Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm các nội dung đăng trên websites, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "Baoangiang.com". (Ví dụ: "tin tức hôm nay" Baoangiang.com). Tìm kiếm ngay
76 lượt xem

Mua vàng bình ổn coi vậy mà vẫn khó

Các chuyên gia kiến nghị nên tăng nguồn cung và mở rộng điểm bán vàng - Ảnh: PHƯƠNG QUYÊN

Các chuyên gia kiến nghị nên tăng nguồn cung và mở rộng điểm bán vàng – Ảnh: PHƯƠNG QUYÊN

Các ngân hàng đều giới hạn khách hàng được mua không quá 1 lượng vàng/lần. Đến nay, có ba ngân hàng bán vàng online là Vietcombank, Agribank và BIDV.

Người dân tiếp tục xếp hàng mua vàng

Nhiều khách hàng cho biết đã đăng ký mua vàng trực tuyến, nhưng hệ thống của một số ngân hàng đều thông báo “đã nhận đủ số lượng khách hàng đăng ký mua vàng miếng SJC của ngày hôm nay”.

Theo đại diện Agribank, chỉ trong khoảng 15 phút từ khi mở hệ thống cho khách hàng đăng ký (từ 9h), đã có hàng ngàn lượt truy cập của khách hàng. Cao điểm trong ngày, hệ thống ghi nhận hơn 50.000 lượt đăng nhập cùng lúc của khách hàng đăng ký mua vàng miếng SJC.

“Trong ngày đầu tiên vận hành, hệ thống ổn định, không có tình trạng quá tải. Dù vậy do nhu cầu khách hàng đăng ký quá cao nên nhiều khách hàng vẫn chưa mua được vàng miếng SJC” – vị này nói và cho biết trong ngày đầu tiên bán vàng online, có hơn 20 khách hàng đã đăng ký mua thành công nhưng sau đó không đến mua.

Do mua vàng online trên hệ thống khó, nhiều người vẫn xếp hàng chờ mua vàng tại Công ty SJC. Cho đến nay, SJC vẫn mở cửa giao dịch để đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Dù vậy, công ty này cũng đang triển khai phương án để sớm cho khách hàng đăng ký mua vàng qua kênh online, thay vì xếp hàng trực tiếp mua vàng.

Theo ghi nhận lúc 14h chiều 18-6, vẫn có nhiều người chờ mua vàng trước trụ sở Công ty SJC trên đường Nguyễn Thị Minh Khai (quận 3, TP.HCM) để lấy số thứ tự. Sáng cùng ngày, công ty này thông báo những người đã mua vàng tại đây trong vòng 2 tuần sẽ không được mua thêm.

Trong khi giá vàng được bốn ngân hàng thương mại nhà nước (Vietcombank, VietinBank, Agribank, BIDV) và Công ty SJC bán ra với giá 76,98 triệu đồng/lượng, có thời điểm những ngân hàng và cửa hàng kinh doanh vàng khác bán vàng với giá cao hơn từ 1 – 2 triệu đồng/lượng.

Nhiều tiệm vàng co cụm né kiểm tra

Sau hàng loạt văn bản nhắc nhở của Ngân hàng Nhà nước và sự vào cuộc của cơ quan chức năng trong việc kiểm tra thị trường vàng, theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, nhiều tiệm vàng ở TP.HCM đã co cụm để đối phó.

Chiều 18-6, tại một tiệm vàng trên đường Lê Thánh Tôn (Q.1), khi có khách hàng hỏi mua vàng miếng, chủ tiệm vàng báo đã “hết vàng”, không mua bán vàng miếng và chỉ khách hàng đến các công ty lớn và ngân hàng để mua vàng, trong khi trước đó tiệm vàng này vẫn mua bán vàng miếng bình thường.

Không chỉ ngừng bán vàng miếng, trên quầy kệ của tiệm vàng này cũng trống trơn, chỉ bày vài bộ trang sức thay vì bày kín hàng như trước. Lý do tiệm vàng này không bán vàng miếng là vì “sợ bị phạt”.

