Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm các nội dung đăng trên websites, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "Baoangiang.com". (Ví dụ: "tin tức hôm nay" Baoangiang.com). Tìm kiếm ngay
13 lượt xem

Sẵn sàng là công dân thành phố 2045

công dân thành phố - Ảnh 1.

Học sinh thảo luận theo từng nhóm chủ đề trước khi trình bày ý kiến tại kỳ họp Hội đồng Trẻ em TP.HCM ngày 11-5 – Ảnh: LÊ HUY

Từ chủ đề “Em là công dân TP năm 2045”, các đại biểu trẻ em đã chia sẻ nhiều góc nhìn xoay quanh câu chuyện về sức khỏe, tầm vóc, phẩm chất, trí tuệ, năng lực, điều kiện và môi trường sống của công dân TP.HCM năm 2045.

Chăm sóc sức khỏe, rèn luyện phẩm chất để trở thành công dân thành phố

Nói về sức khỏe, tầm vóc của công dân thành phố năm 2045, Nguyễn Ngọc Ngân (Trường trung học Thực hành Sài Gòn, quận 5) nói theo Tổ chức Y tế thế giới, khoảng 1/5 trẻ em Việt Nam có chiều cao thấp hơn chuẩn trung bình, nguyên nhân do chế độ dinh dưỡng và thiếu vận động. Bạn đề xuất cần có nhiều hơn câu lạc bộ thể thao cả trong và ngoài trường học.

Cùng với đó là nâng cấp y tế học đường, đào tạo đội ngũ y tế đủ về số lượng và chất lượng, nâng cao chăm sóc sức khỏe học đường. 

Ngoài ra còn có vấn đề sức khỏe tinh thần, có thể tích hợp giáo dục giới tính vào các môn học khoa học tự nhiên và giáo dục công dân cũng như nên có phòng tư vấn tâm lý tại trường học.

Bàn về phẩm chất của công dân TP, bạn Võ Nguyễn Phương Linh (Trường tiểu học Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh) nói cần giữ gìn và phát huy lòng yêu nước, đoàn kết, nhân ái và tinh thần lao động cần cù trong học sinh. 

“Có thể xây dựng các website tích hợp thông tin bảo tàng, sử dụng công nghệ VR cho học sinh hóa thân vào các nhân vật lịch sử để lan tỏa tình yêu lịch sử và truyền thống”, Linh đề xuất.

Một góc nhìn khác, bạn Phạm Gia Hân (Trường THCS Hậu Giang, quận 6) cho rằng phẩm chất cần có của công dân toàn cầu là tinh thần trách nhiệm và thượng tôn pháp luật khi xã hội vận hành theo quy luật và pháp trị. Do đó, rất cần mô hình “trải nghiệm và thấu hiểu” giúp người dân trực tiếp tham gia, góp ý và cảm nhận sự vận hành của pháp luật qua thực tiễn.

Sáng tạo là phẩm chất quan trọng, tạo dấu ấn khác biệt, bạn Nguyễn Nhân Nghĩa (Trường THCS Lê Anh Xuân, quận 11) đề xuất cần tăng hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp, đồng thời có các khóa học kỹ năng giá rẻ, STEM.

Chúng ta cần có đội ngũ y tế học đường đủ số lượng và đạt chất lượng song song với trang bị kỹ năng sơ cấp cứu vào chương trình học cũng như nâng cao sức khỏe tâm lý cho học sinh.

TRẦN HOÀNG HIẾU (học sinh Trường THCS Sương Nguyệt Anh)

Trách nhiệm xây dựng thành phố tương lai

Phó chủ tịch Hội đồng Đội TP.HCM Nguyễn Ngọc Nhung nói mỗi trẻ em sẽ là người góp sức xây dựng TP năm 2045. Vì vậy mỗi bạn cần nuôi dưỡng ước mơ không chỉ cho bản thân mà còn vì cộng đồng và gia đình. Điều đó đòi hỏi mỗi bạn cần có sức khỏe, thời gian, kiến thức và đạo đức.

Còn phó giám đốc Trung tâm Phát triển khoa học và công nghệ trẻ Trần Đức Sự cho rằng trí tuệ nhân tạo đang trở thành xu hướng tất yếu mà việc ứng dụng vào học tập sẽ như con dao hai lưỡi, sử dụng đúng mục đích hay không ở chính mỗi người.

