Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm các nội dung đăng trên websites, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "Baoangiang.com". (Ví dụ: "tin tức hôm nay" Baoangiang.com). Tìm kiếm ngay
22 lượt xem

Ngợp bài tập nhóm, tân sinh viên có học sai cách?

'Ngợp' bài tập nhóm, tân sinh viên có học sai cách? - Ảnh 1.

Quán cà phê có thể là nơi làm việc nhóm thú vị khi vừa chia sẻ công việc vừa thư giãn nói chuyện cùng nhau – Ảnh minh họa: K.S.

Nhập học gần một tháng, Nguyễn Hoàng Ân – tân sinh viên ngành văn học Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) – thừa nhận mình chưa hòa nhập được môi trường mới, nhất là hoạt động và làm bài tập nhóm.

Những người có khả năng làm việc nhóm tốt thường sẽ đi kèm kỹ năng trình bày ý kiến, thuyết trình, lắng nghe, có sự kiên nhẫn và khả năng thuyết phục người khác.

TS NGUYỄN HỒNG PHAN

Đủ kiểu bỡ ngỡ

Đang cùng lúc phải làm hai bài tập nhóm, Hoàng Ân cho biết khá áp lực mỗi khi được phân công vào nhóm. Nhiều việc cần làm, rồi deadline khiến cậu thấy như đang bị bào mòn sức khỏe tinh thần từng ngày. Thậm chí có khi trong lúc ngủ Ân cũng bị ám ảnh ảnh chuyện trễ deadline và bị các bạn trách.

Đã quen với kiểu có người cầm tay chỉ việc thời phổ thông nên Ân thấy lúng túng khi phải tự chu toàn nhiệm vụ mỗi khi làm bài thuyết trình của nhóm. Ân còn đi làm thêm nên luôn trong tình trạng quá tải.

“Mình đang trong trạng thái không thể cân bằng giữa học và làm thêm nên không tránh khỏi thiếu sót khi làm việc nhóm” – Ân nói.

Trong khi đó, tân sinh viên khoa báo chí và truyền thông Nguyễn Minh Quân nói dù tham gia một số hoạt động tại trường nên đỡ bỡ ngỡ song lại bị choáng ngợp với khối lượng kiến thức các môn học. Thầy cô thường chia sinh viên thành các nhóm và khó khăn của Quân bắt đầu khi ngẫu nhiên vào nhóm toàn người mới.

Không lạ làm việc nhóm nhưng môi trường đại học mới mẻ, bạn bè chưa quen nên Quân còn ngại ý kiến, đôi lúc nhóm làm việc không hiệu quả. Chưa kể chia nhóm ngẫu nhiên sẽ gặp tình huống nhiều bạn cùng thế mạnh cũng gây khó khi phân chia nhiệm vụ. Quân hay viết lách nay vào nhóm lại nhận nhiệm vụ edit và thiết kế nên cũng hơi sai sai!

“Nhưng mình không nản mà sẽ nỗ lực học hỏi biến điểm yếu thành thế mạnh của bản thân” – Quân tự tin.

Còn sinh viên Nguyễn Kiều My học ngành hệ thống quản lý thông tin Trường ĐH Kinh tế (ĐH Đà Nẵng) nói bản thân bị áp lực đồng trang lứa khi chung nhóm thấy ai cũng giỏi và năng nổ. My nói ai cũng đều có kinh nghiệm làm việc nhóm từ trước nên công việc trôi chảy nhưng lại hay cãi cọ vì “cái tôi của ai cũng cao và luôn cho mình là đúng, may mà đã chịu ngồi lại cùng nhau và chưa để mọi việc đi quá xa”.

Phải đoàn kết trước đã

Góc nhìn chuyên môn, TS Nguyễn Hồng Phan – phó trưởng khoa giáo dục Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) – cho rằng quan trọng nhất khi làm việc nhóm là đoàn kết. Việc vào một nhóm mới mà chưa biết năng lực mỗi người đến đâu thì việc có thể làm là mỗi bạn tự nhận thức vai trò của bản thân, tiếp đến phải đồng sức đồng lòng cùng cộng sự để hoàn thành mục tiêu chung.

“Mỗi thành viên cần tôn trọng và chấp nhận sự khác biệt của nhau mới có thể phát huy tối đa khả năng của mình khi cùng nhau hoàn thành nhiệm vụ. Nhóm phải có nguyên tắc và quy định chung rồi mọi người cứ thế mà làm” – ông Phan nói.

TS Hồng Phan gợi ý sinh viên nên chủ động tham gia câu lạc bộ, đội, nhóm sẽ giúp mỗi người có thêm cơ hội làm việc trong môi trường tập thể. Bởi kỹ năng làm việc nhóm không chỉ quan trọng trong học tập mà còn rất cần thiết khi các bạn đi làm sau này. “Làm việc chuyên nghiệp ngay lúc còn học giúp bạn dễ thích nghi và hoàn thành nhiệm vụ khi gia nhập thị trường lao động” – ông Phan chia sẻ.

Đại học đừng học đại!

“Làm sao để sinh viên không thấy chênh vênh trước môi trường mới và bớt loay hoay tìm cách học hiệu quả?” là câu hỏi được nhiều bạn quan tâm tại buổi chia sẻ “Đại học đừng học đại” mới đây tại Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM).

Các khách mời nói tân sinh viên thường mất định hướng do thiếu phương pháp học và phát triển kỹ năng mềm một cách hiệu quả. Trong đó thuyết trình là kỹ năng cần thiết vì giúp bạn trình bày lưu loát, thể hiện quan điểm rõ ràng, cho thấy bạn đang có khả năng kiểm soát bản thân cả trong suy nghĩ lẫn lời nói.

Điều quan trọng khác cần vượt qua nỗi sợ mà với nhiều sinh viên đôi khi chỉ là “nỗi sợ không tên”. Sinh viên ngành truyền thông đa phương tiện Nguyễn Trần Bảo Anh thổ lộ bạn rất sợ việc tìm kiếm đồng đội vào chung nhóm. Lời khuyên chính là phải đối mặt với nỗi sợ và tìm cách giải quyết vấn đề chứ không sống chung với nó, khi cần thiết hãy tìm người tư vấn để tự tin hơn.

Thông báo: Baoangiang.com rất mong nhận được sự đóng góp ý kiến cũng như bài vở của bạn đọc gần xa. Quý bạn đọc có tin bài muốn cộng tác xin gửi về địa chỉ email: [email protected] hoặc zalo: 0909090909.

Chúng tôi sẽ có nhuận bút tương xứng với chất lượng của bài viết nếu bài viết của Quý đọc giả được chọn để đăng trên trang của chúng tôi. Xin cám ơn!

Bài viết mới cập nhật: