Vân kiên là một loại áo choàng cổ để tránh bẩn vai áo, và trang trí như một phục sức. Vân kiên phổ biến trên các tượng thời Lê, tầng lớp quý tộc thời đầu nhà Nguyễn và giới múa hát ca kịch nhà Nguyễn. Hiện tại, một số cửa hàng chuyên đồ Việt phục đã thiết kế vân kiên như một điểm nhấn của trang phục hiện đại.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, Nguyễn Thái Hương, học lớp 12B2 Trường TH-THCS-THPT Trương Vĩnh Ký (Đồng Nai), xác nhận cô là nhân vật trong những tấm ảnh nói trên. Hương diện bộ trang phục độc đáo này trong buổi lễ tri ân trưởng thành cuối cấp 12 vào ngày 22-6.
“Đây là trang phục tôi thấy rất phù hợp với buổi lễ tri ân cuối cấp. Tôi cũng mong muốn trang phục của người Việt xưa được thầy cô và bạn bè biết đến nhiều hơn”, cô nói.
Trước đó, Hương rất hứng thú với cổ phục thời xưa. Tình cờ khi đang lướt TikTok, cô nhìn thấy vân kiên của một shop. Hương bị hớp hồn từ cái nhìn đầu tiên. Sau khi xem clip, cô quyết định tìm kiếm thông tin về vân kiên, như món trang sức này có từ khi nào, mọi người tái hiện và ứng dụng vân kiên thế nào… Cô cảm thấy trang phục ấy rất đẹp mắt nhưng không hiểu vì sao lại chưa có nhiều người biết đến.
Hương quyết định kết hợp vân kiên với trang phục tốt nghiệp như một cách kết hợp giữa hiện đại và truyền thống. Áo cử nhân được tô thêm phụ kiện nổi bật là vân kiên. Còn nón tốt nghiệp đính hoa do em thuê để tạo màu sắc cho trang phục.
Khi Hương diện bộ trang phục lạ mắt này, bạn bè, thầy cô ai cũng bất ngờ khi lần đầu thấy người diện vân kiên trong bộ áo cử nhân. Thầy hiệu phó còn hỏi: “Bộ này ở đâu mà đẹp quá vậy? Cuối năm có cần mặc đẹp dữ vậy không Hương?” làm nữ sinh ngại ngùng nhưng vẫn khoái chí.
“Tôi nghĩ áo cử nhân hiện tại cũng rất đẹp, nhưng nếu mặc thêm trang phục của người Việt truyền thống thì lại càng đẹp hơn. Tôi cũng mong giá trị văn hóa không bị mai một và muốn trang phục này được nhiều người biết đến”, Thái Hương nói.
Nữ sinh mê diện Việt phục
Trước đó, Hương từng diện bộ ngũ thân tay thụng màu vàng trong buổi thuyết trình ở trường giai đoạn cận Tết. Cô cho rằng bộ trang phục này không chỉ mang không khí Tết, có màu vàng của hoa mai, mà còn khiến bạn bè thích thú.
Trung bình, để sở hữu một bộ áo Việt phục, nữ sinh phải bỏ ra từ 600.000 đồng đến 1,5 triệu đồng. Hiện tại, cô đã sở hữu ba bộ cổ phục độc đáo.
Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất khi cô mặc trang phục này là nếu mua sẵn thì chiếc áo thường quá dài và rộng, đi lại khó.
“Tôi đã bán lại hai bộ áo ngũ thân tay thụng và nhật bình vì cảm thấy khó đi lại. Tôi chỉ giữ lại một bộ áo ngũ thân tay chẽn để lưu giữ và mặc trong những dịp đặc biệt. Tiền thu được, tôi dự định sẽ đầu tư vào những trang phục khác”, Hương chia sẻ.
Như những người yêu thích Việt phục khác, Hương còn thường xuyên theo dõi các trang có bán nhiều bộ đồ độc đáo, tái hiện không khí của người Việt ngày xưa. Tuy thích vì đẹp mắt nhưng Hương cũng “rén tay” vì kinh phí còn hạn hẹp. “Tôi chỉ biết ngắm thôi. Hy vọng một ngày nào đó có cơ hội mua được”, cô nói.
Hương cũng cho biết cô sẽ đặt may riêng để có thể tùy chỉnh vừa vặn hơn so với hàng có sẵn. Hiện tại, nữ sinh này đang tìm kiếm xưởng may ở Đồng Nai để thuận tiện hơn cho thú chơi Việt phục.
Thông báo: Baoangiang.com rất mong nhận được sự đóng góp ý kiến cũng như bài vở của bạn đọc gần xa. Quý bạn đọc có tin bài muốn cộng tác xin gửi về địa chỉ email: [email protected] hoặc zalo: 0909090909.
Chúng tôi sẽ có nhuận bút tương xứng với chất lượng của bài viết nếu bài viết của Quý đọc giả được chọn để đăng trên trang của chúng tôi. Xin cám ơn!