Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm các nội dung đăng trên websites, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "Baoangiang.com". (Ví dụ: "tin tức hôm nay" Baoangiang.com). Tìm kiếm ngay
27 lượt xem

Những ngành tiềm năng bán tín chỉ carbon

8 nhóm ngành có thể tạo ra tín chỉ carbon với sản lượng lớn nhất hiện nay là lâm nghiệp và năng lượng tái tạo.

Theo Ecosystem Marketplace (Mỹ), có tổng cộng khoảng 170 loại hình dự án có thể tạo ra và bán được tín chỉ carbon, phân thành 8 nhóm chính, dựa trên phương pháp được sử dụng để đạt mục tiêu giảm hoặc loại bỏ khí thải. Ecosystem Marketplace là nền tảng thông tin và nghiên cứu về các thị trường môi trường gồm tín chỉ carbon, dịch vụ hệ sinh thái và các cơ chế tài chính bền vững khác.





Đồ họa: Dỹ Tùng

Đồ họa: Dỹ Tùng

Nông nghiệp: tập trung vào quản lý bền vững đất nông nghiệp và đồng cỏ, bao gồm cô lập carbon trong đất thông qua quản lý đất nông nghiệp hoặc đồng cỏ bền vững, quản lý khí metan từ chăn nuôi và trồng trọt. Ví dụ, Việt Nam có nhiều triển vọng trong việc bán tín chỉ carbon từ giảm phát thải metan trong trồng lúa nước.

Sản xuất hóa chất/quy trình công nghiệp: tập trung vào loại bỏ hoặc giảm lượng khí nhà kính được tạo ra hoặc sử dụng trong các quy trình công nghiệp.

Hiệu quả năng lượng/Chuyển đổi nhiên liệu: giảm mức tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch bằng cách tăng hiệu quả của các quy trình công nghiệp và các hệ thống sưởi, chiếu sáng dân dụng và thương mại. Ngoài ra, các dự án này còn chuyển đổi việc sản xuất điện và nhiệt từ nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng sinh khối hoặc các loại nhiên liệu ít carbon hơn như khí đốt.

Lâm nghiệp và Sử dụng đất: gồm tất cả các giải pháp dựa vào tự nhiên – ngoại trừ các giải pháp được thực hiện trên đất nông nghiệp và đồng cỏ. Các dự án lâm nghiệp tạo ra tín chỉ carbon thông qua việc giảm phát thải nhờ tránh nạn phá rừng và cải thiện quản lý rừng, hoặc thông qua việc loại bỏ khí CO2 từ không khí bằng cách chuyển hóa thành sinh khối khi thảm thực vật mới phát triển.

Thiết bị hộ gia đình/cộng đồng: nhóm dự án này tập trung vào việc giảm phát thải carbon ở cấp độ hộ gia đình hoặc cộng đồng. Phổ biến trong nhóm này có thể kể đến như phân phối bếp nấu tiết kiệm năng lượng và thiết bị lọc nước, giúp giảm phát thải khí nhà kính do tình trạng phá rừng để lấy nhiên liệu ở khu vực nông thôn; các dự án cải thiện hiệu quả năng lượng cộng đồng; xây dựng cơ sở hạ tầng khí sinh học để cung cấp nguồn nhiệt và nấu ăn không sử dụng nhiên liệu hóa thạch cho các cộng đồng nông thôn.

Năng lượng tái tạo: các dự án này giảm thiểu phát thải carbon bằng cách sử dụng năng lượng tái tạo để thay thế tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch. Các loại dự án phổ biến bao gồm sản xuất điện và nhiệt từ gió, năng lượng mặt trời, thủy điện, địa nhiệt, khí sinh học từ quá trình phân hủy chất thải hữu cơ và sinh khối tái tạo.

Giao thông: nhóm dự án này giảm phát thải bằng cách tăng cường hiệu quả của hệ thống giao thông, bao gồm việc phát triển các hệ thống mới như giao thông công cộng và phương tiện điện.

Xử lý chất thải: tập trung vào việc giảm phát thải khí nhà kính bằng cách thu gom và loại bỏ khí metan từ quá trình phân hủy vật liệu hữu cơ (trừ trường hợp khí metan được sử dụng để tạo nhiệt hoặc điện), tái chế vật liệu cũ để tránh phát thải từ việc sản xuất mới và ủ phân hữu cơ để ngăn chặn sự hình thành khí metan.

Những ngành có nhiều tín chỉ carbon

Theo thống kê của Ecosystem Marketplace, lâm nghiệp và năng lượng tái tạo là hai ngành có lượng tín chỉ carbon được giao dịch nhiều nhất trong 4 năm trở lại đây. Vào 2020, năng lượng tái tạo dẫn đầu với 93,8 triệu tín chỉ carbon (CO2tđ), chiếm gần một nửa tổng lượng tín chỉ giao dịch, trong khi lâm nghiệp giao dịch 59,6 triệu tín chỉ.

Tuy nhiên, kể từ 2021, lâm nghiệp liên tiếp dẫn đầu là ngành có lượng tín chỉ carbon giao dịch nhiều nhất trên thế giới, đạt kỷ lục cũng có năm đó với 245,4 triệu tín chỉ. Hàng năm, lượng tín chỉ của lâm nghiệp luôn chiếm dao động từ trên 30% đến 45% tỷ trọng toàn thị trường tín chỉ carbon thế giới.

Trong khi đó, các dự án thuộc quy trình công nghiệp, hiệu quả năng lượng và thiết bị hộ gia đình – công đồng chỉ chiếm sản lượng thấp. Tuy nhiên “ngôi sao đang lên” trong nhóm thiểu số là nông nghiệp, với lượng tín chỉ tăng đều đặn suốt 4 năm qua. Vào 2020, chỉ 450.000 tín chỉ carbon nông nghiệp được giao dịch nhưng đã tăng hơn 10 lần, lên 4,7 triệu tín chỉ vào năm ngoái.

Những ngành có giá tín chỉ carbon cao

Lâm nghiệp – sử dụng đất không chỉ là ngành có nhiều tín chỉ carbon giao dịch nhất mà cũng có giá nhất, trung bình giao dịch ở mức 9,72 USD mỗi tín chỉ vào năm 2023. Giá tín chỉ của ngành này đã tăng đều đặn suốt 4 năm qua, từ mức 5,46 USD mỗi tín chỉ vào năm 2020.

Trước đó, ngành có giá tín chỉ carbon cao nhất là nông nghiệp, giữ vị trí quán quân suốt giai đoạn 2020-2022, với giá trung bình cao nhất từng đạt được là 11,02 USD vào năm 2022. Tuy nhiên, giá đã lao dốc mạnh vào năm ngoái, xuống còn chỉ 6,51 USD mỗi tín chỉ, đứng thứ 4 trong 8 ngành được phân loại.

Đáng chú ý là các dự án năng lượng tái tạo cung cấp lượng tín chỉ carbon nhiều thứ hai thị trường nhưng giá luôn thuộc hàng thấp nhất, đạt trung bình 3,88 USD vào 2023, cải thiện nhẹ so với hồi 2020 (1,08 USD/tín chỉ).

Vì sao giá tín chỉ carbon các ngành chênh lệch lớn?

Tất cả các dự án tín chỉ carbon đều mang lại những tác động tích cực trong phát triển bền vững nhưng các loại dự án khác nhau sẽ mang đến những lợi ích khác nhau. Cộng với chi phí triển khai khác nhau dẫn đến giá chênh lệch đáng kể.

Ví dụ, một dự án năng lượng gió quy mô lớn tại Thổ Nhĩ Kỳ mang lại nhiều lợi ích ở cấp độ quốc gia như tiếp cận công nghệ sạch tốt hơn, tạo cơ hội việc làm cho người dân, tăng cường độc lập năng lượng và cải thiện sự ổn định xã hội.

