Tối 27.12, “Ngày hội Du lịch – Văn hóa – Xúc tiến thương mại Lào – Việt 2024” chính thức khai mạc tại công viên Lê Văn Tám (Q.1, TP.HCM).
Đây là sự kiện kết nối, thể hiện mối quan hệ đặc biệt và lâu dài, được xây dựng trên nền tảng hữu nghị, đoàn kết, hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau giữa hai đất nước Việt Nam – Lào.
Các doanh nghiệp Lào và Việt Nam tham gia sự kiện với nhiều gian hàng về ẩm thực, đồ lưu niệm… giúp người dân và du khách có cơ hội khám phá nét đặc trưng của hai quốc gia.
Bà Kit (48 tuổi), ở tỉnh Champasak, Lào mang đến lễ hội nếp Lào, lạp xưởng, bò khô, đu đủ dài, chuối sấy, heo khô… Đây là những món người Lào ăn quanh năm, vị rất mềm và thơm.
“Tôi qua Việt Nam từ ngày 25.12 chuẩn bị thật kỹ các món ăn để giới thiệu với mọi người. Bò khô và heo khô chúng tôi dùng sợi dây cột từng miếng nhỏ và treo lên, thực khách rất thích”, bà Kit cho hay.
Người phụ nữ sinh ra và lớn lên ở Lào nhưng có ba mẹ là người Việt Nam. Đó cũng là lý do bà biết nói chút tiếng Việt, đủ giao tiếp với thực khách. Các món ăn được bày biện đẹp mắt, bà và con gái giới thiệu chi tiết cho những ai chưa biết đến.
“Nếp Lào, lạp xưởng… được nhiều người chọn mua. Tôi cũng hướng dẫn mọi người đồ xôi sao cho ngon, dẻo và thơm để ăn kèm với lạp xưởng. Tôi có ớt gia vị sẽ gửi tặng thực khách khi họ mua xôi ăn trực tiếp”, người phụ nữ chia sẻ.
Chị Souk (25 tuổi) cũng là người Lào có gian hàng tại lễ hội với các món đặc trưng của Lào. Không chỉ giới thiệu đến khách Việt Nam, chị còn biết nhiều thứ tiếng để giao tiếp với khách Trung Quốc và Hàn Quốc.
“Các món ăn được chúng tôi bày biện ở đây người Lào rất ưa chuộng. Khi bán hàng, tôi sẽ hướng dẫn mọi người cách chế biến để món ăn ngon nhất”, chị Souk nói.
Clip đa dạng các sản phẩm tại ngày hội Du lịch – Văn hóa – Xúc tiến thương mại Lào – Việt
Bà Dương Thị Nghiêm (65 tuổi, ở Q.1) sau khi mua món xôi nếp Lào đã thưởng thức ngay tại lễ hội. Đây là lần đầu tiên bà ăn món Lào vì chưa từng đặt chân đến nước bạn hay mua ở Việt Nam.
“Tôi bán mực rim me ở Vũng Tàu tại lễ hội này nhưng vì biết có gian hàng ẩm thực Lào nên tranh thủ qua xem. Món xôi dẻo và ngon, chấm thêm loại gia vị cay cay rất hợp. Tối nay tôi đã ăn cơm rồi nhưng vì xôi quá ngon nên vẫn ăn thêm. Nhiều người mua gà nướng cũng được người bán tặng thêm xôi”, bà Nghiêm nói.
Bà Bình (70 tuổi) chia sẻ: “Nhà tôi cách lễ hội không xa nên hôm nay đến tham quan, trải nghiệm. Trước đây tôi đã từng ăn xôi Lào, rất ngon, không ngờ ở đây có bán nếp Lào nên tôi mua về nấu thử”.
Bên cạnh các gian hàng ẩm thực Lào, các nhà hàng, nghệ nhân bánh dân gian tiêu biểu 3 miền của Việt Nam sẽ quảng bá về ẩm thực Việt Nam đến du khách tham quan. Ngoài ra, sự kiện còn có sự tham gia của các doanh nghiệp, chủ thể OCOP có sản phẩm tiêu biểu Việt Nam, doanh nghiệp nhà hàng, khách sạn, điểm du lịch; chuyên gia, nhà nghiên cứu ẩm thực…
Sự kiện còn có không gian triển lãm về mối quan hệ hữu nghị 2 nước Việt – Lào, không gian giới thiệu về tổng lãnh sự quán Lào tại TP.HCM, không gian trưng bày trang phục Lào (do các bạn sinh viên Lào trình diễn), không gian giới thiệu họa tiết Naga (trên vải dệt thủ công Lào được UNESCO công nhận Di sản văn hóa phi vật thể) và khu vực trưng bày chung sản phẩm tiêu biểu Việt Lào, khu dân gian Việt Nam (các nghệ nhân tò he, ông đồ…).
Chị Lương Mỹ Nhân (21 tuổi) giới thiệu đặc sản bánh truyền thống miền Tây đến người dân và du khách. “Tôi có bánh khéo, bánh phồng tôm, bánh da lợn, bánh bò thốt nốt… Bà ngoại ở dưới quê tự tay làm những món này nên tôi mang lên bán để mọi người biết đến. Ai nấy đều thử các loại bánh trong đó bánh bò thốt nốt là một trong những loại được nhiều người lựa chọn nhất”.
Ông Nguyễn Bá Đạo (42 tuổi) có vợ là người Ê Đê nên ông mặc trang phục truyền thống đến lễ hội, giới thiệu hạt mắc ca rang củi thủ công. “Loại mắc ca này có hương vị khác biệt so với loại mắc ca sấy. Tôi là người đầu tiên của Việt Nam đưa mắc ca rang củi vào sản xuất từ năm 2015. Tôi bán với giá 170.000 đồng/500g và vui vì thị trường dần chấp nhận và người dân cũng thân thuộc hơn với sản phẩm này”, ông Đạo nói.
Thông báo: Baoangiang.com rất mong nhận được sự đóng góp ý kiến cũng như bài vở của bạn đọc gần xa. Quý bạn đọc có tin bài muốn cộng tác xin gửi về địa chỉ email: [email protected] hoặc zalo: 0909090909.
Chúng tôi sẽ có nhuận bút tương xứng với chất lượng của bài viết nếu bài viết của Quý đọc giả được chọn để đăng trên trang của chúng tôi. Xin cám ơn!