Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm các nội dung đăng trên websites, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "Baoangiang.com". (Ví dụ: "tin tức hôm nay" Baoangiang.com). Tìm kiếm ngay
10 lượt xem

Phó thủ tướng: Triển khai ngay dự án dẫn nước sông Hồng về Tô Lịch

Phó thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu UBND TP Hà Nội triển khai ngay dự án bổ cập nước sông Hồng vào Tô Lịch theo tinh thần địa phương quyết, địa phương làm.

Ý kiến của Phó thủ tướng Trần Hồng Hà về việc xây dựng công trình bổ cập nước từ sông Hồng vào Tô Lịch vừa được Văn phòng Chính phủ truyền đạt trên cơ sở đề nghị của TP Hà Nội và ý kiến một số bộ liên quan.

Công văn nêu việc xử lý tận gốc nguồn gây ra ô nhiễm, hồi sinh các dòng sông, đặc biệt là sông Tô Lịch “là rất cấp bách để mang lại môi trường, cảnh quan, văn hóa, bảo vệ sức khỏe nhân dân”.

Trước mắt, UBND TP Hà Nội triển khai ngay dự án bổ cập nước sông Tô Lịch, nhất là khi 100% nước thải dọc dòng sông được thu gom về nhà máy xử lý nước thải Yên Xá và nước sau thu gom, xử lý không được trả lại về sông Tô Lịch.

Phó thủ tướng yêu cầu việc chuyển nước từ sông Hồng về Tô Lịch cần được thực hiện đồng thời với rà soát quy hoạch có liên quan, thực hiện đồng bộ các giải pháp để thu gom toàn bộ nước thải dọc các sông, kiểm soát nước mưa, chỉnh trang đô thị, cải tạo cảnh quan hai bên, phát huy hiệu quả kinh tế, văn hóa, môi trường.

Căn cứ Luật Xây dựng năm 2020 và Luật Đầu tư công năm 2024, UBND TP Hà Nội “có đầy đủ thẩm quyền” để quyết định và thực hiện dự án đầu tư công khẩn cấp thuộc cấp mình quản lý. TP Hà Nội quyết định và thực hiện dự án theo tinh thần “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”.

Trường hợp áp dụng trình tự thủ tục thực hiện dự án đầu tư công khẩn cấp, TP Hà Nội chỉ đạo các sở, ngành hoàn thiện phương án kinh tế – kỹ thuật đảm bảo hiệu quả kinh tế, tính bền vững của công trình, không để xảy ra thất thoát lãng phí tài sản công và ngân sách nhà nước.





Sông Tô Lịch, ngày 3/1. Ảnh: Võ Hải

Nước sông Tô Lịch ngày 3/1. Ảnh: Võ Hải

Về giải pháp và công nghệ, Phó thủ tướng lưu ý cần nghiên cứu phương án lắng, lọc nước sông Hồng để giảm lượng phù sa bồi lắng, sử dụng hiệu quả nguồn nước sau khi đã được xử lý, trong đó có phương án cấp nước trở lại sông Tô Lịch thay cho phương án chuyển ra sông Hồng. Thành phố cũng cần nghiên cứu đánh giá tác động, có giải pháp bảo đảm an toàn các công trình hạ tầng kỹ thuật tại khu vực lấy nước và dọc theo tuyến có công trình đi qua.

Phó thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn, hỗ trợ Hà Nội sớm hoàn thiện thủ tục liên quan đến đê điều, xây dựng, tài nguyên nước, môi trường… để triển khai dự án.

Đầu tháng 1, Hà Nội đề xuất Thủ tướng cho xây dựng công trình khẩn cấp bổ cập nước từ sông Hồng vào Tô Lịch, tổng đầu tư khoảng 550 tỷ đồng bằng ngân sách thành phố và hoàn thành trước tháng 9/2025. Hà Nội cũng kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành có liên quan phối hợp, tạo điều kiện cho thành phố sớm hoàn thành thủ tục đầu tư theo quy định, đảm bảo mục tiêu, tiến độ dự án.

Cơ quan chức năng chưa chốt phương án cuối cùng bổ cập nước từ sông Hồng vào Tô Lịch. Tuy nhiên, theo ý kiến chuyên gia, phương án khả thi là đặt trạm bơm ở sông Hồng để lấy nước và dẫn nước về sông Tô Lịch bằng hệ thống ống dẫn.

Khi đi qua đê, ống nước đi trong cống hộp bêtông cốt thép để đảm bảo an toàn đê trong mọi tình huống. Ống dẫn nước sau đó sẽ chạy dọc đường Võ Chí Công về điểm đầu sông Tô Lịch (đoạn mương Nghĩa Đô đường Hoàng Quốc Việt). Tại điểm đầu sông có thể xây dựng bể lắng để làm giảm lượng phù sa của sông Hồng, trước khi bổ cập vào sông Tô Lịch.





Dự kiến tuyến ống cấp nước đi song song với đường Võ Chí Công. Đồ họa: Hoàng Chương

Dự kiến tuyến ống cấp nước đi song song với đường Võ Chí Công. Đồ họa: Hoàng Chương

Trước đó thành phố dự kiến xây dựng phương án dẫn nước về Hồ Tây và bổ cập nước vào sông Tô Lịch qua hệ thống kênh có sẵn tại cửa xả tràn ở hồ. Tuy nhiên, liên ngành cho rằng phương án này bất cập khi phải thi công đường ống ngầm dưới lòng hồ. Đoạn kênh dẫn từ Hồ Tây đến đầu sông Tô Lịch vẫn có nước thải dẫn tới nước sông sẽ bị hòa lẫn gây ô nhiễm nguồn nước khi chảy vào sông Tô Lịch. Do đó phương án đường ống đi độc lập dọc đường Võ Chí Công đến thẳng sông Tô Lịch được nhận định tối ưu nhất.

Sông Tô Lịch trước đây là chi lưu (làm nhiệm vụ thoát nước cho sông chính) của sông Hồng. Trải qua nhiều giai đoạn lịch sử phát triển, dòng sông đã có nhiều thay đổi, nhất là về chất lượng nước do gián đoạn về nguồn bổ cập, chủ yếu tiếp nhận nước từ Hồ Tây, nước mưa và nước thải.

Sông dài 13,4 km, điểm đầu là mương Nghĩa Đô đường Hoàng Quốc Việt. Điểm cuối có hai hướng thoát, thứ nhất thoát ra sông Nhuệ qua cửa điều tiết đập Thanh Liệt và hướng thứ hai thoát ra sông Hồng qua tuyến hạ lưu sông Kim Ngưu về trạm bơm Yên Sở công suất 90 m3/s, bơm cưỡng bức ra sông Hồng.

Thống kê của Sở Xây dựng hiện có 119 cống và phần lớn đã được đấu nối vào hệ thống cống gom chạy dọc hai bờ sông thuộc dự án của nhà máy xử lý nước thải Yên Xá. Tuy nhiên, 32 cống vẫn đang xả ra sông chưa được đấu nối vào hệ thống thu gom chung vì thuộc dự án khác (đoạn từ đường Hoàng Quốc Việt đến đường giao Láng Hạ). Sở Xây dựng đang nghiên cứu phương án trình thành phố để đấu nối những cống này vào hệ thống gom về nhà máy xử lý Yên Xá, một số cống sẽ được bịt lại để dẫn nước chảy qua sông Nhuệ.


Viết Tuân

Thông báo: Baoangiang.com rất mong nhận được sự đóng góp ý kiến cũng như bài vở của bạn đọc gần xa. Quý bạn đọc có tin bài muốn cộng tác xin gửi về địa chỉ email: [email protected] hoặc zalo: 0909090909.

Chúng tôi sẽ có nhuận bút tương xứng với chất lượng của bài viết nếu bài viết của Quý đọc giả được chọn để đăng trên trang của chúng tôi. Xin cám ơn!

Bài viết mới cập nhật: