Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm các nội dung đăng trên websites, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "Baoangiang.com". (Ví dụ: "tin tức hôm nay" Baoangiang.com). Tìm kiếm ngay
65 lượt xem

‘Sầu riêng, chôm chôm sẽ biến mất khỏi miền Tây vì hạn mặn’

Sầu riêng, chôm chôm, nhiều giống lúa sẽ sớm biến mất khỏi Đồng bằng sông Cửu Long vì hạn mặn ngày càng tiến sâu vào đất liền, theo TS Đào Phú Quốc.

“Mặn ngày càng vào sâu, sầu riêng, chôm chôm lại là cây chịu mặn kém trong các cây ăn quả trồng ở miền Tây”, TS Đào Phú Quốc, Giám đốc Trung tâm Phát triển Bền vững và Đa dạng sinh học (Đại học quốc gia HCM) nêu tại hội thảo quốc tế Phát triển bền bền vững tiểu vùng sông Mekong do Trường Đại học Luật TP HCM tổ chức, ngày 7/6.

Miền Tây là vựa trái cây lớn nhất của Việt Nam trong đó sầu riêng hơn 20.000 ha phân bổ chủ yếu ở Tiền Giang, chôm chôm 8.061 ha, bưởi gần 23.500 ha. Thời gian qua, nông dân ồ ạt bỏ hàng nghìn ha lúa, mít để chuyển sang trồng sầu riêng nên diện tích loại cây này tăng nhanh.

Theo TS Đào Phú Quốc, trong các loại ăn trái đang trồng ở miền Tây, sầu riêng là loại chịu mặn kém nhất, sau đó đến chôm chôm, cam, quýt, bưởi. Cụ thể, ngưỡng chịu mặn của sầu riêng vào khoảng 0,64 phần nghìn, tức mỗi lít nước có 0,64 gram muối; ngưỡng chịu mặn của chôm chôm là 1,28 phần nghìn. Trong khi đó, nước tại các cửa sông nhiễm mặn đến 4 phần nghìn, tức mỗi lít nước có đến 4 gram muối.

TS Đào Phú Quốc phát biểu tại hội thảo, ngày 7/6. Ảnh: Lê Tuyết

TS Đào Phú Quốc phát biểu tại hội thảo, ngày 7/6. Ảnh: Lê Tuyết

Chuyên gia này cho rằng qua theo dõi các năm, mức độ xâm nhập mặn ngày càng sâu và độ nhiễm mặn ngày càng lớn. Ở các sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây, tính từ cửa sông, độ mặn vào sâu đến 150 km, ghi nhận năm 2020.

“Mặn ngày càng nặng và tiến ngày càng sâu, khi đó sầu riêng, chôm chôm, cam quýt và nhiều giống lúa sẽ dần biến mất”, ông Quốc nói, cho rằng thực tế thời gian qua khi hạn mặn, sầu riêng, chôm chôm đã héo lá, giảm năng suất. Do đó, nhà nước, địa phương cần có giải pháp ứng phó kịp thời, đổi cây trồng để đảm bảo sinh kế người dân.

Theo chuyên gia, xâm nhập mặn là điều không thể tránh khỏi do đó “cần biến thách thức thành cơ hội”. Có nhiều loại thủy sản giá trị kinh tế phù hợp với môi trường nước lợ, mặn giàu khoáng như tôm thẻ chân trắng, cá rô phi, một số loài nhuyễn thể có giá trị xuất khẩu. Với cây ăn trái, đơn cử mãng cầu chịu mặn tốt được thị trường Mỹ ưa chuộng nhưng Việt Nam không chú trọng. Có nhiều giống lúa mới chịu được độ mặn cấp 5, tương đương 12,5 phần nghìn.

Tại hội thảo, bà Lưu Thị Thanh Mẫu, Tổng giám đốc Công ty Phúc Khang, cho biết đơn vị có mô hình thí điểm chuyển đổi sinh kế cho người dân ở Hậu Giang. Qua nghiên cứu, doanh nghiệp nhận thấy miền Tây có 6 khó khăn phải đối mặt khi thay đổi gồm: chịu tác động của thị trường, thiếu định hướng; biến đổi khí hậu; thiếu lao động, năng lực hạn chế; chi phí cao, thiếu vốn sản xuất khi chuyển đổi; một số chính sách của địa phương chưa thực sự hiệu quả; tác động từ hoạt động của quốc gia khác trong việc khai thác, sử dụng nguồn nước sông Mekong.

Từ mô hình thí điểm và những khó khăn của người dân, bà Mẫu cho rằng để phát triển bền vững, cần chuyển đổi trồng trọt, chăn nuôi các hộ riêng lẻ, quy mô nhỏ sang trang trại, quy mô lớn kết hợp công nghệ kỹ thuật cao, hướng đến mục tiêu nông nghiệp sạch. Đất nông nghiệp vừa trồng trọt, chăm nuôi nhưng nghiên cứu kết hợp du lịch sinh thái.

Thu hoạch sầu riêng tại thị xã Cai Lậy, Tiền Giang. Ảnh: Hoàng Nam

Thu hoạch sầu riêng tại thị xã Cai Lậy, Tiền Giang. Ảnh: Hoàng Nam

Trong khi đó, TS Đào Phú Quốc cho rằng ngoài chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, nhà nước cần tính đến giải pháp kỹ thuật, tài chính, ưu đãi doanh nghiệp tham gia chế biến nông, thủy sản. Đơn cử, về kỹ thuật, các giải pháp thích ứng phải đồng bộ gồm xây dựng các đập chắn, thu hẹp dòng chảy vùng cửa sông để lưu giữ lượng nước ngọt và hạn chế nước biển tràn vào theo thủy triều.

Bên cạnh đó, nhà nước cần có chính sách cho người dân vay vốn tạo sinh kế mới, đi kèm với các gói hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật canh tác hoặc đào tạo kỹ thuật cho họ trước khi cấp vốn vay. Doanh nghiệp tham gia chế biến các sản phẩm nông, thủy, sản cần được ưu đãi đầu tư như vốn, kỹ thuật.

Theo nghiên cứu của Viện Khoa học Tài nguyên nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường, từ bản đồ xâm nhập mặn, bốn ngành lúa, thủy sản, cây ăn quả, hoa màu của Đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2020-2023, thiệt hại hơn 70.000 tỷ đồng mỗi năm.

Trong vòng 10 năm trở lại đây, miền Tây trải qua hai đợt hạn mặn lớn. Đợt hạn mặn lịch sử năm 2016 khiến 160.000 ha đất bị nhiễm mặn, gây thiệt hại hơn 5.500 tỷ đồng. 10 trong số 13 tỉnh, thành ở khu vực phải công bố thiên tai. Bốn năm sau, hạn mặn kéo dài hơn 6 tháng khiến 6 tỉnh miền Tây phải công bố tình huống hạn mặn khẩn cấp. Hơn 43.000 ha lúa bị thiệt hại, 80.000 hộ dân thiếu nước sinh hoạt. Chính phủ đã chi 530 tỷ đồng cho 8 tỉnh ở đây ứng phó.

Lê Tuyết


Thông báo: Baoangiang.com rất mong nhận được sự đóng góp ý kiến cũng như bài vở của bạn đọc gần xa. Quý bạn đọc có tin bài muốn cộng tác xin gửi về địa chỉ email: [email protected] hoặc zalo: 0909090909.

Chúng tôi sẽ có nhuận bút tương xứng với chất lượng của bài viết nếu bài viết của Quý đọc giả được chọn để đăng trên trang của chúng tôi. Xin cám ơn!

Bài viết mới cập nhật: