Một số chuyên gia tin rằng biến đổi khí hậu là “thủ phạm”. Bà Jennifer Balch của Đại học Colorado nói các đám cháy “nhỏ, lớn và nhanh” đã bùng phát khắp miền tây nước Mỹ vài thập kỷ qua khi thế giới ấm lên.
Tháng 10/2024, bà đã công bố một nghiên cứu trên tạp chí Science, xem xét 60.000 vụ cháy kể từ năm 2001 và phát hiện những vụ cháy lan nhanh nhất đã tăng gấp đôi về tần suất kể từ năm 2001, gây ra nhiều thiệt hại hơn nhiều so với các vụ cháy chậm hơn và lớn hơn. “Các vụ cháy đã trở nên nhanh hơn. Chúng tôi nghi ngờ thủ phạm lớn nhất là khí hậu ấm lên khiến việc phát cháy trở nên dễ dàng hơn lúc điều kiện thuận lợi”, bà nói.
Nhà khoa học về cháy của Cục Khảo sát Địa chất Mỹ Jon Keeley cho biết gió Santa Ana năm nay xuất hiện muộn hơn. Do đó, đây không phải là thời điểm bình thường. “Mối liên hệ rõ ràng giữa biến đổi khí hậu và mùa đông khô hạn”, ông nói.
Chuyên gia quản lý cháy rừng Lindon Pronto tại Viện Lâm nghiệp châu Âu, nhiệt độ trung bình của California tăng khoảng 1 độ C kể từ năm 1980, khiến số ngày có thảm thực vật khô dễ cháy tăng gấp đôi. Theo Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu, California trở nên khô và nóng hơn, nên hạn hán và cháy rừng gia tăng.
“Biến đổi khí hậu, chủ yếu là do đốt nhiên liệu hóa thạch, đang làm tăng tần suất và mức độ nghiêm trọng của cháy rừng không chỉ ở California mà còn trên toàn thế giới”, Hội đồng Tài nguyên Không khí California tuyên bố.
Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng một số khu vực của Texas, California, Oregon và Washington có điều kiện thời tiết dễ cháy rừng thường xuyên tăng gấp đôi so với năm 1973. Mùa đông khô hơn, mùa xuân đến sớm và ít tuyết tan cũng được cho là do nhiệt độ tăng và có thể làm trầm trọng thêm tình trạng cháy rừng.
Greg Mullins, thành viên Hội đồng Khí hậu (Australia), cựu lính cứu hỏa 50 năm làm việc tại New South Wales tin rằng biến đổi khí hậu đã thay đổi mùa cháy rừng trên toàn thế giới. “Những nơi như Australia và California vốn luôn cháy rừng và đang cháy nhiều hơn, kéo dài hơn”, ông nói.
Phân tích trên The Guardian, nhà khí tượng học người Mỹ Eric Holthaus cho rằng khí nhà kính mà con người thải ra đang thúc đẩy cuộc khủng hoảng khí hậu và khiến các đám cháy lớn trở nên phổ biến hơn ở California.
Khi bầu khí quyển ấm lên, không khí nóng hơn sẽ làm bốc hơi nước và làm hạn hán trầm trọng hơn, nhanh hơn. Trong khi đó, băng ở Bắc Cực tan chảy tạo ra những thay đổi trong dòng khí quyển jet stream (dòng tia) – dòng không khí di chuyển các hệ thống thời tiết trên toàn cầu – yếu tố góp phần nên gió Santa Ana.
Chính vì thế, các nghiên cứu gần đây đã phát hiện ra rằng gió Santa Ana có thể ít thường xuyên hơn nhưng dữ dội hơn vào những tháng mùa đông do cuộc khủng hoảng khí hậu.
Câu trả lời phức tạp hơn là những đám cháy này là ví dụ đặc biệt nghiêm trọng về điều mà các nhà khoa học khí hậu đã cảnh báo trong nhiều thập kỷ: thảm họa khí hậu kép, khi chúng xảy ra đồng thời, gây ra nhiều thiệt hại hơn so với khi xảy ra riêng lẻ, theo Eric Holthaus.
Tuần trước, khi cháy rừng hoành hành ở California, Thượng nghị sĩ Bernie Sanders lặp lại tuyên bố “biến đổi khí hậu là có thật” và Tổng thống đắc cử Trump phải giải quyết “cuộc khủng hoảng hiện sinh”.
Tuy nhiên, một số chuyên gia và chính trị khác phủ nhận. Mike Solana, Tổng biên tập nền tảng truyền thông Pirate Wires chế giễu Bernie Sanders và cho rằng mọi chính trị gia ở California chịu trách nhiệm cho thất bại thảm hại trong việc chuẩn bị cho ứng phó với vụ cháy.
Nhà bình luận và tác giả bảo thủ Justin Haskins, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu chủ nghĩa xã hội tại Viện Heartland, lưu ý rằng “các vụ cháy rừng, bao gồm cả những vụ lớn hơn thế này, đã xảy ra ở California từ lâu”.
Phía chuyên gia, nhà khoa học khí hậu Daniel Swain thuộc Viện Tài nguyên Nước California nói chưa có mối liên hệ chắc chắn nào giữa gió Santa Ana với biến đổi khí hậu do con người gây ra.
Tỷ phú Elon Musk nhận định nguy cơ biến đổi khí hậu là có thật nhưng chậm hơn nhiều so với tuyên bố của những người theo chủ nghĩa báo động. “Nguyên nhân chính dẫn đến mất mát nhà cửa nghiêm trọng ở Los Angeles là: quy định quá mức vô lý đã ngăn cản việc tạo ra các rào chắn lửa và dọn sạch bụi rậm; quản lý yếu kém ở cấp bang và địa phương dẫn đến tình trạng thiếu nước”, Musk chỉ ra.
Phiên An (theo ABC, Euronews, The Guardian, Foxnews)
Thông báo: Baoangiang.com rất mong nhận được sự đóng góp ý kiến cũng như bài vở của bạn đọc gần xa. Quý bạn đọc có tin bài muốn cộng tác xin gửi về địa chỉ email: [email protected] hoặc zalo: 0909090909.
Chúng tôi sẽ có nhuận bút tương xứng với chất lượng của bài viết nếu bài viết của Quý đọc giả được chọn để đăng trên trang của chúng tôi. Xin cám ơn!