“Chúng ta cần tăng cường các công cụ quản lý nghề cá trên biển bằng quy hoạch, mùa đánh bắt, phương pháp đánh bắt ở từng vùng ngư trường…”.
Phó thủ tướng Trần Hồng Hà – trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) – nhấn mạnh như vậy khi kết luận cuộc họp lần thứ 12 của Ban Chỉ đạo với các bộ, ngành và 28 địa phương ven biển ngày 14-1.
Tàu cá vi phạm ở đâu, xử lý ở đó
Kết luận cuộc họp, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đánh giá thời gian qua, hầu hết các bộ, ngành, địa phương đạt kết quả tốt trong khắc phục vi phạm IUU.
Với những địa phương chưa hoàn thành nhiệm vụ, mục tiêu được giao, phó thủ tướng yêu cầu nghiêm túc xem xét trách nhiệm của từng sở, ngành, đơn vị, cá nhân liên quan.
Phó thủ tướng yêu cầu trong quý 1-2025, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải hoàn thành kết nối đồng bộ, thống nhất, liên thông từ Trung ương đến địa phương Cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia (VNFishbase), Hệ thống giám sát tàu cá (VMS), Hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử (eCDT).
Đồng thời ban hành quy trình, quy chế quản lý, vận hành, cập nhật, khai thác, sử dụng các cơ sở dữ liệu về quản lý nghề cá và trách nhiệm của các bên như cơ quan quản lý, lực lượng chấp pháp, các cảng cá, doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy sản, ngư dân… nhằm phân định quản lý tàu cá theo lãnh thổ, “tàu cá vi phạm ở đâu, xử lý ở đó”.
Phó thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lập các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành trong quý 1-2025 đối với việc thực hiện quản lý, cập nhật dữ liệu về tàu cá tại địa phương; trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước khi không xử lý nghiêm, kịp thời các hành vi vi phạm IUU; việc tuân thủ IUU của các cơ sở thu mua, chế biến, xuất khẩu hải sản.
“Bên cạnh đó, chúng ta cần tăng cường các công cụ quản lý nghề cá trên biển bằng quy hoạch, mùa đánh bắt, phương pháp đánh bắt ở từng vùng ngư trường…” – phó thủ tướng nói.
Cơ bản khắc phục được khuyến nghị của EC
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến nay chúng ta đã cơ bản khắc phục được các nội dung theo khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC) tại đợt thanh tra lần thứ 4 vào tháng 10-2023.
Cụ thể, số lượng tàu cá đã đăng ký được cập nhật trên VN-Fishbase đạt 98,9% và toàn bộ tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên lắp VMS.
Hiện cả nước còn 888 tàu cá “3 không” (không đăng ký, không đăng kiểm, không cấp phép), tuy nhiên theo báo cáo của địa phương là tàu đã hư hỏng, không còn khả năng hoạt động, một số chủ tàu không có nhu cầu đăng ký để đi hoạt động và một số tàu không còn tồn tại tại địa phương.
Công tác kiểm tra, kiểm soát sản phẩm thủy sản khai thác nhập khẩu từ nước ngoài được thực hiện đầy đủ theo quy định quốc tế và khuyến nghị của EC.
Các địa phương khởi tố 39 vụ hình sự và đưa ra xét xử công khai 10 vụ về các tội như tổ chức cho người khác xuất cảnh trái phép; lừa đảo chiếm đoạt tài sản; làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức, hợp thức hóa hồ sơ; liên quan hành vi tháo, gửi thiết bị VMS…
Tổng số tiền xử phạt hành vi vi phạm chống IUU trong năm 2024 là gần 100 tỉ đồng đối với hơn 4.000 trường hợp.
Đối với hoạt động ngăn chặn, xử lý việc tàu cá khai thác bất hợp pháp tại vùng biển nước ngoài, từ tháng 8-2024 đến nay các lực lượng chức năng ghi nhận 10 vụ việc ngư dân Việt Nam bị nước ngoài bắt giữ, xử lý đăng ký tại Kiên Giang, Cà Mau, Tiền Giang.
Thông báo: Baoangiang.com rất mong nhận được sự đóng góp ý kiến cũng như bài vở của bạn đọc gần xa. Quý bạn đọc có tin bài muốn cộng tác xin gửi về địa chỉ email: [email protected] hoặc zalo: 0909090909.
Chúng tôi sẽ có nhuận bút tương xứng với chất lượng của bài viết nếu bài viết của Quý đọc giả được chọn để đăng trên trang của chúng tôi. Xin cám ơn!