Một nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Nature Aging bổ sung vào bằng chứng ngày càng tăng cho thấy các bệnh nhiễm trùng nghiêm trọng, bao gồm cúm, herpes và nhiễm trùng đường hô hấp, có liên quan đến sự teo não nhanh chóng và tăng nguy cơ sa sút trí tuệ sau nhiều năm.
Nghiên cứu này cũng gợi ý về các yếu tố sinh học có thể góp phần vào các bệnh thoái hóa thần kinh.
Sa sút trí tuệ liên quan gì với nhiễm trùng?
The Washington Post cho biết nghiên cứu hiện tại là “bước nhảy vọt so với các nghiên cứu trước đó đã liên kết nhiễm trùng với khả năng mắc bệnh Alzheimer” và cung cấp một “tập dữ liệu hữu ích” – theo Rudy Tanzi, giáo sư thần kinh học tại Trường Y Harvard và giám đốc Trung tâm Sức khỏe não bộ McCance tại Bệnh viện Đa khoa Massachusetts.
Các nghiên cứu gần đây cũng cho thấy việc tiêm phòng cúm và vắc xin bệnh zona giúp giảm nguy cơ sa sút trí tuệ sau này ở những người được tiêm. Các bệnh nhiễm trùng nghiêm trọng cũng liên quan đến các cơn đột quỵ và đau tim sau đó.
“Vắc xin sẽ là biện pháp bảo vệ tốt nhất trước cả nhiễm trùng cấp tính cũng như các tác động hậu nhiễm trùng này”, Kristen Funk, trợ lý giáo sư khoa học sinh học tại Đại học Bắc Carolina ở Charlotte, người nghiên cứu về viêm thần kinh trong các bệnh nhiễm trùng thần kinh và thoái hóa thần kinh, nói.
“Ý tưởng rằng nhiễm trùng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe não bộ đối với một số người là điều dễ hiểu, đặc biệt là những người từng trải qua nhiễm trùng” – Keenan Walker, một nhà nghiên cứu và giám đốc Đơn vị hình ảnh đa phương thức về bệnh thoái hóa thần kinh tại Viện Lão hóa quốc gia, cho biết.
Ngay cả những bệnh nhiễm trùng nhỏ cũng có thể thay đổi cách chúng ta suy nghĩ và hành xử. Các bệnh nhiễm trùng nặng hơn có khả năng, trong ngắn hạn, gây ra tình trạng mê sảng, liên quan đến các vấn đề nhận thức lâu dài, Walker chia sẻ. “Nhiễm trùng lớn, phản ứng miễn dịch lớn không tốt cho não” – ông nói.
Giả thuyết rằng nhiễm trùng có thể đóng vai trò trong các bệnh thoái hóa thần kinh đã tồn tại, mặc dù chủ yếu bên lề, Walker cho biết. Mọi thứ đã thay đổi với đại dịch COVID-19 và bằng chứng về những tác động nhận thức kéo dài của việc nhiễm bệnh, làm tăng sự quan tâm đối với lĩnh vực này.
Bằng chứng ngày càng tăng cho thấy mối liên hệ “dường như không đặc hiệu với bất kỳ loại nhiễm trùng nào, dù là vi khuẩn hay vi rút” – Walker, đồng tác giả của nghiên cứu, cho biết.
Mối liên hệ sinh học giữa não và nhiễm trùng
Walker và các đồng nghiệp đã dựa vào dữ liệu từ Nghiên cứu Baltimore theo thời gian về lão hóa, một trong những nghiên cứu lâu đời nhất về lão hóa ở Hoa Kỳ.
Họ cũng theo dõi sự thay đổi khối lượng não ở 982 người lớn bình thường về nhận thức, có hoặc không có tiền sử nhiễm trùng, bằng cách chụp hình não nhiều lần, bắt đầu từ năm 2009. Khoảng 43% người tham gia không có tiền sử nhiễm trùng.
Trong số 15 loại nhiễm trùng được nghiên cứu, sáu loại gồm cúm, herpes, nhiễm trùng đường hô hấp và nhiễm trùng da có liên quan đến sự mất khối lượng não nhanh hơn. Sự teo não đặc biệt rõ rệt ở thùy thái dương, khu vực chứa hồi hải mã, quan trọng đối với trí nhớ và liên quan đến bệnh Alzheimer.
“Họ thực sự phát hiện ra rằng có một loạt các bệnh nhiễm trùng liên quan đến sự teo não này, liên quan đến sự suy giảm nhận thức này” – Funk, người không tham gia vào nghiên cứu, cho biết.
Theo phân tích của các nhà nghiên cứu từ dữ liệu của UK Biobank với 495.896 đối tượng và một bộ dữ liệu từ Phần Lan với 273.132 đối tượng, hầu hết các bệnh nhiễm trùng liên quan đến teo não đều dường như là yếu tố nguy cơ gây sa sút trí tuệ.
Họ phát hiện ra rằng có tiền sử nhiễm trùng có liên quan đến nguy cơ mắc bệnh Alzheimer cao hơn sau nhiều năm. Nguy cơ tăng thậm chí còn cao hơn đối với chứng sa sút trí tuệ mạch máu, chẩn đoán sa sút trí tuệ phổ biến thứ hai sau bệnh Alzheimer và gây ra do hạn chế máu lên não.
Nhìn chung, các bệnh nhiễm trùng có liên quan đến sự gia tăng các protein gây bệnh và giảm các protein bảo vệ. Nghiên cứu này “làm sáng tỏ các con đường sinh học tiềm năng dẫn đến việc tăng nguy cơ sa sút trí tuệ sau các bệnh nhiễm trùng nghiêm trọng”, Charlotte Warren-Gash, giáo sư dịch tễ học tại Trường Vệ sinh và Y học nhiệt đới London, người không tham gia nghiên cứu, cho biết.
Hiểu rõ hơn về các protein liên quan có thể một ngày nào đó dẫn đến việc nhắm mục tiêu tốt hơn vào hệ thống miễn dịch.
Giảm nguy cơ nhiễm trùng nghiêm trọng vẫn là điều quan trọng đối với cả sức khỏe ngắn hạn và dài hạn, các chuyên gia nói. Tiêm vắc xin là cách tốt nhất để ngăn ngừa nhiễm trùng nghiêm trọng.
Ngoài ra, CDC khuyến nghị tiêm hai liều vắc xin bệnh zona cho tất cả những người từ 50 tuổi trở lên. Các biện pháp chăm sóc sức khỏe khác như đeo khẩu trang và rửa tay đúng cách cũng giúp giảm nguy cơ nhiễm trùng.
Thông báo: Baoangiang.com rất mong nhận được sự đóng góp ý kiến cũng như bài vở của bạn đọc gần xa. Quý bạn đọc có tin bài muốn cộng tác xin gửi về địa chỉ email: [email protected] hoặc zalo: 0909090909.
Chúng tôi sẽ có nhuận bút tương xứng với chất lượng của bài viết nếu bài viết của Quý đọc giả được chọn để đăng trên trang của chúng tôi. Xin cám ơn!