Trên trang New Scientist, bà Lara Aknin – từ Đại học Simon Fraser ở Burnaby (Canada) – cho biết không phải mọi người không thích kết nối lại với bạn bè lâu ngày “quên” liên lạc, họ chỉ ngại không biết khi liên lạc lại có “kỳ cục” không? Do đó không muốn làm người đứng ra bắt chuyện.
Cùng với bà Gillian Sandstrom từ Đại học Sussex (Anh), bà Lara Aknin đã thực hiện một loạt khảo sát trực tuyến với hơn 2.500 người, chủ yếu là sinh viên đại học và thanh niên ở Canada và Anh.
Kết quả, 91% người tham gia cho biết đã bỏ quên liên lạc với một vài người bạn nào đó và họ sẽ rất vui khi được một người bạn đã mất liên lạc từ lâu bỗng dưng liên hệ lại với mình, nhưng lại không sẵn lòng kết nối trước.
Thậm chí dù muốn liên hệ với một người bạn cũ và có thời gian rảnh rang, chưa đến 1/3 số người tham gia khảo sát đã thực sự gửi tin nhắn cho người bạn đó. Phần lớn sẽ muốn nghe tin từ người bạn này qua một bên thứ 3 hơn là tự bắt chuyện.
Robin Dunbar – từ Đại học Oxford (Anh), người không tham gia vào nghiên cứu – nói tình bạn dựa trên việc chia sẻ 7 “trụ cột”: ngôn ngữ hoặc phương ngữ, quê quán, nghề nghiệp, sở thích, thế giới quan, thị hiếu âm nhạc và khiếu hài hước.
Ông nói: “Khi ở gần bên bạn bè, chúng ta có xu hướng hội tụ những yếu tố trên, nhưng nếu không gặp họ trong một thời gian dài, chúng ta sẽ ngày càng xa nhau xét trên 7 trụ cột đó”.
Để giúp mọi người vượt e ngại khi nối lại liên lạc với bạn cũ, Aknin và Sandstrom làm một số thử nghiệm và tìm ra bí quyết hiệu quả nhất.
Nhóm yêu cầu 101 tình nguyện viên trước khi nhắn tin bắt liên lạc lại với bạn A dành 3 phút nhắn tin cho B – một người mà họ vẫn nhắn tin thường xuyên. Sau đó dành thêm 2 phút soạn tin nhắn cho A.
Theo Aknin, 2/3 số tình nguyện viên làm theo cách trên đã thành công khi liên lạc lại với bạn cũ.
Aknin lý giải việc nhắn tin trước cho một người bạn quen cho phép chúng ta có thêm động lực và ý tưởng trước khi nhắn tin kết nối lại với bạn cũ lâu ngày không nói chuyện. Giống như bạn có thời gian tập luyện trước khi bước vào một trận đấu chính thức.
“Nhiều người đã rất vui vì có thể kết nối lại với bạn bè. Hy vọng mọi người sẽ có thêm một phương pháp hiệu quả”, Aknin nói.
Thông báo: Baoangiang.com rất mong nhận được sự đóng góp ý kiến cũng như bài vở của bạn đọc gần xa. Quý bạn đọc có tin bài muốn cộng tác xin gửi về địa chỉ email: [email protected] hoặc zalo: 0909090909.
Chúng tôi sẽ có nhuận bút tương xứng với chất lượng của bài viết nếu bài viết của Quý đọc giả được chọn để đăng trên trang của chúng tôi. Xin cám ơn!