Ngân hàng Trung ương Nga hôm nay nâng lãi suất lần thứ hai trong năm, do áp lực lạm phát.
Ngân hàng Trung ương Nga cho biết lãi suất tham chiếu sẽ được nâng từ 18% lên 19%, khi nhu cầu hàng hóa – dịch vụ nội địa vẫn đang vượt quá khả năng cung ứng của nền kinh tế. Lạm phát năm nay có thể vượt dự báo hồi tháng 7 là 6,5-7%. Tháng trước, chỉ số giá tiêu dùng nước này tăng 9,1% so với cùng kỳ năm ngoái – gấp đôi mục tiêu 4% của chính phủ.
“Thắt chặt tiền tệ thêm nữa là cần thiết để tái khởi động quá trình hạ nhiệt lạm phát, nhằm đảm bảo lạm phát quay về mục tiêu vào năm sau”, Ngân hàng Trung ương Nga cho biết.
Đây là lần thứ hai trong năm, cơ quan này nâng lãi suất. Hồi tháng 7, họ tăng lãi thêm 200 điểm cơ bản (2%). Nửa cuối năm ngoái, Nga nâng lãi 5 lần, từ 7,5% lên 18%.
Lãi suất tham chiếu của Nga đang ở mức cao nhất kể từ tháng 4/2022. Trước đó, nước này từng tăng lãi suất lên 20% ngay sau khi xung đột Ukraine nổ ra tháng 2/2022.
Ngân hàng trung ương Nga cho biết họ có thể tiếp tục tăng lãi trong phiên họp tháng 10. Nguyên nhân là sức ép lạm phát “vẫn cao và chưa có dấu hiệu giảm”.
Trong cuộc họp báo hôm nay, khi được hỏi liệu lãi suất có khả năng lên 20% hoặc hơn, Thống đốc Elvira Nabiullina cho biết họ “sẵn sàng đưa ra quyết định cần thiết để kéo lạm phát về 4%”. Trích số liệu GDP quý II và các chỉ số kinh tế khác trong tháng 7 và 8, Ngân hàng Trung ương Nga đánh giá tăng trưởng “đang chậm lại”.
Nguồn cung hạn chế và nhu cầu bên ngoài giảm khiến tốc độ tăng trưởng đi xuống. Dù vậy, tiêu dùng trong nước vẫn cao do thu nhập hộ gia đình tăng và tỷ lệ thất nghiệp hiện ở mức thấp kỷ lục.
Năm ngoái, GDP Nga tăng 3,6%. Đầu tháng này, Bộ Phát triển Kinh tế Nga nâng dự báo tăng trưởng năm nay lên 3,9%, từ mức ước tính 2,8% hồi tháng 4. Ngân hàng Thế giới (WB) gần đây cũng nâng dự báo tăng trưởng kinh tế Nga, với 2,9% năm nay và 1,4% năm 2025.
Các dự báo trên đi ngược với mục tiêu của phương Tây là giáng đòn lên kinh tế Nga sau chiến sự tại Ukraine. Nga cho biết lệnh trừng phạt của phương Tây lên các ngành kinh tế chủ chốt chỉ giúp nước này tự chủ hơn. Xuất khẩu hàng hóa và dầu thô sang các nước như Ấn Độ và Trung Quốc, trong bối cảnh giá dầu cao, cũng giúp chính phủ Nga duy trì nguồn thu dồi dào.
Hà Thu (theo RT, Reuters)
Thông báo: Baoangiang.com rất mong nhận được sự đóng góp ý kiến cũng như bài vở của bạn đọc gần xa. Quý bạn đọc có tin bài muốn cộng tác xin gửi về địa chỉ email: [email protected] hoặc zalo: 0909090909.
Chúng tôi sẽ có nhuận bút tương xứng với chất lượng của bài viết nếu bài viết của Quý đọc giả được chọn để đăng trên trang của chúng tôi. Xin cám ơn!