Vấn đề khác được nêu ra là nhiều bạn đang dần đánh mất kết nối với gia đình. Do đó mỗi bạn nhỏ cần xác định rõ đâu là giá trị cốt lõi để bản thân gắn bó và nuôi dưỡng tình cảm. Phó chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Ngô Nguyễn Ngọc Thanh nói thân thiện với môi trường là phẩm chất quan trọng mà mỗi thiếu nhi cần có.

“Đội viên gương mẫu hành động, sẵn sàng lên tiếng và phản ảnh các vấn đề môi trường qua nhiều kênh khác nhau. Mà không vứt rác bừa bãi là hành động nhỏ nhưng thiết thực để góp phần bảo vệ môi trường sống”, bà Thanh nói. 

Bà Thanh cũng lưu ý các bạn cần theo dõi chất lượng không khí qua các ứng dụng và báo cáo chính thức của Nhà nước, TP thay vì dựa vào các nguồn thông tin không chính thức.

Bạn Trần Hoàng Hiếu (Trường THCS Sương Nguyệt Anh) nói nhiều học sinh có chế độ dinh dưỡng chưa hợp lý, thiếu rau xanh và dưỡng chất cần thiết. Cùng với đó Hiếu mong quan tâm hơn đến đầu tư y tế các vùng sâu vùng xa như huyện Cần Giờ, làm sao có những trạm y tế phục vụ người dân tốt hơn, giảm quá tải cho các bệnh viện lớn.

Cũng là câu chuyện chăm sóc sức khỏe, bạn Nguyễn Ngọc Mỹ Kỳ (Trường THCS Hai Bà Trưng, quận 3) mong có chính sách miễn phí bảo hiểm y tế cho trẻ từ 1-16 tuổi, phấn đấu 100% trẻ em dưới 16 tuổi được hưởng chính sách này đến năm 2045.

Phó trưởng phòng nghiệp vụ y (Sở Y tế TP.HCM) – bác sĩ Vũ Quỳnh Hoa – mong các bạn nhỏ lưu ý hạn chế sử dụng chất béo bão hòa, các sản phẩm công nghiệp và thực phẩm chế biến sẵn. “Việc tiêu thụ quá mức những loại thực phẩm này có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe như ngộ độc thực phẩm, bệnh tim mạch và ung thư”, bác sĩ Hoa khuyến cáo.

Sức khỏe học đường không bụi phấn

Bạn Phan Bảo Trân (Trường THCS Trần Văn Ơn, quận 1) nói việc sử dụng phấn viết bảng tiềm ẩn rủi ro với sức khỏe của giáo viên và học sinh. Chưa kể phấn viết bảng đôi khi khiến học sinh ngại sợ bẩn tay, ngứa ngáy hoặc ảnh hưởng đến đồng phục.

Từ đó, Bảo Trân đề xuất thay thế bảng phấn bằng việc dùng bút lông cùng với bảng trắng thay cho bảng đen. “Phương pháp này giúp giảm nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe, đồng thời tạo điều kiện nâng cao hiệu quả học tập nhờ đa dạng màu sắc và dễ sử dụng”, Trân nêu.

Nâng cao năng lực ngoại ngữ cho học sinh

Bạn Lê Nguyễn Việt Hà (Trường THCS Bình Khánh, huyện Cần Giờ) cho rằng vẫn còn nhiều học sinh khá thụ động với môn tiếng Anh trong khi ngoại ngữ rất cần thiết, nhất là trong bối cảnh hiện nay.

“Nhà trường nên ứng dụng tiếng Anh vào các hoạt động gần gũi như các tình huống giao tiếp hằng ngày, lập các câu lạc bộ tiếng Anh theo chuyên môn, hỗ trợ từng nhóm đối tượng cụ thể”, Việt Hà đề xuất.



Đọc tiếp



Về trang Chủ đề

Thông báo: Baoangiang.com rất mong nhận được sự đóng góp ý kiến cũng như bài vở của bạn đọc gần xa. Quý bạn đọc có tin bài muốn cộng tác xin gửi về địa chỉ email: [email protected] hoặc zalo: 0909090909.

Chúng tôi sẽ có nhuận bút tương xứng với chất lượng của bài viết nếu bài viết của Quý đọc giả được chọn để đăng trên trang của chúng tôi. Xin cám ơn!

Bài viết mới cập nhật: