, thậm chí cách làm mới.
“Điều này có thể không mang lại hiệu quả ngay. Con số quá rõ ràng nhưng tôi tin KPI dạng này sẽ tạo ra không gian làm việc năng động, mới mẻ hơn, nhân viên sẽ vui vẻ đi làm hơn thay vì cứ chăm chăm áp lực”, chị nói.
Thông báo: Baoangiang.com rất mong nhận được sự đóng góp ý kiến cũng như bài vở của bạn đọc gần xa. Quý bạn đọc có tin bài muốn cộng tác xin gửi về địa chỉ email: [email protected] hoặc zalo: 0909090909.
Chúng tôi sẽ có nhuận bút tương xứng với chất lượng của bài viết nếu bài viết của Quý đọc giả được chọn để đăng trên trang của chúng tôi. Xin cám ơn!