Chuyên gia nhận định ngành xuất bản trong nước thiếu chiến lược phát triển bền vững, không có cơ chế đầu tư, cơ sở vật chất xuống cấp, nhân lực giảm.
Ông Phạm Trần Long, giám đốc, tổng biên tập Nhà xuất bản Thế giới nêu ý kiến tại hội thảo khoa học Hoàn thiện cơ chế chính sách, hỗ trợ hoạt động xuất bản và lấy ý kiến về sửa đổi, bổ sung Luật xuất bản, ngày 19/8 tại Hà Nội. Ông nhận thấy ngành có sự chuyển mình để thích ứng hoàn cảnh, hướng đến tính chuyên nghiệp, song những thành quả thời gian qua chỉ là nỗ lực ”tự phát” của một số đơn vị xuất bản có tiềm lực.
”Hoạt động xuất bản thiếu chiều sâu, doanh thu thấp, còn để xảy ra sai phạm bởi sự lệ thuộc vào đối tác liên kết”, ông Long nói.
Luật Xuất bản hiện hành quy định các đơn vị trong ngành được tổ chức và hoạt động theo hai loại hình: Đơn vị sự nghiệp công lập hoặc doanh nghiệp kinh doanh có điều kiện do Nhà nước là chủ sở hữu. Tuy nhiên, chưa có chính sách chung để mọi nhà xuất bản đều được hưởng cơ chế hợp lý.
Ông Phạm Trần Long chỉ ra hiện nay một số cơ quan chức năng cho rằng hoạt động xuất bản là sản xuất kinh doanh thuần túy nên phải tự trang trải mọi chi phí. Vì vậy, những chính sách liên quan tiền thuê đất, thuê nhà hay một số khoản thuế không được áp dụng mức ưu đãi, giảm trừ theo đúng vị trí, vai trò, nhiệm vụ ngành. ”Với hầu hết nhà xuất bản, nguồn vốn là vấn đề khó khăn nhất”, giám đốc Nhà xuất bản Thế giới cho hay. Ông cho biết đơn vị của mình gặp nhiều thách thức khi phải cân đối chi thu, trong đó khoản hỗ trợ cước phí vận chuyển sách ra nước ngoài bị cắt giảm, gây không ít khó khăn.
Bàn về giải pháp, ông Phạm Trần Long đề xuất sớm có sự thống nhất về mô hình các nhà xuất bản, xây dựng cơ chế đặc thù đối với loại hình doanh nghiệp kinh doanh có điều kiện, như chính sách về giá thuê nhà, đất, trụ sở, chi phí xuất bản, đào tạo nguồn nhân lực.
Một vấn đề khác được đặt ra tại hội thảo là việc áp dụng thế mạnh của công cuộc chuyển đổi số vào hoạt động xuất bản, in, phát hành. Trong tham luận, ông Trần Chí Đạt – Giám đốc, tổng biên tập Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông – nhấn mạnh cần hoàn thiện chính sách tài chính hỗ trợ, tạo môi trường thúc đẩy chuyển đổi số lĩnh vực xuất bản.
Theo đó, chính sách chi ngân sách nhà nước cho hoạt động xuất bản cần ưu tiên, do đây là lĩnh vực thuộc văn hóa tư tưởng, sản phẩm không có nhiều lợi nhuận, ít nhân lực về công nghệ. Nguồn ngân sách này cần tập trung đầu tư xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật, tạo điều kiện cho chuyển đổi số, hỗ trợ kinh phí xây dựng chiến lược tổng thể về đào tạo nhân lực số, ứng dụng AI, tham gia các chương trình đào tạo ở trong và ngoài nước. Chính sách ưu đãi miễn, giảm thuế, phí nên được tiếp tục xây dựng, thúc đẩy những đơn vị xuất bản chuyển đổi số.
Nghiên cứu, ứng dụng nền tảng số để đẩy lùi tình trạng sách lậu, sách giả, đặc biệt là vi phạm bản quyền trong xuất bản phẩm điện tử cũng cần được quan tâm là ý kiến của Nhà xuất bản Trẻ. Đơn vị cũng đề xuất ứng dụng chuyển đổi số để đẩy nhanh việc giải quyết các thủ tục hành chính trong xuất bản, in, phát hành.
Về lĩnh vực in, ông Nguyễn Văn Dòng – chủ tịch Hiệp hội In Việt Nam cho rằng kết luận việc đẩy mạnh xã hội hóa nguồn lực, chính sách mở cửa, hội nhập của Việt Nam tạo điều kiện để ngành công nghiệp này phát triển nhanh chóng. Tuy nhiên, các doanh nghiệp trong nước nên đổi mới phương thức quản lý, nâng cao năng suất lao động. Một số thể chế cần cải cách, sửa đổi, bổ sung để ngành đạt những thành tựu vững chắc hơn.
Ông Nguyễn Thanh Lâm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đồng tình các quan điểm, nêu ý kiến chỉnh sửa một số thông tư về xuất bản, bao gồm điều chỉnh thuế cho thiết bị in ấn nhập khẩu, thúc đẩy hợp tác quốc tế, khuyến khích các doanh nghiệp ngoài ngành xuất bản tham gia. Bên cạnh đó, cần siết chặt cơ chế xử phạt sách lậu, đảm bảo quyền lợi những bên có liên quan.
Hội thảo khoa học do ông Phan Xuân Thủy – phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, ông Nguyễn Thanh Lâm – Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, ông Nguyễn Nguyên – Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành đồng chủ trì. Sự kiện tổ chức cả hình thức trực tuyến, nhận 15 tham luận của các chuyên gia, nhà xuất bản, trao đổi những vấn đề lớn như giá mô hình nhà xuất bản, chính sách ưu đãi phù hợp với đặc thù, phát triển nguồn nhân lực và nâng cao chất lượng đội ngũ lãnh đạo của đơn vị xuất bản trong tình hình mới.
Phương Linh
Thông báo: Baoangiang.com rất mong nhận được sự đóng góp ý kiến cũng như bài vở của bạn đọc gần xa. Quý bạn đọc có tin bài muốn cộng tác xin gửi về địa chỉ email: [email protected] hoặc zalo: 0909090909.
Chúng tôi sẽ có nhuận bút tương xứng với chất lượng của bài viết nếu bài viết của Quý đọc giả được chọn để đăng trên trang của chúng tôi. Xin cám ơn!