Nhà máy điện hạt nhân đầu tiên ở tại Ninh Thuận có thể vận hành sớm nhất năm 2031 và muộn nhất năm 2035, theo kịch bản của Bộ Công Thương.
Việt Nam khởi động lại dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, dự kiến hoàn thành trong 5 năm. Trong đó, nhà máy Ninh Thuận 1 đặt tại xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam. Nhà máy Ninh Thuận 2 đặt tại xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải. Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Công nghiệp năng lượng quốc gia (PVN) lần lượt làm chủ đầu tư hai nhà máy này.
Tại dự thảo lấy ý kiến về điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030 (Quy hoạch điện VIII), Bộ Công Thương đề xuất hai kịch bản về cơ cấu nguồn điện. Theo đó, thời gian vận hành (phát điện) các nhà máy điện hạt nhân dự kiến sẽ theo hai phương án.
Với kịch bản cơ sở, nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận I (2×1.200 MW) vận hành giai đoạn 2031-2035, Ninh Thuận II (2×1.200 MW) vận hành giai đoạn 2036-2040.
Còn với kịch bản cao, cả hai nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận I, II (4×1.200 MW) cùng vận hành giai đoạn 2031-2035.
Dự kiến, hai nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận sẽ có tổng công suất 4 tổ máy 4.800 MW. Số này cao hơn 800 MW so với kế hoạch của Chính phủ hồi cuối 2009. Sau 2030, nhà điều hành cũng dự kiến phát triển lưới điện truyền tải để đấu nối, giải toả công suất từ các nhà máy điện hạt nhân.
Trước đó, Thủ tướng yêu cầu khẩn trương triển khai, hoàn thành việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận vào năm 2030. Như vậy, với các kịch bản trên, Việt Nam có thể vận hành nhà máy điện hạt nhân đầu tiên sớm nhất vào 2031 và muộn nhất vào 2035.
Theo quy định, nhà máy điện hạt nhân phải có giai đoạn vận hành thử trước khi nạp nhiên liệu vào lò phản ứng hạt nhân. Việc vận hành thử phải được thực hiện đồng thời với việc kiểm tra các chỉ tiêu kỹ thuật. Cơ quan an toàn bức xạ và hạt nhân sẽ thẩm định báo cáo kết quả vận hành thử và báo cáo phân tích an toàn. Sau đó, họ sẽ đề xuất Hội đồng an toàn hạt nhân quốc gia thẩm định việc cấp giấy phép vận hành chính thức.
Năm ngoái, tổng công suất lắp đặt hệ thống điện khoảng 85.000 MW. Đến năm 2030, công suất hệ thống điện cần đạt khoảng 150.000 MW, sau đó tăng lên 400.000 – 500.000 MW vào 2050, theo Quy hoạch điện VIII.
Chưa kể, Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế trên 8% năm nay và hai chữ số trong các năm tiếp theo. Tức là, nhu cầu tăng trưởng điện mỗi năm khoảng 12-14%. Do đó, phát triển điện hạt nhân sẽ giúp Việt Nam đa dạng nguồn cung, bảo đảm an ninh năng lượng và đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế, phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050 theo cam kết tại COP26.
Nguồn điện hạt nhân (kể cả điện hạt nhân quy mô nhỏ SMR) đều phải đặt ở những vị trí có tiềm năng do đặc biệt liên quan đến vấn đề an toàn, địa chất khu vực và vấn đề chôn cất chất thải hạt nhân.
Do đó, giới hạn tiềm năng phát triển điện hạt nhân, theo Bộ Công Thương, có thể xem xét xây dựng tại 3 vùng, gồm Nam Trung Bộ (khoảng 25-30 GW), Trung Trung Bộ (khoảng 10 GW) và Bắc Trung Bộ (khoảng 4-5 GW).
Hiện, hai địa điểm Phước Dinh và Vĩnh Hải (Ninh Thuận) có công bố quy hoạch địa điểm xây dựng nhà máy điện hạt nhân. Hai địa điểm ở Quảng Ngãi, 1 ở Bình Định cũng được xem xét là địa điểm tiềm năng phát triển 4 tổ máy điện hạt nhân quy mô lớn. Tuy nhiên, theo Bộ Công Thương, do không có quy hoạch được công bố, nên sau 10 năm, các địa điểm này cần rà soát, đánh giá lại.
Bộ này tính toán tới năm 2050, Việt Nam sẽ xuất hiện thêm 5 GW điện hạt nhân tại Bắc Trung Bộ, ngoài 4.800 MW nguồn điện hạt nhân đã cam kết tại Ninh Thuận. Ngoài ra, nguồn năng lượng từ nhà máy điện turbin khí chu trình hỗn hợp và khí hóa lỏng (LNG) sẽ có thêm khoảng 8,4 GW. Các nguồn điện gió, điện mặt trời và pin lưu trữ tiếp tục tăng cao so với Quy hoạch điện VIII hiện tại.
Phương Dung
Thông báo: Baoangiang.com rất mong nhận được sự đóng góp ý kiến cũng như bài vở của bạn đọc gần xa. Quý bạn đọc có tin bài muốn cộng tác xin gửi về địa chỉ email: [email protected] hoặc zalo: 0909090909.
Chúng tôi sẽ có nhuận bút tương xứng với chất lượng của bài viết nếu bài viết của Quý đọc giả được chọn để đăng trên trang của chúng tôi. Xin cám ơn!