Trong khi đó, một dự án bếp nấu cải tiến tại Rwanda mang lại lợi ích trực tiếp hơn cho cộng đồng. Dự án này giúp giảm ô nhiễm không khí trong nhà, cải thiện sức khỏe, đặc biệt là đối với phụ nữ và trẻ em. Dự án cũng giúp giảm lượng củi cần dùng, qua đó hạn chế tình trạng phá rừng và tiết kiệm chi phí cho các hộ gia đình. Thời gian thu gom củi được giảm đi, giúp các thành viên trong gia đình có thêm cơ hội tham gia học tập và các hoạt động xã hội khác.

Tóm lại, các lợi ích phát triển bền vững từ các dự án năng lượng gió cũng rất quan trọng, nhưng thường tín chỉ carbon từ các dự án bếp nấu lại được bán với mức giá cao hơn. Vào 2023, trung bình giá tín chỉ carbon ngành thiết bị hộ gia đình/cộng đồng là 7,7 USD so với 3,88 USD của năng lượng tái tạo.

Theo các chuyên gia, lý do chung khi xét đến giá trị sơ cấp – tức bán từ nguồn, chưa sang tay hay trung gian – là giá trị gia tăng bổ sung của dự án ngoài việc giảm hoặc hấp thụ carbon. Các nhà đầu tư chuộng các tín chỉ vừa giải quyết vấn đề phát thải vừa có thể tạo ra tác động trực tiếp cho xã hội.

Họ hoàn toàn có thể lượng hóa cụ thể được bằng tiền. Ví dụ, Gold Standard – một tiêu chuẩn tín chỉ carbon – thực hiện nghiên cứu chỉ ra rằng các dự án điện gió tạo ra giá trị bổ sung là 21 USD cho mỗi tấn CO2 giảm được, chủ yếu nhờ giảm nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch.

Trong khi, một dự án bếp nấu cải tiến cho gia đình có thể mang lại đến 151 USD giá trị bổ sung cho mỗi tấn CO2 giảm được. Việc này cho thấy rằng khi đầu tư vào cùng một sản phẩm (tín chỉ carbon), tác động đến cuộc sống và sức khỏe của các cộng đồng dễ bị tổn thương là khác nhau. Giá trị gia tăng cao hơn thường tương quan với giá tín chỉ carbon đắt hơn.

Riêng các dự án lâm nghiệp – sử dụng đất có giá tín chỉ carbon hàng đầu bởi tính dài hạn và đa dạng lợi ích. Lâm nghiệp không chỉ giúp giảm phát thải mà còn trực tiếp hấp thụ CO2 từ không khí và lưu trữ nó trong cây và đất. Hiệu quả lưu giữ này kéo dài nhiều thập kỷ, mang lại giá trị môi trường bền vững. Các dự án còn có loạt giá trị gia tăng như bảo tồn đa dạng sinh học, cải thiện chất lượng đất và nguồn nước, tăng cường sinh kế cộng đồng địa phương.

Ngoài ra, giá cao một phần do rủi ro đầu tư cao. Các dự án lâm nghiệp phải đối mặt với nhiều thách thức từ thời tiết, thiên tai và khai thác bất hợp pháp. Để duy trì bền vững, cần chi phí lớn cho công tác bảo vệ và quản lý trong thời gian dài.

Nhìn chung, doanh nghiệp sẵn sàng trả giá cao hơn để hỗ trợ các dự án tín chỉ carbon lâm nghiệp vì các tác động lớn đến bảo tồn tự nhiên và đời sống cộng đồng. Về mặt truyền thông, các dự án lâm nghiệp cũng dễ truyền tải và minh chứng bằng hình ảnh và các báo cáo tác động cụ thể, giúp nâng cao danh tiếng.

Thông báo: Baoangiang.com rất mong nhận được sự đóng góp ý kiến cũng như bài vở của bạn đọc gần xa. Quý bạn đọc có tin bài muốn cộng tác xin gửi về địa chỉ email: [email protected] hoặc zalo: 0909090909.

Chúng tôi sẽ có nhuận bút tương xứng với chất lượng của bài viết nếu bài viết của Quý đọc giả được chọn để đăng trên trang của chúng tôi. Xin cám ơn!

Bài viết mới cập nhật: