Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm các nội dung đăng trên websites, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "Baoangiang.com". (Ví dụ: "tin tức hôm nay" Baoangiang.com). Tìm kiếm ngay
11 lượt xem

Người phụ nữ xuất khẩu bánh chưng sang Mỹ

Quảng NamTừng bị hoài nghi làm bánh chưng với chi phí lớn, giá gấp ba lần ngoài chợ sẽ ế khách, nhưng cuối cùng chị Thủy đã xuất bánh qua Mỹ.

Sau 5 năm gây dựng, chị Huỳnh Thị Thu Thủy, 43 tuổi, trú phường Tân Thạnh, TP Tam Kỳ sở hữu nhà máy sản xuất bánh chưng rộng 1.000 m2 nằm bên quốc 1, xã Tam Xuân 1, huyện Núi Thành với tổng vốn đầu tư 22 tỷ đồng. Quy trình sản xuất, máy móc, thiết bị đạt chứng nhận HACCP, ISO, FDA và các tiêu chuẩn của thị trường châu Âu.





Chị Huỳnh Thị Thu Thủy. Ảnh: Đắc Thành

Chị Huỳnh Thị Thu Thủy. Ảnh: Đắc Thành

Xuất thân trong gia đình ba đời làm bánh chưng, chị Thủy được truyền nghề từ bà nội và mẹ là bà Phạm Thị Hội (tên thường gọi bà Ba Hội). Từ nhỏ sau thời gian cắp sách đến trường, về nhà chị giúp mẹ gói bánh chưng. Bánh của bà Ba Hội nổi tiếng ở Quảng Nam, bán khắp các chợ, nhiều nhất là dịp Tết.

Sau khi tốt nghiệp ngành Sử, Đại học Sư phạm Huế, chị Thủy làm việc ở nhiều cơ quan nhà nước và vẫn duy trì nghề gói bánh chưng. Chị nhận thấy trước đây mỗi dịp Tết mọi người quây quần ngồi gói, nấu bánh chưng, nhưng nay bị mai một. Giới trẻ ít người biết làm, mỗi khi cần sẽ mua về. Bánh chưng ngoài sử dụng ngày Tết còn dùng trong bữa ăn hàng ngày, dịp cưới hỏi, ma chay.

Bánh chưng của gia đình cũng như trên thị trường không có nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ nên chưa vào được các siêu thị. Chị Thủy suy nghĩ nếu đáp ứng được các tiêu chuẩn, ngoài bán lẻ, bánh chưng còn đi vào siêu thị, xuất khẩu ra nước ngoài, nơi có nhiều người Việt Nam sinh sống.

Sau 6 năm lên ý tưởng, tìm kiếm nguồn nguyên liệu và cách làm của gia đình, chị Thủy đầu tư máy móc mở cơ sở sản xuất bánh truyền thống ở phường Tân Thạnh, đặt tên sản phẩm Bánh chưng bà Ba Hội. Bánh có nhãn mác ghi xuất xứ, thành phần, chất lượng, khác với bánh mẹ chị làm không nhãn mác. “Tôi muốn giữ nghề truyền thống và bản sắc văn hóa ẩm thực của người Việt. Loại bánh làm ra hoàn toàn sử dụng nguyên liệu sẵn có của xứ Quảng Nam”, chị nói.





Bốn nhân viên đang gói bánh chưng. Ảnh: Đắc Thành

Bốn nhân viên đang gói bánh chưng. Ảnh: Đắc Thành

Để có nguồn gạo nếp ngon, chị liên kết với hợp tác xã Tam Mỹ Tây, huyện Núi Thành chuyên sản xuất nếp bầu. Loại nếp này là đặc sản của Quảng Nam, hạt dẻo và thơm, là sản phẩm OCOP ba sao. Chị cũng đặt hàng tiêu Tiên Phước, lợn được nuôi bằng thảo dược, đều là sản vật của quê hương. Để bánh chưng có màu xanh, chị chế biến từ nước cốt rau ngót, lá dong tự trồng.

Bánh chưng bà Ba Hội được gói với tỷ lệ 50% nếp, 50% nhân gồm thịt heo ba chỉ và đậu xanh. Gạo nếp được trộn với nước cốt rau ngót tạo màu xanh bắt mắt, nhân được ướp với tỷ lệ muối, mì chính, tiêu, hành theo công thức gia truyền.

