Thấy trời tối sầm, gió mạnh và mưa bắt đầu rơi lúc 15h chiều 6/9, Thu Minh xin về sớm để tránh bão nhưng không ngờ mất hơn ba tiếng cho quãng đường chưa đến 4 km.
Cô gái 25 tuổi ở quận Cầu Giấy nói vừa rời khỏi công ty 5 phút, gió thổi mạnh khiến cô và xe máy chao đảo, buộc phải trú tại một trạm xe buýt.
Đến 16h, mưa và gió ngớt Minh tiếp tục di chuyển. Ngày thường, đường từ công ty cô ở quận Nam Từ Liêm về quận Cầu Giấy khoảng 15 phút nếu tắc chỉ mất 30 phút nhưng hôm nay mất hơn nửa tiếng cô mới chỉ đi được gần 200 m.
Để qua được một ngã tư, Thu Minh phải chờ không dưới 10 lần đèn đỏ. Muốn “trèo” lên vỉa hè để thoát tắc đường cũng không thể vì tứ phía đều là ôtô. Hết cách, Minh đành nhích từng bước trên đường.
“Phía dưới dòng người nhích từng cm, phía trên thì cây cối rung lắc bởi gió lớn, tôi chỉ sợ bị cây đổ vào người. Chưa bao giờ tôi mắc kẹt trong dòng xe lâu đến như vậy”, Minh nói.
Tuấn Vũ, ở quận Cầu Giấy cũng mất hơn hai tiếng để đi hết đoạn đường 2 km từ công ty ở Vũ Phạm Hàm để về nhà ở Láng Hạ.
17h, chàng trai 26 tuổi tan làm. Bình thường, anh nán lại công ty chờ qua giờ tan tầm mới về để tránh tắc. Nay nghe tin bão đổ bộ, Vũ quyết định về đúng giờ để đảm bảo an toàn cũng như kịp mua đồ dự trữ. “Sốc khi thấy đường chật kín xe, dù đã chuẩn bị tâm lý trước nhưng tôi không ngờ đường lại đông và hỗn loạn tới vậy”, Vũ nói.
Anh cũng cho biết cả lòng đường và vỉa hè đều chật cứng các phương tiện khiến mình chỉ còn biết “thả trôi” theo dòng người. Tuy nhiên anh luôn cố gắng bám đường bên phải để tìm cơ hội rẽ khi đến ngã tư để về nhà.
Ghi nhận của phóng viên VnExpress từ 16h ngày 6/9 tại hầu hết các tuyến đường của quận Cầu Giấy, Ba Đình, Thanh Xuân, Đống Đa, Hoàn Kiếm, Nam Từ Liêm… đều ùn tắc nghiêm trọng. Nhiều tuyến đường lớn như Đê La Thành, Láng (quận Đống Đa), Nguyễn Chí Thanh (quận Ba Đình), Trần Duy Hưng, Nguyễn Chánh (quận Cầu Giấy), Vành đai 3 ùn tắc tắc kéo dài nhiều km. Xe ôtô, xe tải, xe buýt dàn hàng 4-5 trên đường, buộc xe máy, xe đạp và người đi bộ đều phải di chuyển trên vỉa hè.
Không chỉ người tham gia giao thông bằng các phương tiện ôtô, xe máy, nhiều hành khách đi xe buýt cho biết đã chờ đợi hàng tiếng đồng hồ vẫn không đón được xe, do ùn tắc kéo dài.
Khoảng 19h, tình trạng ùn tắc kéo dài chưa được cải thiện.
Nhà ở quận Hoàng Mai cách nơi làm việc khoảng 10 km, ngày thường Minh Chi chỉ mất khoảng 30 phút để đến công ty, nhưng nay đoạn tắc kéo dài từ đường Đào Tấn, Nguyễn Chí Thanh đến Vành đai 3, khiến gần 4 tiếng trôi qua, người phụ nữ 32 tuổi vẫn chưa thể về đến nhà.
Chị cho biết đã chủ động xin cấp trên tan làm từ lúc 16h để kịp đón con trai 6 tuổi đang đi học, dự định sẽ ghé qua chợ để mua ít đồ dự trữ về chống bão.
“Nhưng ngoài việc đón được con, tôi không thể làm gì thêm bởi tắc mọi nẻo. Dù cố gắng đi lối tắt, trèo cả lên vỉa hè nhưng đến 19h, hai mẹ con vẫn còn cách nhà hơn hai km, dự tính gần 8h tối mới về đến nhà”, chị Chi kể.
Không chỉ người đi làm, nhiều tài xế xe công nghệ, lái xe limousine các tuyến Hà Nội – Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Bình, Nam Định cho biết ùn tắc kéo dài tại các đường trong nội đô cho đến cửa ngõ của thành phố, từ sau cơn giông lúc 15h. Không ít tài xế công nghệ buộc phải tắt app, không nhận chuyến vì tắc đường.
Anh Hải Nam, lái xe khách tuyến Hải Phòng – Hà Nội, nói do ùn tắc kéo dài khiến các xe đưa đón khách tại nhiều quận trung tâm đều phải tạm dừng. Khách đi xe buộc phải tự ra bến.
“Nhưng bắt xe ra bến nào đã thoát được tắc bởi các đường ra cầu Nhật Tân, Thanh Trì, Vĩnh Tuy được báo tắc dài hàng km. Cứ như vậy thì 3-4 tiếng cũng chưa thoát được khỏi thành phố”, anh Nam nói.
Còn với Thu Minh, sau hơn 3 tiếng “bò” trên quãng đường dài 4 km, cô cũng đã về đến nhà. Người bạn cùng phòng gọi điện báo “không phải đợi cơm” bởi vẫn kẹt trong dòng người cách nơi ở hơn một km, nhưng chưa biết bao giờ mới thoát.
“Về nhà còn mệt mỏi và cực nhọc hơn đường về quê nghỉ lễ”, Minh tâm sự.
Quỳnh Nguyễn – Thanh Nga
Thông báo: Baoangiang.com rất mong nhận được sự đóng góp ý kiến cũng như bài vở của bạn đọc gần xa. Quý bạn đọc có tin bài muốn cộng tác xin gửi về địa chỉ email: [email protected] hoặc zalo: 0909090909.
Chúng tôi sẽ có nhuận bút tương xứng với chất lượng của bài viết nếu bài viết của Quý đọc giả được chọn để đăng trên trang của chúng tôi. Xin cám ơn!