Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm các nội dung đăng trên websites, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "Baoangiang.com". (Ví dụ: "tin tức hôm nay" Baoangiang.com). Tìm kiếm ngay
70 lượt xem

Như Hoa và lựa chọn trở về

Nữ tiến sĩ Trần Thị Như Hoa chọn trở về Việt Nam sau tu nghiệp để tiếp tục con đường nghiên cứu và cống hiến - Ảnh: NVCC

Nữ tiến sĩ Trần Thị Như Hoa chọn trở về Việt Nam sau tu nghiệp để tiếp tục con đường nghiên cứu và cống hiến – Ảnh: NVCC

Nữ tiến sĩ 35 tuổi ấy không chỉ tạo thiện cảm với gương mặt dễ mến mà còn gây ấn tượng vì dường như người khác luôn cảm nhận được nguồn năng lượng tích cực lan tỏa từ chị.

Nhiều bạn bè đang học tập ở nước ngoài cũng thường hỏi tôi rằng “Có nên về Việt Nam không?”. Đến bây giờ, tôi luôn tự tin để nói rằng nên trở về để được cống hiến, góp sức của mình cho sự phát triển đất nước.

TS TRẦN THỊ NHƯ HOA

Hướng đi mới cho người bệnh

Năm 2015, chị nhận học bổng nghiên cứu sinh chuyên ngành vật lý nano tại Trường ĐH Gachon (Hàn Quốc) và bảo vệ thành công luận án tiến sĩ năm 2018. Tìm hiểu thông tin, chị biết ĐH Quốc gia TP.HCM đang chú trọng phát triển nhiều lĩnh vực, trong đó có sức khỏe. Chị quyết định về nước.

Trở về, tiến sĩ Trần Thị Như Hoa công tác tại khoa khoa học và công nghệ vật liệu Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM). Chị cũng đảm nhận vị trí trưởng phòng thí nghiệm quang học và cảm biến, hợp tác với Trung tâm Nghiên cứu vật liệu cấu trúc nano và phân tử (Inomar), ĐH Quốc gia TP.HCM.

Nữ tiến sĩ trẻ bộc bạch điều may mắn ngay khi mới đặt chân về nước đã được làm việc trong phòng thí nghiệm với trang thiết bị hiện đại do ĐH Quốc gia TP.HCM đầu tư.

Môi trường ấy giúp chị và nhiều nhà khoa học trẻ an tâm nghiên cứu với kỳ vọng tạo ra những loại cảm biến dựa trên vật liệu mới có thể ứng dụng tại các bệnh viện cũng như phòng thí nghiệm để xét nghiệm, chẩn đoán sớm bệnh trên người.

Từ ngày về nước đến nay, chị cùng nhóm nghiên cứu đã hoàn thành hai đề tài cấp nhà nước và ĐH Quốc gia TP.HCM. Trong đó, đề tài “Thiết kế và phát triển cảm biến quang học có độ nhạy cao sử dụng hiện tượng cộng hưởng plasmon bề mặt định xứ trên vật liệu nano kim loại Ag, Au cho các ứng dụng y sinh” đạt xuất sắc.

Kết quả nghiên cứu này đã công bố ba công trình trên tạp chí quốc tế uy tín danh mục Q1, một công trình trên tạp chí quốc tế danh mục Q2, và một công trình trên tạp chí Phát triển khoa học và công nghệ (ĐH Quốc gia TP.HCM), đồng thời còn là luận văn của một thạc sĩ Trường ĐH Khoa học tự nhiên.

Chị còn hoàn thành nghiệm thu đề tài cấp nhà nước “Phát hiện phân tử sinh học dựa trên bộ cảm biến sinh học cộng hưởng plasmon bề mặt định xứ (LSPR) với các hạt nano plasmon”. Kết quả nghiên cứu có thể ứng dụng trong việc dự đoán nguy cơ xơ cứng động mạch hoặc đau tim.

Nhóm nghiên cứu đang có một đề tài cấp nhà nước khác, phát triển cảm biến trên nền vật liệu mới để phát hiện nhanh các loại bệnh. Hướng nghiên cứu mới đã cho những kết quả ban đầu khi phát hiện nhanh bệnh suy tim, và ứng dụng cảm biến để phát hiện ra người mắc bệnh thận sắp tới. “Hướng đi này giúp người bệnh điều trị sớm, nhờ đó giảm được chi phí khám chữa bệnh”, chị Hoa nói.

Chia sẻ với vùng khó

Dù vậy, công nghệ mới khi đưa về nước cũng vấp phải không ít khó khăn trong quá trình thử nghiệm thực tế tại các vùng miền, địa phương. Nhóm đã phải khảo sát số lượng dữ liệu rất lớn, nhất là liên kết với các bệnh viện để thu thập dữ liệu nghiên cứu và thử nghiệm.

Với số lượng thống kê rất lớn, chưa kể một loại bệnh cũng có rất nhiều mức độ đòi hỏi phải làm số liệu kỹ lưỡng. Ngay cả với một loại cảm biến, nhóm phải thử nghiệm rất nhiều lần để xác định độ lặp lại cũng như độ nhạy của nó. Kinh phí cũng là rào cản. May mắn là Như Hoa cùng nhóm luôn nhận được hỗ trợ của Nhà nước, các quỹ đầu tư khi thực hiện các đề tài nghiên cứu.

Những năm du học nước ngoài giúp chị tích lũy kha khá kinh nghiệm, cả cơ hội gặp gỡ và hợp tác với các giáo sư, đối tác nước ngoài trong mảng sinh học, y học nên phần nào phục vụ tốt cho hướng nghiên cứu mới trong nước.

Ngoài giờ lên giảng đường, hầu hết thời gian nữ tiến sĩ ấy đều trong phòng thí nghiệm. Xong công việc về nhà, chăm sóc gia đình, ban đêm là khoảng thời gian chị lại dành cho tìm tòi, nhất là tài liệu nước ngoài. Chị nói thuận lợi khi gia đình luôn ủng hộ, đồng hành sau mỗi thành quả của chị.

Từ thực tế công việc, Như Hoa nói mình may mắn khi được đến nhiều nơi, những vùng đất khác nhau và chị ấn tượng với vùng đất Tây Nguyên.

Mới đây, chị tham gia đoàn đại biểu TP.HCM đến thăm cán bộ, chiến sĩ quần đảo Trường Sa, lần đầu đặt chân đến vùng lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc.

Chị tâm sự điều mong ước nhất là ứng dụng phát triển cảm biến trên nền vật liệu mới từ những nghiên cứu của mình để hỗ trợ tốt hơn việc chăm sóc sức khỏe cho bà con, nhất là những nơi còn nhiều khó khăn của đất nước.

Nhìn lại chặng đường gần sáu năm quay về, chị nói đó vẫn là quyết định rất đúng đắn vì đang góp phần công sức nhỏ bé của mình vào thành quả nghiên cứu khoa học chung của đất nước. Chị kỳ vọng vào việc liên kết liên ngành tại Việt Nam. Có thể mở một trung tâm kết nối ngành, tạo sự liên kết mạnh mẽ, quy tụ được các nhà khoa học trên nhiều lĩnh vực khác nhau cùng tạo ra sức mạnh, khả năng nghiên cứu tổng hợp cho nền khoa học nước nhà.

Công bố quốc tế và giải thưởng quan trọng

Đến thời điểm hiện tại, tiến sĩ Trần Thị Như Hoa đã công bố 48 bài báo trên các tạp chí chuyên ngành uy tín trong nước và quốc tế, tham gia và chủ nhiệm 14 đề tài nghiên cứu các cấp.

Hành trình đi theo khoa học của chị còn in dấu ấn với nhiều giải thưởng quan trọng. Trong đó có giải thưởng Quả cầu vàng của Trung ương Đoàn cùng Bộ Khoa học và Công nghệ, được bình chọn là “Công dân trẻ tiêu biểu TP.HCM” trong cùng năm 2022.

Thông báo: Baoangiang.com rất mong nhận được sự đóng góp ý kiến cũng như bài vở của bạn đọc gần xa. Quý bạn đọc có tin bài muốn cộng tác xin gửi về địa chỉ email: [email protected] hoặc zalo: 0909090909.

Chúng tôi sẽ có nhuận bút tương xứng với chất lượng của bài viết nếu bài viết của Quý đọc giả được chọn để đăng trên trang của chúng tôi. Xin cám ơn!

Bài viết mới cập nhật: