Phí bảo hiểm nhà ở Mỹ tăng nhanh hơn lạm phát những năm gần đây, với những vùng dễ gặp bão hay cháy rừng ngày càng đắt đỏ.
Báo cáo do Văn phòng Bảo hiểm Liên bang (FIO) thuộc Bộ Tài chính Mỹ công bố hôm 16/1 cho biết phí bảo hiểm nhà ở trung bình tại nước này đã tăng nhanh hơn tỷ lệ lạm phát, đạt 8,7% từ năm 2018 đến 2022.
Trong khi đó, theo nền tảng tài chính trực tuyến Bankrate, mức trung bình quốc gia với bảo hiểm nhà ở năm 2025 là 2.181 USD mỗi năm cho một gói bảo hiểm phạm vi đền bù 300.000 USD, tương đương khoảng 182 USD mỗi tháng.
Tuy nhiên, đây chỉ là con số trung bình vì nhu cầu bảo hiểm khác nhau giữa các chủ nhà. Các yếu tố chi phối như vị trí, tuổi đời và diện tích căn nhà, mức khấu trừ, giới hạn bảo hiểm, giá vật liệu xây dựng.
Theo FIO và Bankrate, phí bảo hiểm nhà ở tăng sau đại dịch do chi phí xây dựng leo thang. Khi giá vật liệu và chi phí lao động tăng, các công ty bảo hiểm nhà ở phải nâng phí bảo hiểm để bù đắp tốn kém từ các vụ đòi bồi thường.
Cùng với đó là sự xuất hiện ngày càng nhiều các hiện tượng thời tiết cực đoan. Theo Viện Thông tin Bảo hiểm (Triple-I), tác động của biến đổi khí hậu có thể ảnh hưởng trực tiếp đến chi phí bảo hiểm nhà ở. Thiệt hại từ cháy rừng, lốc xoáy, bão và lũ lụt tăng qua từng năm, khiến một số công ty bảo hiểm phải hạn chế phạm vi bảo hiểm ở các khu vực có rủi ro cao hoặc tăng phí bảo hiểm.
Nghiên cứu hơn 246 triệu hợp đồng bảo hiểm, FIO cho biết những người sống ở những khu vực có nguy cơ thiên tai cao tại nước này phải trả mức phí bảo hiểm trung bình hàng năm là 2.321 USD, cao hơn 82% so với các khu vực ít có khả năng chịu ảnh hưởng từ các hiện tượng thời tiết nguy hiểm.
Phân tích của Bankrate cho biết, với phạm vi bảo hiểm 300.000 USD, chủ nhà tại các bang như Vermont, Alaska và Delaware có thể tốn chưa đến 1.000 USD mỗi năm, nhưng tại Nebraska hay Florida thì chi phí có thể vượt 5.000 USD. Nebraska chịu ảnh hưởng chính từ lốc xoáy và hạn hán, trong khi Florida đối mặt với các thiên tai ven biển như bão lớn, lũ lụt và sét đánh.
Ngoài ra, nhà tại các khu vực rủi ro lớn có nhiều khả năng bị các công ty bảo hiểm từ chối cung cấp dịch vụ hơn. Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen cho biết báo cáo này là lời nhắc nhở rõ ràng về tác động ngày càng lớn của các thảm họa thiên nhiên đối với nền kinh tế.
“Ngoài các vụ cháy rừng ở khu vực Los Angeles, các sự kiện thời tiết cực đoan khác, từ bão lớn ở đồng bằng miền Trung đến bão nhiệt đới ở Đông Nam Mỹ, đang gây khó khăn cho người Mỹ trong việc tìm bảo hiểm giá cả phải chăng”, bà nói.
Tuần qua, vụ cháy rừng ở Los Angeles phá hủy hơn 12.000 ngôi nhà dẫn đến thiệt hại bảo hiểm có thể lên tới 45 tỷ USD. Theo các chuyên gia, phí bảo hiểm dự kiến tăng sau thảm họa này, tương tự như các thảm họa trước đây đã gây xáo trộn thị trường bảo hiểm tại một số bang.
Theo tạp chí The Conversation, không chỉ phí tăng, phạm vi bảo hiểm cũng đang thu hẹp. Trong một số trường hợp, các công ty bảo hiểm đang giảm hoặc hủy bỏ phạm vi bảo hiểm cho các hạng mục như viền kim loại, cửa ra vào và sửa chữa mái nhà, tăng mức khấu trừ cho các rủi ro như thiệt hại do mưa đá và hỏa hoạn hoặc từ chối chi trả toàn bộ chi phí thay thế cho những hạng mục như mái nhà cũ.
Thậm chí, một số rút khỏi thị trường hoàn toàn, hủy bỏ các hợp đồng hiện có hoặc từ chối gia hạn khi rủi ro trở nên quá bất định hoặc cơ quan quản lý không chấp thuận việc tăng giá. Những năm gần đây, các hãng bảo hiểm như State Farm và Allstate đã rút lui khỏi thị trường California. Trong khi, Farmers, Progressive và AAA không còn cung cấp bảo hiểm nhà ở Florida.
Đến năm ngoái, ước tính 7,4% ngôi nhà ở Mỹ không được mua bảo hiểm, khiến khối tài sản gần 1.600 tỷ USD không được bồi thường nếu gặp sự cố.
Theo báo cáo của Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA), từ năm 2018 đến 2022, có 84 thảm họa gây thiệt hại hơn 1 tỷ USD (không bao gồm lũ lụt), với tổng thiệt hại vượt hơn 609 tỷ USD và chi phí cho các thảm họa này vẫn tiếp tục tăng kể từ đó.
Anh Kỳ (theo Reuters, Bankrate,The Conversation)
Thông báo: Baoangiang.com rất mong nhận được sự đóng góp ý kiến cũng như bài vở của bạn đọc gần xa. Quý bạn đọc có tin bài muốn cộng tác xin gửi về địa chỉ email: [email protected] hoặc zalo: 0909090909.
Chúng tôi sẽ có nhuận bút tương xứng với chất lượng của bài viết nếu bài viết của Quý đọc giả được chọn để đăng trên trang của chúng tôi. Xin cám ơn!