Ngày 8-7, UBND TP Cần Thơ sơ kết mô hình thí điểm thực hiện đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030.
Có 5 địa phương tại Đồng bằng sông Cửu Long được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chọn thực hiện cánh đồng thí điểm, trong đó Cần Thơ được triển khai tại Hợp tác xã Tiến Thuận, xã Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh, với diện tích 50ha.
Lợi nhuận tăng cao nhất 6,2 triệu đồng/ha
Ông Nguyễn Ngọc Hè – phó chủ tịch UBND TP Cần Thơ – nhận định cánh đồng thí điểm 50ha tại huyện Vĩnh Thạnh đã đáp ứng đầy đủ các tiêu chí của đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Kết quả mô hình mang lại là giảm lượng giống gieo sạ từ 140kg/ha xuống còn 60kg/ha, giảm số lần bón phân 3-4 lần/vụ xuống còn 2 lần/vụ, đồng thời giảm tối thiểu 20% lượng phân bón vô cơ. Cùng với đó là giảm đáng kể lượng nước tưới, giảm rủi ro dịch bệnh hay cây lúa bị đổ ngã, và giảm tổn thất sau thu hoạch.
“Kết quả của mô hình này là nền tảng, là cơ sở để ngành nông nghiệp thành phố nhân rộng trên toàn bộ diện tích tham gia đề án như đã cam kết với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn”, ông Hè nói.
Về việc giảm phân bón, giống… khi thực hiện mô hình thí điểm trồng lúa chất lượng cao, giảm phát thải, TS Nguyễn Văn Hùng – Viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế – đánh giá giảm giống 60kg/ha là giảm được 1,2 triệu, phân giảm 30kg/ha/vụ là giảm được 0,7 triệu. Chỉ tính riêng chi phí giống và phân bón đã giảm được 1,9 triệu/ha.
Năng suất lúa vụ hè thu đạt 6,13 – 6,51 tấn/ha, cao hơn 7% so với lúa trồng đối chứng (năng suất 5,9 tấn/ha). Chi phí đầu vào thấp hơn nên nông dân tăng lợi nhuận từ 1,3 triệu đến 6,2 triệu đồng/ha, tương đương khoảng 50-280 USD/ha.
Giảm 2-6 tấn khí CO₂/ha
Là người tham gia trực tiếp mô hình thí điểm, ông Nguyễn Cao Khải – giám đốc Hợp tác xã Tiến Thuận – cho rằng ngoài việc giảm chi phí, tăng lợi nhuận, cái quan trọng nhất cho đời sống đó là giảm ô nhiễm môi trường khi áp dụng đúng quy trình sản xuất.
Theo TS Nguyễn Văn Hùng, cuối cùng bức tranh phát thải khí nhà kính là áp dụng nguyên quy trình 1 triệu ha có cân đong, đo đếm mực nước… thì phát thải khoảng 2 tấn CO2/ha.
Trong khi đối với nông dân nếu canh tác mà ruộng ngập liên tục, kết hợp với đốt rơm, phát thải khoảng 5 tấn CO2/ha, còn nếu ruộng ngập liên tục cộng với vùi rơm thì phát thải 15 tấn CO2/ha.
Nông dân trong hợp tác xã không theo mô hình mới mà vẫn vùi rơm, phát thải khoảng 8 tấn CO2/ha. “Có nghĩa là đối với 1 triệu ha lúa có thể kết luận giảm phát thải khí nhà kính từ 2 – 6 tấn CO2/ha, tùy theo nông dân có áp dụng quản lý nước chung với hợp tác xã hay không. Mô hình này nhờ quản lý nước và quản lý rơm rạ”, TS Hùng phân tích.
Ông Cao Đức Phát – chủ tịch hội đồng quản trị Viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế – cho rằng thực hiện mô hình này có hai mục tiêu. Thứ nhất là áp dụng các quy trình kỹ thuật mới để giảm chi phí, tăng năng suất, tăng giá trị để tăng thu nhập cho nông dân.
Thứ hai thông qua việc giảm giống, thuốc trừ sâu, nước tưới sẽ giảm được ô nhiễm môi trường, giảm phát thải khí nhà kính để thực hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam với quốc tế.
Ông Phát mong muốn mô hình này sẽ tiếp tục và lan tỏa khắp Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước Việt Nam.
“Chúng ta thực hiện được mong đợi của bà con nông dân và của những người trồng lúa là có cuộc sống tốt đẹp hơn. Thu nhập cao hơn, với môi trường trong sạch hơn và đóng góp vào nỗ lực chung của toàn thế giới chống biến đổi khí hậu”, ông chia sẻ.
Thông báo: Baoangiang.com rất mong nhận được sự đóng góp ý kiến cũng như bài vở của bạn đọc gần xa. Quý bạn đọc có tin bài muốn cộng tác xin gửi về địa chỉ email: [email protected] hoặc zalo: 0909090909.
Chúng tôi sẽ có nhuận bút tương xứng với chất lượng của bài viết nếu bài viết của Quý đọc giả được chọn để đăng trên trang của chúng tôi. Xin cám ơn!