Ông Nguyễn Ngọc Trọng, giám đốc Công ty vàng Đối tác mới (NPJ), cho biết do cầu vượt quá cung nên trên thị trường vàng xuất hiện tình trạng vàng hai giá. Nhiều người mua vàng tại các công ty vàng sau đó có thể bán chênh lệch.

Trong khi đó rất khó mua vàng miếng tại các công ty vàng lớn và ngân hàng. Theo ông Trọng, việc áp dụng bán vàng online hiện nay là một giải pháp tốt nhưng song song đó nên tăng nguồn cung vàng miếng SJC ra thị trường và mở rộng mạng lưới bán vàng để giải tỏa nút thắt hiện nay trên thị trường vàng.

Trong công văn 1832 gửi đến các cơ quan ban ngành mới đây, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM khuyến cáo người dân chỉ được thực hiện mua bán vàng miếng SJC tại các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp được Ngân hàng Nhà nước cấp giấy phép kinh doanh mua bán vàng miếng.

Các doanh nghiệp kinh doanh vàng trang sức mỹ nghệ không được cấp phép kinh doanh mua bán vàng miếng nếu vẫn mua bán vàng miếng với cá nhân, tổ chức là trái quy định tại nghị định số 24 và các quy định pháp luật khác có liên quan sẽ bị xử phạt.

Sẽ xem xét đánh thuế đối với giao dịch vàng

Chiều 18-6, tại cuộc họp báo thường kỳ quý 2 của Bộ Tài chính, quản lý hoạt động kinh doanh vàng là nội dung được đại diện các cơ quan báo chí tập trung đặt câu hỏi.

Trả lời báo chí liên quan quản lý với hoạt động kinh doanh vàng, ông Đặng Ngọc Minh – phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế – cho biết cũng như bất kỳ hoạt động kinh doanh khác, kinh doanh vàng phải chịu sự quản lý của cơ quan nhà nước, trong đó có cơ quan thuế. Các cơ sở kinh doanh vàng phải nộp thuế.

Theo ông Minh, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngành thuế đã triển khai nhiều giải pháp để quản lý thị trường vàng, trong đó có yêu cầu các cơ sở kinh doanh vàng xuất hóa đơn điện tử từ máy tính tiền để kiểm soát các giao dịch mua bán vàng. Thời gian tới mua bán vàng phải thanh toán không tiền mặt nhằm chống rửa tiền.

Cũng theo ông Minh, cả nước đang có 38 cơ sở kinh doanh vàng miếng, gồm 22 tổ chức tín dụng và 16 doanh nghiệp. Tính đến cuối năm 2023, cả nước có 12.516 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực mua bán, chế tác vàng. Ngoài ra còn có 5.506 hộ kinh doanh mua bán, chế tác, gia công vàng bạc đá quý.

Theo quy định, tất cả các doanh nghiệp phải thực hiện việc xuất hóa đơn điện tử có kết nối máy tính tiền với cơ quan thuế. Riêng với các hộ kinh doanh, ngành thuế đang phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương để khuyến khích các hộ kinh doanh, trong đó có hộ kinh doanh vàng, triển khai công tác này.

Trả lời về đề xuất đánh thuế giao dịch vàng nhằm ngăn chặn tình trạng đầu cơ, thao túng giá, ông Nguyễn Đức Chi – thứ trưởng Bộ Tài chính – cho biết Bộ Tài chính tiếp thu, nghiên cứu và đánh giá tác động nhiều khía cạnh với đề xuất này.

Thông báo: Baoangiang.com rất mong nhận được sự đóng góp ý kiến cũng như bài vở của bạn đọc gần xa. Quý bạn đọc có tin bài muốn cộng tác xin gửi về địa chỉ email: [email protected] hoặc zalo: 0909090909.

Chúng tôi sẽ có nhuận bút tương xứng với chất lượng của bài viết nếu bài viết của Quý đọc giả được chọn để đăng trên trang của chúng tôi. Xin cám ơn!

Bài viết mới cập nhật: