Sáng 8-11, trong khuôn khổ chương trình công tác của Thủ tướng tới Trung Quốc, tọa đàm doanh nghiệp Việt Nam – Trung Quốc được tổ chức tại thành phố Trùng Khánh với sự tham dự của Thủ tướng Phạm Minh Chính.
Nhiều sản phẩm cà phê, trái cây tươi của Việt Nam được yêu thích
Hội nghị chật kín chỗ ngồi khi có hàng trăm doanh nghiệp Việt Nam – Trung Quốc tham dự, đưa ra nhiều kiến nghị để thúc đẩy giao thương, hợp tác đầu tư.
Bởi vậy mà ông Hồ Hoành Hoa – thị trưởng TP Trùng Khánh (Trung Quốc) cho rằng với nhận thức chung về việc xây dựng “Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam – Trung Quốc”, sẽ là nền tảng để hai bên tăng cường hơn hợp tác chiến lược toàn diện.
Đặc biệt trong thúc đẩy hành lang thương mại đường bộ và đường biển, ông Hoa cho biết đã có những doanh nghiệp Trùng Khánh đầu tư vào Việt Nam trong lĩnh vực ô tô, xe máy, điện tử và cơ khí.
Ngược lại các sản phẩm cà phê và trái cây tươi của Việt Nam được người tiêu dùng Trùng Khánh yêu thích, với đường vận chuyển hàng hóa tăng trưởng mạnh.
Những cơ hội này cũng được doanh nghiệp hai bên nhìn nhận. Ông Jesse Choi, thành viên HĐQT, CEO Tập đoàn Sunwah khu vực Đông Nam Á, có đầu tư tại Việt Nam từ năm 1990 – cho biết sẽ tập trung vào thúc đẩy thương mại, chế biến, xuất nhập khẩu và đa dạng mô hình bán hàng để đưa sản phẩm Việt Nam đến tay người tiêu dùng Trung Quốc.
Công ty sẽ cùng ký kết hợp tác phát triển chuỗi cung ứng xuất nhập khẩu nông sản, kết nối chuỗi giá trị nông sản hiện đại, giảm trung gian.
Ứng dụng chuyển đổi số vào quản lý để nâng cao uy tín, thương hiệu nông sản Việt Nam. Chúng tôi mong nhận được sự hỗ trợ của Chính phủ và bộ ngành, địa phương hai nước để thúc đẩy hợp tác” – ông Jesse Choi nói.
Ông Đặng Sỹ Mạnh – chủ tịch HĐQT Tổng công ty Đường sắt Việt Nam – cho hay công ty đang vận hành tuyến liên vận quốc tế qua Trung Quốc tại cửa khẩu Đồng Đăng – Bằng Tường và Lào Cai – Hà Khẩu. Hàng hóa xuất khẩu được vận chuyển chủ yếu là nông sản, hoa quả, quặng các loại, đồ gỗ mỹ nghệ, giày da, may mặc… cũng như nhập khẩu các nguyên vật liệu sản xuất.
Tháo gỡ điểm nghẽn chi phí logistics
Với sáng kiến đưa cửa khẩu vào sâu trong nội địa, hàng hóa xuất nhập khẩu bằng đường sắt tăng trưởng mạnh ở mức 2 con số. Trong đó, 10 tháng đầu năm 2024 sản lượng hàng hóa vận chuyển tăng 44%, riêng vào Trùng Khánh đạt 2.924 TEUs, tăng 56% so với năm 2023.
Tuy vậy ông Mạnh chỉ ra điểm nghẽn lớn về hạ tầng kết nối khổ hẹp, thiếu kho bãi, ICD phía Việt Nam. Việc kiểm dịch giữa hai nước thiếu đồng bộ, thiếu liên tục nên sản lượng, doanh thu còn thấp, thời gian dài, chi phí cao so với năng lực và kỳ vọng. Cùng đó, tiềm năng du lịch đường sắt với nước bạn cũng còn “để ngỏ” khi từ tháng 2-2020 chưa vận hành lại tàu khách liên vận quốc tế.
Còn theo ông Lê Anh Sơn – chủ tịch HĐQT Tổng công ty Hàng hải Việt Nam – nhìn nhận hạ tầng chưa đồng bộ, thiếu trung tâm thu gom xử lý, bảo quản và vận chuyển hạn chế nên tỉ lệ hao hụt sản phẩm xuất khẩu lên tới 30-35%.
Dịch vụ bảo quản chiếu xạ chưa đáp ứng nhu cầu khi chỉ có hai trung tâm. Chi phí logistics cao, chiếm tới 20-25%, cao hơn so với khu vực ASEAN làm giảm tính cạnh tranh sản phẩm.
Vì vậy ông Sơn mong muốn phía Trung Quốc mở rộng nhập khẩu hàng nông sản các cửa khẩu ở đường bộ, đường biển. Rút ngắn thời gian, quy trình thủ tục hải quan, kiểm dịch để giảm thời gian vận chuyển, giảm chi phí sản phẩm.
Nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp giao thương, đầu tư
Ghi nhận các ý kiến của doanh nghiệp, Thủ tướng Phạm Minh Chính mong muốn với tầm nhìn chung về “Cộng đồng chia sẻ tương lai”, doanh nghiệp hai nước đến đầu tư kinh doanh với nhau, mang lại lợi ích bền vững chung cho nhân dân hai nước để cùng phát triển hùng cường lớn mạnh.
Với các đề xuất của doanh nghiệp, đặc biệt là việc đơn giản hóa thủ tục, ông cho biết hiện hai nước đang xây dựng cửa khẩu hải quan thông minh. Việt Nam cũng đang tập trung đầu tư vào hạ tầng, hỗ trợ thuế, phí và các chính sách khác cho doanh nghiệp để nâng cao sức cạnh tranh hàng hóa.
Đó là việc thúc đẩy hợp tác kỹ thuật, tập trung vào các ngành mới nổi, kinh tế số, kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn, truy suất nguồn gốc, bao bì mẫu mã và quy hoạch vùng trồng. Trên cơ sở đó, Thủ tướng kêu gọi doanh nghiệp hai nước đến đầu tư vì mục tiêu phát triển chung mang tính hiệu quả và bền vững.
Thông báo: Baoangiang.com rất mong nhận được sự đóng góp ý kiến cũng như bài vở của bạn đọc gần xa. Quý bạn đọc có tin bài muốn cộng tác xin gửi về địa chỉ email: [email protected] hoặc zalo: 0909090909.
Chúng tôi sẽ có nhuận bút tương xứng với chất lượng của bài viết nếu bài viết của Quý đọc giả được chọn để đăng trên trang của chúng tôi. Xin cám ơn!