Sau khi nấu chín, bánh có màu xanh đẹp bao bọc khối nhân thịt và đậu xanh mềm, thơm, béo ngậy. Sản phẩm sau đó được bọc trong túi nylon, hút chân không, có thể sử dụng trong 60 ngày. “Thời gian sử dụng kéo dài đảm bảo cho việc vận chuyển ra nước ngoài. Bánh được đánh giá khác hoàn toàn với bánh bán ngoài chợ vì sử dụng nguồn nguyên liệu đặc sản”, chị Thủy chia sẻ.

Mỗi chiếc bánh nặng 0,8 kg giá 55.000-80.000 đồng, so với bán ngoài chợ đắt gấp 3 lần. “Nhiều người nói tôi sẽ thất bại vì bánh ngoài chợ giá rẻ hơn nhiều. Họ khuyên tôi dừng lại, làm gì cho cực khổ”, chị kể.

Để chào hàng, chị làm ra những loại bánh nhỏ biếu tặng, đưa vào các gian hàng ẩm thực miễn phí. Hết thời gian công sở, chị lại tập trung tìm đường ra cho bánh. Sau hai năm chịu lỗ, khách hàng đã biết đến bánh chưng bà Ba Hội cải tiến. Siêu thị bắt đầu tiêu thụ bánh, người mua lẻ tăng lên từng ngày.





Bánh nặng 0,8 kg được hút chân không, bán giá 80.000 đồng cái. Ảnh: Đắc Thành

Bánh nặng 0,8 kg được hút chân không, bán 80.000 đồng/chiếc. Ảnh: Đắc Thành

Thị trường trong nước có chỗ đứng, năm 2021 chị thành lập Hợp tác xã chế biến nông sản thực phẩm bà Ba Hội với vốn điều lệ một tỷ đồng. Tiếng lành đồn xa, năm 2023 một đối tác tại TP HCM chuyên phân phối các mặt hàng đặc sản vùng miền ở Việt Nam qua bán tại Mỹ theo đường chính ngạch tìm đến bà Ba Hội.

“Để đạt tiêu chuẩn xuất khẩu và an toàn tuyệt đối, tôi đầu tư dây chuyền, công nghệ và quy trình chất lượng nghiêm ngặt theo chuẩn FDA của Mỹ”, chị Thủy nói. Sau ba tháng làm việc, hợp đồng được ký kết, lô hàng đầu tiên với 32.000 bánh chưng xuất sang Mỹ. Gần đây nhất, tháng 9/2024, lô hàng 50.000 bánh qua Mỹ, giá bán cao gấp ba lần so với trong nước.

Bánh chưng bà Ba Hội của chị Thủy đã đạt phẩm OCOP bốn sao tỉnh Quảng Nam năm 2020. Bình quân mỗi năm, hợp tác sản xuất khoảng 70.000 bánh, doanh thu 6 tỷ đồng mỗi năm, tạo công ăn việc làm cho 55 người, thu nhập 7,5 triệu đồng tháng. Sắp tới chị liên kết mở nguồn nguyên liệu nếp bầu để tăng công suất bánh xuất qua châu Âu và nhiều nước khác tại châu Á. Ngoài bánh chưng, hợp tác xã chế biến cá nục rim, mì Quảng ếch, cá bống rim xuất qua Mỹ.

Ông Phạm Ngọc Sinh, Phó giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Quảng Nam, Trưởng ban điều hành khởi nghiệp sáng tạo tỉnh Quảng Nam, đánh giá bánh chưng bà Ba Hội là sản phẩm tiêu biểu của tỉnh. Chị Thủy đã sáng tạo từ tài nguyên văn hóa, bản địa, biến cái cũ thành cái mới. Chặng đường khởi nghiệp luôn khó khăn, nhưng bánh chưng bà Ba Hội đã vượt qua và thành công.


Đắc Thành

Thông báo: Baoangiang.com rất mong nhận được sự đóng góp ý kiến cũng như bài vở của bạn đọc gần xa. Quý bạn đọc có tin bài muốn cộng tác xin gửi về địa chỉ email: [email protected] hoặc zalo: 0909090909.

Chúng tôi sẽ có nhuận bút tương xứng với chất lượng của bài viết nếu bài viết của Quý đọc giả được chọn để đăng trên trang của chúng tôi. Xin cám ơn!

Bài viết mới cập nhật: