Bà nội tôi là một người yêu thơ, yêu hoa. Vườn hoa nhỏ của bà trồng nhiều loại nên quanh năm đều có hoa nở. Nhưng vụ hoa Tết luôn được bà chăm chút, dành nhiều tâm sức nhất.
Bà tôi thường có thói quen tích trữ hoa cúc khô của lứa trước để làm giống gieo lứa sau. Mỗi khi có bông cúc nào khô quắt lại, bà hái cẩn thận rồi bọc tới mấy lớp túi ni lông, cất kỹ để dành. Thỉnh thoảng đi nhà ai đó trong xóm chơi mà thấy có cây hoa cúc nào màu đẹp, bà cũng xin vài bông khô về cất làm giống.
Cuối tháng mười âm lịch, bà bắt đầu làm đất rồi lấy hoa giống ra gieo cho vụ Tết. Đất được bà xới kỹ cho thật tơi, rắc vỏ cà phê đã được ủ mục, để đất thật khô vài ngày sau đó mới tưới nước, gieo giống.
Sau khi gieo giống, bà lấy lá cây ủ lên một lớp mỏng để cản bớt nắng cho mầm cây non.
Ngày hai lần sáng tối, tôi và bà cần mẫn kéo ống, lấy nước vào thùng loa rồi xách tưới từng luống. Thùng nước hơi nặng so với thân hình ốm nhách của tôi, nên mỗi lần tưới hoa, tôi đi liêu xiêu muốn vẹo sườn!
Khi những cây non bắt đầu lên xanh lấm tấm, tôi vui như được mẹ đi chợ về cho kẹo. Cảm xúc hân hoan như thể mình đã làm được một việc gì đó to tát lắm! Ngắm những cây con lớn dần, thân cây mập lên, lá xanh đậm hơn, nhiều hơn là niềm vui giản dị của bà cháu tôi mỗi ngày.
Khi những cây hoa đã bắt đầu cứng cáp, bà dỡ lớp lá khô che nắng ở trên ra. Những hôm trời nắng, bà chỉ tưới hoa vào buổi chiều tối, khi nắng đã tắt hẳn.
Lúc mấy đứa cháu đi học hết, nhà vắng vẻ, bà lúi húi với mấy luống hoa, hết nhổ cỏ, vặt lá sâu đến cắm cây, buộc dây đỡ cho những cành hoa khỏi bị ngã rạp xuống đất. Có hôm, bà còn lấy con dao cùn, ngồi tỉ mẩn chọc chọc để làm đất tơi lên, không bị chai cứng chỗ gốc hoa.
Gặp hôm trời mưa to gió mạnh, bà đội nón lá, khoác áo mưa ra sửa sang lại hàng cọc cho từng cây hoa. Đôi lúc nhìn cảnh bà chăm sóc cho vườn hoa, tôi chọc: bà chăm cây kỹ còn hơn chăm người!
Bao công sức vất vả chăm sóc cho vườn cúc vạn thọ cũng đến ngày được đền đáp. Tết về, vườn hoa của bà tôi rực rỡ sắc vàng của những luống cúc.
Có năm vườn cà phê ra hoa đúng dịp Tết, khung cảnh nhà tôi như khu vườn thần tiên: ngôi nhà nhỏ sơn màu xanh nằm lọt thỏm trong sắc trắng của hoa cà phê, sắc vàng của hoa cúc, ong bướm dập dìu, hương thơm ngào ngạt.
Bàn thờ tổ tiên cũng được bà bày lọ hoa cúc mà bà đã dành bao nhiêu tâm sức vun trồng. Dù không có tiền mua hoa, Tết về nhà tôi vẫn đủ đầy hoa từ ngoài ngõ đến trong nhà.
Bà tôi đã đi xa hơn chục năm. Khu vườn ngày xưa giờ đã chuyển sang chủ khác. Mỗi năm, cứ đến dịp Tết về, cùng cả nhà dạo chợ hoa xuân, ngắm những chậu cúc vạn thọ giản dị, khép nép bên những chậu cúc đại đóa to đùng, tôi lại nhớ bà quay quắt, khóe mắt cay xè.
Tôi nhớ hình bóng bà bé nhỏ ngày ngày cần mẫn, chăm chút cho từng cây hoa. Tôi nhớ những buổi xách nước tưới hoa muốn vẹo sườn. Tôi nhớ niềm hạnh phúc hân hoan của hai bà cháu khi chứng kiến thành quả lao động của mình là những luống hoa rực rỡ trước sân nhà.
Tôi hiểu ra lý do bà chăm hoa còn hơn chăm người, vì bà xem hoa là bầu bạn tri kỷ.
Ký ức Tết trong miền thương nhớ
Tết trong ký ức của bạn là gì? Là những ngày thơ bé bên ông bà, cha mẹ? Hay những ngày giáp Tết cùng cả nhà tất bật sắm sửa, làm cỗ cúng gia tiên? Những món ăn nào khiến bạn chỉ nghe tên là thấy Tết?…
Mời bạn chia sẻ ký ức Tết với Tuổi Trẻ Online. Bài viết, hình ảnh (bạn có bản quyền sử dụng) vui lòng gửi về hòm thư [email protected]. Vui lòng cung cấp thông tin tài khoản để tòa soạn gửi nhuận bút sau khi bài được chọn đăng. Tuổi Trẻ Online cảm ơn bạn.
Từ ngày 10-1, Tuổi Trẻ Online đã nhận được email của các độc giả viết về Ký ức Tết trong miền thương nhớ: Truc Nguyen, Nguyễn Thị Thùy Trang, Xứ Nẫu Ma Tân, Lê Tấn Thời, Lại Thị Ngọc Hạnh, Phan Thanh Cẩm Giang, Trần Văn Tám, Ducnguyen Nguyen, Đào Đình Tuấn, Thai Hoang, Hân Thái, Thanh Tran Dinh, Bui Thanh Tuan, Lê Thị Thiên Bình, Lý An Nhiên, Lại Thế Vũ, Thiên An Chuối, Phạm Minh Chánh, Kỳ An Trịnh, Nguyễn Thị Mỹ Châu, Minh Vân Lê, Quỳnh Trúc, Trí Ninh, Ngô Nữ Thùy Linh, Trúc Nguyễn, Nguyên Phan Mai Thảo, Tuan Cuong… Có tác giả gửi nhiều bài.
Thông báo: Baoangiang.com rất mong nhận được sự đóng góp ý kiến cũng như bài vở của bạn đọc gần xa. Quý bạn đọc có tin bài muốn cộng tác xin gửi về địa chỉ email: [email protected] hoặc zalo: 0909090909.
Chúng tôi sẽ có nhuận bút tương xứng với chất lượng của bài viết nếu bài viết của Quý đọc giả được chọn để đăng trên trang của chúng tôi. Xin cám ơn!