Để lựa chọn và sử dụng tỏi tốt hơn, nên hiểu rõ sự khác biệt giữa tỏi vỏ tím và tỏi vỏ trắng.
Thứ nhất, về mùi vị, tỏi vỏ trắng có độ ẩm cao hơn, độ cay khá nhẹ nên phù hợp với những người không thích vị quá hăng. Bởi vậy, tỏi vỏ trắng thích hợp hơn khi ăn sống, không chỉ làm tăng cảm giác ngon miệng mà còn đem lại sự sảng khoái.
Ngược lại, tỏi vỏ tím có độ ẩm thấp và vị khô hơn. Vị cay của loại tỏi này giúp cho món ăn dậy mùi rõ rệt hơn so với tỏi vỏ trắng, thích hợp dùng để xào nấu. Ngoài ra, tỏi vỏ tím còn giúp kháng khuẩn, chống viêm.
Thứ hai, về giá trị dinh dưỡng. Mặc dù cả tỏi vỏ trắng và tỏi vỏ tím đều giàu chất dinh dưỡng như protein, chất béo, carbohydrate, vitamin và khoáng chất nhưng tỏi vỏ tím lại nhỉnh hơn về hàm lượng anthocyanin, có khả năng chống oxy hóa mạnh và giúp bảo vệ tế bào khỏi tổn thương bởi các gốc tự do.
Ngoài ra, tỏi vỏ tím còn chứa capsaicin gọi là “propylene sulfide”, tác dụng tiêu diệt vi khuẩn gây bệnh và ký sinh trùng, có thể ngăn ngừa cảm lạnh và giảm các triệu chứng như sốt, ho, đau họng và nghẹt mũi.
Mặc dù tỏi có nhiều lợi ích nhưng nên tránh tiêu thụ quá nhiều chất allicin trong tỏi sống bởi sẽ gây kích ứng đường tiêu hóa như đầy hơi, tiêu chảy và hôi miệng.
Cách lựa chọn tỏi ngon
Kiểm tra đầu củ tỏi
Tỏi mua về cơ bản là tương đối khô, bên ngoài được bọc nhiều lớp vỏ nên khó nhìn thấy chất lượng bên trong. Để phân biệt tỏi non hay già có thể kiểm tra tại điểm nối ở đầu củ tỏi- mặt cắt khi thu hoạch tỏi tươi, bằng lỗ hở và số lớp vỏ bao quanh cuống.
Nếu mặt cắt có nhiều lớp vỏ, không có lỗ hở thì chứng tỏ củ tỏi đó được thu hoạch sớm, chưa đủ chín, mùi vị vì thế sẽ kém thơm ngon hơn. Ngược lại nếu lớp vỏ mỏng là tỏi đạt đủ độ già, giá trị dinh dưỡng và mùi vị đã ở mức tốt nhất.
Quan sát rễ tỏi
Để biết củ tỏi ngon hay không cần chú ý thêm phần rễ. Với những loại tỏi còn rễ, chất lượng thường tốt hơn bởi bộ rễ sẽ giúp duy trì độ ẩm, dưỡng chất vì thế không bị mất đi. Nếu tỏi bị cắt trơ trụi bộ rễ, nước trong tỏi sẽ mất đi nhanh chóng, gây khó khăn trong việc bảo quản bởi tép tỏi dễ bị teo mềm.
Ngoài ra, tỏi có rễ cũng dễ bảo quản hơn tỏi bị cắt rễ trơ trụi.
Kiểm tra tỏi bằng tay
Cách kiểm tra dễ dàng nhất để biết tỏi ngon hay không chính là dùng tay bóp nhẹ vào củ tỏi. Thông thường, tỏi còn tươi sẽ có độ cứng, còn tỏi cũ sẽ mềm hơn thậm chí móp méo rõ ràng. Tỏi bị móp méo hay mềm nghĩa là nước và chất dinh dưỡng đã mất, hương vị không còn thơm ngon, thậm chí thối rữa. Nên tránh mua loại tỏi này.
Kiểm tra mầm tỏi
Tỏi dễ mọc mầm khi để chúng ở nơi có nhiều độ ẩm và ánh sáng. Lúc này, những chồi xanh sẽ nhô ra khỏi củ để tạo thành cây.
Do củ tỏi đã bị cây hút đi ít nhiều dinh dưỡng, nên vị nồng và độ giòn của chúng có thể giảm khá nhiều so với lúc đầu. Mầm tỏi cũng thường có vị đắng, do vậy cần cân nhắc khi giữ lại phần này để chế biến món ăn.
Ngoài ra, khi quan sát bên ngoài củ tỏi đã mọc mầm, nếu thấy ruột tỏi chuyển sang màu xanh lục thì nên vứt bỏ bởi có thể tỏi đã bị nấm mốc tấn công.
Kiểm tra độ nguyên vẹn
Tỏi chỉ tươi ngon khi còn hình dạng nguyên vẹn, hoàn chỉnh. Nếu trên củ tỏi xuất hiện những vết nứt hoặc có màu đen, vết lõm… chứng tỏ nó đã bắt đầu hư hỏng. Nên chọn những củ căng tròn, còn nguyên vẹn với lớp vỏ ngoài hoàn chỉnh, không vết nứt. Khi đó tỏi mới giữ được độ tươi ngon và chất dinh dưỡng hoàn chỉnh nhất.
Trang Vy (Theo sohu)
Thông báo: Baoangiang.com rất mong nhận được sự đóng góp ý kiến cũng như bài vở của bạn đọc gần xa. Quý bạn đọc có tin bài muốn cộng tác xin gửi về địa chỉ email: [email protected] hoặc zalo: 0909090909.
Chúng tôi sẽ có nhuận bút tương xứng với chất lượng của bài viết nếu bài viết của Quý đọc giả được chọn để đăng trên trang của chúng tôi. Xin cám ơn!