Yên BáiThủy điện Thác Bà trên sông Chảy xả lũ khiến nước vùng hạ du lên nhanh, gây ngập 49 nhà dân và 30 xưởng gỗ, chỗ ngập sâu nhất khoảng 2 m.
Chiều 6/8, xưởng gỗ của chị Phạm Thị Vui ở thị trấn Thác Bà vẫn đang ngập hơn một mét. Máy bóc tách, ép gỗ bị hư hại, ước tính thiệt hại 100 triệu đồng.
Chị Vui kể 16h ngày 4/8, nước từ sông Chảy bắt đầu lên, đến 17h30 toàn bộ khu xưởng hàng trăm mét vuông bị chìm, chỗ sâu nhất đến 2 m, gỗ trôi nổi. Chị Vui cùng 14 công nhân trong xưởng lội nước vớt từng mảnh gỗ.
Chủ xưởng gỗ này cho biết đã nhận được thông báo xả lũ thủy điện từ trước, nhưng không sơ tán máy móc, đồ đạc. “Tôi chủ quan nghĩ năm 2018 xả lũ, nước không lên cao, ai ngờ năm nay nước lên rất nhanh và cao”, chị nói.
Không chỉ xưởng của chị Vui bị thiệt hại do xả lũ. Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Yên Bái cho biết đến sáng nay ghi nhận 49 nhà dân, 30 xưởng gỗ, 13 chuồng trại bị ngập, tập trung ở thị trấn Thác Bà, xã Yên Bình và Vĩnh Kiên.
Nước lũ gây ngập, chết 400 gia cầm và 5 ao cá tại thị trấn Thác Bà và xã Yên Bình. Nhiều vị trí dọc sông Chảy bị sạt lở. Chính quyền huyện Yên Bình đã huy động gần 200 người hỗ trợ di chuyển tài sản cho người dân.
Thủy điện Thác Bà mở cửa xả đầu tiên lúc 19h ngày 4/8 theo yêu cầu của Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Từ 13h, tức trước 6 tiếng, lệnh mở cửa xả và công văn đảm bảo an toàn hạ du đã được Bộ gửi đến Công ty cổ phần Thủy điện Thác Bà và UBND các tỉnh Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, TP Hà Nội, nơi chịu ảnh hưởng của xả lũ.
Xã Vĩnh Kiên, huyện Yên Bình nơi ghi nhận nhiều hộ dân, xưởng gỗ ép bị ngập nhất, Chủ tịch xã Nguyễn Văn Chiến cho biết nhận được văn bản thông báo xả lũ lúc 14h ngày 4/8. Ngay sau đó xã cho phát loa truyền thanh, cử cán bộ thông báo đến các thôn, xóm, kêu gọi người dân ở vùng trũng thấp chuyển đồ đạc lên cao.
Ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Thủy điện Thác Bà, cho biết gần 20 ngày trước khi xả, đơn vị quản lý đã thông báo về khả năng xả lũ đến đơn vị phòng chống thiên tai từ cấp xã đến tỉnh của Yên Bái, Tuyên Quang, Phú Thọ. Lý do mưa lớn ở thượng nguồn, mực nước thủy điện Thác Bà xấp xỉ thời kỳ lũ sớm và các thủy điện trên bậc thang sông Chảy đều đang xả lũ.
Đến 19h ngày 4/8, thủy điện Thác Bà đã xả qua đập tràn theo quy trình vận hành liên hồ để đảm bảo an toàn cho công trình và duy trì mực nước hồ 57 m để chống lụt phía hạ du. Sang ngày 5/8, các thủy điện thượng lưu xả về với lượng nước lớn nên thủy điện Thác Bà phải tăng mức xả, từ 734 m3/s lên hơn 2.100 m3/s. Do nhiều thủy điện cùng xả nên lưu lượng nước sông Chảy lúc 14h là gần 1.900 m3/s, trong nửa ngày mực nước thượng lưu hồ Thác Bà tăng hơn nửa mét.
Trước tình hình trên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục yêu cầu mở cửa xả mặt thứ ba của thủy điện Thác Bà để điều tiết lũ qua đập tràn với lưu lượng 1.540 m3/s và duy trì phát tối đa hai tổ máy với lưu lượng xả 280 m3/s. “Đây là mức xả cao nhất của hồ thủy điện Thác Bà từ năm 1996. Đến 9h ngày 6/8, mực nước hồ là 57,41 m, giảm so với lúc 3h ngày 5/8 là 0,14 m”, ông Cường nói thêm.
Thông báo: Baoangiang.com rất mong nhận được sự đóng góp ý kiến cũng như bài vở của bạn đọc gần xa. Quý bạn đọc có tin bài muốn cộng tác xin gửi về địa chỉ email: [email protected] hoặc zalo: 0909090909.
Chúng tôi sẽ có nhuận bút tương xứng với chất lượng của bài viết nếu bài viết của Quý đọc giả được chọn để đăng trên trang của chúng tôi. Xin cám ơn!